TĐKT - 75 năm xây dựng và phát triển, trải qua những thăng trầm của lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, các tầng lớp nhân dân huyện Kim Sơn luôn đoàn kết một lòng đi theo Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương. Kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng bộ huyện (6/6/1947 - 6/6/2022) là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân Kim Sơn ôn lại lịch sử vẻ vang, thêm tự hào về truyền thống quê hương; tiếp tục đoàn kết, đồng lòng hiện thực hóa khát vọng "Vươn ra biển lớn" - đưa Kim Sơn trở thành huyện khá của tỉnh Ninh Bình vào năm 2030.
Đồng chí Đinh Việt Dũng, TVTU, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kim Sơn thăm mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại vùng ven biển Kim Sơn.
Kim Sơn - vùng đất mở, hoang vu, đầy lau sậy và sú vẹt, gắn liền với sự nghiệp khẩn hoang của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Với tầm nhìn xa, trông rộng, ngài Uy viễn đã cùng với các cụ chiêu, nguyên, thứ mộ vật lộn với đất, với nước, với đói rét và bệnh tật, mồ hôi, nước mắt và xương máu tiến hành khai hoang lấn biển, mở mang bờ cõi lập nên vùng đất mà vua Minh Mệnh đặt riêng một huyện gọi là Kim Sơn vào ngày 5/4/1829.
Những thăng trầm của lịch sử gần 200 năm xây dựng và phát triển đã hun đúc nên bản lĩnh và khí phách của mảnh đất, con người Kim Sơn - anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên trong lao động sản xuất. Phẩm chất đó luôn được các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện kế thừa và không ngừng phát huy để xây dựng quê hương giàu mạnh.
Ngược dòng lịch sử những năm đầu của thế kỷ XIX, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, người dân Kim Sơn cùng với nhân dân Việt Nam chịu kiếp nô lệ lầm than "một cổ hai tròng". Là con cháu của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, nhân dân Kim Sơn yêu tha thiết mảnh đất mà cha ông đã đổ mồ hôi xương máu tạo dựng lên nhưng việc thành lập các tổ chức cách mạng trước năm 1945 rất khó khăn. Không cam chịu cảnh áp bức, bóc lột, nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra ở Kim Sơn, điển hình như cuộc đấu tranh đòi tăng lương của công nhân Xương Lợi, phá kho thóc Lẫm ở xã Thượng Kiệm, Tuy Lộc, Trì Chính…
Nhân dân đã đứng lên lật đổ chính quyền tay sai phản động, lập nên chính quyền công nông đầu tiên ở Kim Sơn vào ngày 21/8/1945. Sau những ngày giành chính quyền, Kim Sơn là địa bàn điểm nóng nhất về chính trị ở Ninh Bình, nơi diễn ra cuộc đối đầu quyết liệt giữa lực lượng cách mạng còn non trẻ và bọn phản động đội lốt tôn giáo, việc xây dựng các tổ chức cách mạng, các nhân tố là vô cùng khó khăn. Trước tình hình đó, dưới sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Ninh Bình và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều đảng viên có kinh nghiệm, tâm huyết đã được đưa về Kim Sơn để xây dựng lực lượng.
Ngày 6/6/1947, tại đình Thượng - Tuy Lộc (xã Yên Lộc), Tỉnh ủy Ninh Bình đã tổ chức hội nghị công bố thành lập Đảng bộ huyện Kim Sơn với 21 đảng viên, đồng chí Mai Văn Tiệm được chỉ định làm Bí thư Huyện ủy. Đây là sự kiện trọng đại, đánh dấu sự trưởng thành, là bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển phong trào cách mạng của huyện.
Từ đây, công tác phát triển Đảng đã được thực sự chú trọng, hàng loạt tổ chức đảng ở các xã, thị trấn được thành lập, các tổ chức chính trị, vũ trang cũng được hình thành. Giai đoạn 1949 - 1954 là giai đoạn hết sức cam go, mở đầu bằng sự kiện thực dân Pháp lại nhảy dù quay lại chiếm đóng Kim Sơn vào ngày 16/10/1949, chúng đã cấu kết với bọn phản động điên cuồng chống phá cách mạng, với ý đồ biến Kim Sơn thành một cứ điểm mạnh để làm bàn đạp đánh chiếm Ninh Bình, hình thành các vành đai trắng, ngăn cách cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đảng bộ huyện Kim Sơn xác định vừa chống thực dân Pháp, vừa chống bọn phản động lợi dụng tôn giáo, phong trào đánh giặc, phá tề, diệt ác được đẩy mạnh. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, quân và dân Kim Sơn dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành thắng lợi. Ngày 30/6/1954 là ngày mà bất cứ người dân Kim Sơn nào cũng không thể quên - Kim Sơn được hoàn toàn giải phóng, ghi đậm thêm nét son chói lọi trong lịch sử huyện Kim Sơn. Rất nhiều địa phương, đơn vị (các xã: Xuân Thiện, Định Hóa, Lai Thành, Yên Mật, Chất Bình và Công an huyện Kim Sơn) được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý - "Anh hùng Lực lượng vũ trang". Đối với Kim Sơn, đây là giai đoạn lịch sử hào hùng, để lại nhiều dấu ấn, khẳng định vai trò, uy tín to lớn của Đảng bộ huyện trong lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương đầy khó khăn và thử thách.
