BTĐKT - Xác định chuyển đổi số là hướng đi đúng, tạo động lực phát triển mới, hơn 2 năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Thái Nguyên đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số”. Tỉnh được đánh giá xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chuyển đổi số năm 2021 (tăng 4 bậc so với năm 2020). Đây chính là nền tảng vững chắc để tỉnh tiếp tục thực hiện phong trào thi đua này đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.
Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh Thái Nguyên
Xây dựng Chính quyền số là một trong những mục tiêu quan trọng mà Thái Nguyên hướng tới. Tỉnh đang đã tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ... nhằm làm đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính được duy trì ổn định, kết nối an toàn. Hệ thống đã kết nối thông suốt đến 100% các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên toàn tỉnh. Tỉnh cũng hoàn thành kết nối, giám sát mạng truyền số liệu chuyên dùng đối với 36 kênh cấp tỉnh, huyện và 100% kênh cấp xã.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị Nhà nước tăng cường sử dụng có hiệu quả Hệ thống quản lý văn bản đi đến và điều hành của tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có hơn 4 triệu văn bản điện tử được trao đổi giữa các đơn vị trên hệ thống, ước tính tiết kiệm khoảng hơn 15 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã cấp hơn 7.730 chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các đơn vị, địa phương…
Song song với đó, Thái Nguyên cũng đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ.
Đến nay, Thái Nguyên đã thực hiện được 23/25 dịch vụ công thiết yếu. Trong đó có trên 1 triệu căn cước công dân gắn chíp được cấp, đạt tỷ lệ 99%; đã xác thực 97% người đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; cung cấp tích hợp 100% thủ tục hành chính toàn trình, gồm 760 thủ tục lên Cổng dịch vụ công quốc gia; hoàn thành tích hợp chức năng số hóa hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống ở cả 3 cấp.
Ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử do Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương xây dựng đã được triển khai đến toàn bộ đảng viên tại 16 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, với 87% đảng viên đã cài đặt, đăng ký thành công.
Về phát triển đô thị thông minh, Thái Nguyên đã triển khai thử nghiệm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC). Ứng dụng công dân số “C-ThaiNguyen” ra đời đã phát huy hiệu quả vai trò là nền tảng kết nối giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân tham gia xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Đối với kinh tế số, ước doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 357 nghìn tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh hiện nay là 324 doanh nghiệp. Thái Nguyên đang đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai hóa đơn điện tử và thuế điện tử; phát triển thương mại điện tử (sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên đã có hơn 2.600 sản phẩm được cập nhật)...
Trên trụ cột xã hội số, hiện nay, 100% các xã trên địa bàn tỉnh đã có tổ công nghệ số cộng đồng. Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách số, đưa các dịch vụ số phục vụ cuộc sống tới người dân thông qua thiết bị di động, Thái Nguyên đã triển khai nền tảng xã hội số “Thai Nguyen ID”. Hiện ứng dụng này đạt 74.591 lượt cài đặt; 3.012 tài khoản eKYC, 623 hồ sơ việc làm…
Điểm nổi bật trong phát triển xã hội số ở Thái Nguyên là triển khai mô hình Chợ 4.0 - chợ thanh toán không dùng tiền mặt. Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 107 chợ 4.0.
Đặc biệt, thực hiện chi trả chính sách xã hội, Thái Nguyên đã tạo tài khoản cho 95,38% số hộ nghèo, cận nghèo; 76,3% số người có công; 77,5% các đối tượng trợ giúp xã hội. Theo đó, tỉnh đã triển khai thí điểm chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng đang hưởng chính sách trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng trên toàn tỉnh. Hiện 100% các cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh đã tiếp nhận khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNeID. Tỉnh cũng thực hiện số hóa 16 điểm di tích tại Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, nâng cấp phần mềm 3D và tích hợp trên ứng dụng “C-ThaiNguyen”…
Những kết quả và thành tựu bước đầu trong chuyển đổi số của Thái Nguyên sẽ là cơ hội để tạo ra những cú huých cho sự phát triển đột phá của tỉnh. Với khát vọng vươn xa hơn nữa, Thái Nguyên phấn đấu trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, với mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Tùng Chi