TĐKT- Trong những năm qua, hoạt động của khối, cụm thi đua trong ngành BHXH đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Các khối, cụm đã duy trì nền nếp các hoạt động sơ kết, tổng kết, đề ra phương hướng nhiệm vụ để thực hiện tốt các phong trào thi đua; tổ chức đăng ký, ký kết thực hiện giao ước thi đua với nội dung, tiêu chí cụ thể, thiết thực gắn với nhiệm vụ chính trị được giao, tổ chức phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Thông qua đó, tạo cơ hội cho các đơn vị giao lưu, trao đổi nghiệp vụ góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu, kế hoạch của từng đơn vị và của ngành.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện không thể tránh khỏi một số tồn tại, hạn chế. Việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua tại khối, cụm thi đua và các đơn vị thành viên chưa đồng đều. Việc xây dựng, phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến còn hạn chế. Việc bình xét, suy tôn, đề nghị tặng Cờ thi đua ở một số khối, cụm còn mang tính chất luân phiên, có tập thể được suy tôn nhưng thành tích chưa thực sự tiêu biểu, xuất sắc. Đa số các khối, cụm thi đua lập hồ sơ đề nghị khen thưởng chậm, báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân còn sơ sài, không đầy đủ nội dung theo quy định... làm giảm hiệu quả và ý nghĩa, tác dụng của công tác thi đua, khen thưởng.
Các hoạt động thi đua trong ngành BHXH
Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động khối, cụm thi đua trong ngành, BHXH Việt Nam yêu cầu: Thứ nhất, các đơn vị đẩy mạnh đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/04/2014 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của ngành theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Thứ hai, tổ chức triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua do BHXH Việt Nam phát động. Từng khối, cụm thi đua căn cứ kết quả và tiến độ thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch và đặc thù riêng chủ động tổ chức phát động phong trào thi đua chuyên đề, đột xuất tập trung giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, xây dựng các tiêu chí chấm điểm thi đua phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của khối, cụm thi đua làm căn cứ đánh giá và bình xét khen thưởng.
Thứ tư, tập trung công tác phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến theo Kế hoạch số 2861/KH-BHXH ngày 29/07/2016 của BHXH Việt Nam về xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến giai đoạn 2016 - 2020; giới thiệu gương điển hình tiên tiến để nhân rộng trong khối, cụm thi đua và toàn ngành.
Thứ tư, tổ chức sơ kết, tổng kết và các hoạt động chung nhằm kết nối các thành viên, giao lưu, trao đổi nghiệp vụ; đánh giá việc thực hiện các phong trào thi đua, đề ra các biện pháp, giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn, khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thứ năm, thực hiện Quy chế Thi đua, khen thưởng của BHXH Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 234/QĐ-BHXH ngày 23/02/2018 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, hằng năm, căn cứ thành tích của các đơn vị thành viên khối, cụm thi đua, thực hiện tổng kết, bình xét, suy tôn đề nghị tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, Cờ thi đua của BHXH Việt Nam, Cờ thi đua của Chính phủ cho đơn vị thực sự tiêu biểu, xuất sắc và đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Quan tâm khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tạo sự lan tỏa trong cơ quan, đơn vị và toàn ngành.
Thứ sáu, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các đơn vị được suy tôn đề nghị tặng Cờ thi đua của BHXH Việt Nam, Cờ thi đua của Chính phủ lập hồ sơ đề nghị khen thưởng đảm bảo nội dung và thời gian quy định.
Cuối cùng, thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng BHXH Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, đánh giá sát sao tình hình, chất lượng và kết quả hoạt động khối, cụm thi đua trong ngành BHXH, kịp thời báo cáo lãnh đạo ngành những vấn đề vướng mắc phát sinh, tham mưu, đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn, trường hợp cần thiết, đề xuất trình lãnh đạo ngành sửa đổi, bổ sung hướng dẫn tổ chức hoạt động và bình xét khen thưởng phù hợp.
Hồng Thiết