BTĐKT - Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, công tác giảm nghèo tại Ninh Bình đã có nhiều chuyển biến. Tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 5,17%, trong đó: Tổng số hộ nghèo: 7.438 hộ, tỷ lệ 2,36%; tổng số hộ cận nghèo: 8.829 hộ, tỷ lệ 2,81%.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, công tác giảm nghèo luôn được tỉnh Ninh Bình quan tâm thực hiện đạt kết quả tốt. Tỉnh đã có nhiều chính sách cụ thể, thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.
Năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho gần 540,8 nghìn đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên và hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình. Công tác bảo trợ xã hội và đền ơn đáp nghĩa cũng được thường xuyên quan tâm thực hiện. Các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đã động viên thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các đối tượng bảo trợ xã hội... với tổng số kinh phí 97.984,3 triệu đồng.
Thực hiện tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo, năm 2021, tỉnh đã giải quyết cho 600 lượt hộ nghèo, 1.300 lượt hộ cận nghèo và 2.300 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất với tổng kinh phí 227,3 tỷ đồng. Năm 2022, giải quyết cho 4.915 lượt đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, với tổng kinh phí là 293 tỷ đồng; giải quyết cho 12.400 hộ được vay vốn xây dựng nước sạch và vệ sinh môi trường với tổng kinh phí 248 tỷ đồng; 170 hộ được vay vốn nhà ở xã hội với tổng kinh phí 70 tỷ đồng; 2.270 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn với tổng kinh phí 53,4 tỷ đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai thông suốt hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đặc biệt, các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đã được triển khai rất kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả cao, góp phần tích cực vào sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương sau đại dịch.
Kết quả đầu tư tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thu hút và tạo việc làm cho gần 10 ngàn lao động; giúp cho trên 2.400 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, mua máy móc thiết bị học tập trực tuyến, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; xây dựng cải tạo trên 25 ngàn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng trên 160 ngôi nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách...
Đến hết năm 2025, tỉnh Ninh Bình phấn đấu số hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân 1.610 hộ/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022 – 2025. Phấn đấu trên 80% người có khả năng và nhu cầu lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện, thành phố tham gia Chương trình được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, tăng thu nhập. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng trong thực hiện các chương trình giảm nghèo.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, tỉnh sẽ tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, phối hợp thực hiện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến về tiếp cận nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo bền vững với phương pháp và cách làm phù hợp, tạo sự đồng thuận, chung tay của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và giai đoạn 2021 - 2025 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của Chính phủ; xây dựng đội ngũ rà soát viên có chất lượng để tổ chức thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo kết quả chính xác, đúng thực trạng; thực hiện phương pháp quản lý hồ sơ hộ nghèo, hộ cận nghèo hợp lý, khoa học làm cơ sở đề xuất các giải pháp hỗ trợ phù hợp theo từng nhóm hộ nghèo, từng khu vực; có biện pháp quyết liệt, cương quyết đối với các hộ có đủ điều kiện tổ chức sản xuất, học tập, lao động nhưng có tư tưởng trông chờ thụ hưởng chính sách; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong công tác giảm nghèo bền vững; tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, chính sách giảm nghèo thường xuyên, tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo…
Thu Hiền