Ngay sau ngày giải phóng, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân chung sức, chung lòng cùng với nhân dân miền Bắc hăng hái thi đua lao động, sản xuất, xây dựng hậu phương vững chắc; đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Trong gần 10 năm, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Kim Sơn là vùng cửa ngõ chiến lược và chịu những đợt không kích dữ dội của không quân Mỹ mở đầu là ngày 23/6/1965. Dù phải phải hứng chịu bom đạn của kẻ thù, nhưng huyện vẫn giành nhiều thành tích xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, cụ thể: Kim Sơn là một trong những đơn vị đầu tiên của miền Bắc đạt năng suất lúa 5 tấn/ ha; một số phong trào được xếp hạng nhất nhì miền Bắc được Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng khen (dạy vỡ lòng của xã Lưu Phương, dạy bổ túc văn hóa của xã Kiến Trung).
Đi qua cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, quân và dân Kim Sơn đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ ngay trên mảnh đất quê hương, đóng góp cho tiền tuyến gần 40 vạn tấn lương thực, gần 2.000 con em Kim Sơn đã anh dũng ngã xuống trên các chiến trường... Đảng bộ, quân và dân huyện Kim Sơn, dân quân du kích xã Thượng Kiệm, trung đội dân quân Kim Đài đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Những chiến công đó góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước, tô thắm thêm truyền thống yêu nước sáng ngời của đất và người Ninh Bình.
Đóng góp chung vào thành tựu của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhất là sau 30 năm tỉnh Ninh Bình được tái lập (1992 - 2022), Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã nối tiếp truyền thống cách mạng, vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển, tạo bước đột phá để khẳng định vị trí địa chính trị của mảnh đất "núi vàng" để giành nhiều kết quả quan trọng. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân được đặc biệt chú trọng, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên liên tục được củng cố.
Phương thức lãnh đạo không ngừng được đổi mới, nhiều Nghị quyết quan trọng đã được BCH Đảng bộ huyện qua các thời kỳ thông qua nhằm định hướng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới… Kinh tế có bước phát triển khá, trong đó kinh tế biển đã và đang trở thành ngành kinh tế quan trọng ở địa phương.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân của huyện đạt trên 7%; sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng 8% so với nhiệm kỳ trước. Kim Sơn luôn là huyện dẫn đầu của tỉnh về năng suất lúa (bình quân hàng năm đạt trên 120 tạ/ha). Lợi thế của vùng biển được khai thác và phát huy, năm 2021 tổng sản lượng thủy hải sản toàn huyện đạt gần 30.000 tấn (tăng gấp 6 lần so với năm 2002); bước đầu xây dựng được một số sản phẩm hải sản mang thương hiệu Kim Sơn như: Ngao, cua, hàu...
Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhiều dự án lớn đang được triển khai tích cực. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới. Toàn huyện hiện có 21/23 xã đã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 16 thôn, xóm đạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu… Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.
An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Dân chủ được phát huy, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương - giáo được củng cố, mở rộng; nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền. 75 năm qua, với 24 kỳ Đại hội, Đảng bộ huyện Kim Sơn đã có những bước trưởng thành vượt bậc: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được nâng lên. Ý thức trách nhiệm, đạo đức lối sống, tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên có những chuyển biến tích cực.
Công tác cán bộ được thực hiện đảm bảo quy trình chặt chẽ, khách quan, đúng quy định. Công tác kết nạp đảng viên, nhất là đảng viên là người theo tôn giáo, đảng viên là công nhân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước được quan tâm. Tổ chức cơ sở đảng được củng cố, tăng cường. Từ 21 đảng viên, đến nay Đảng bộ huyện đã có 74 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với trên 8.240 đảng viên, trong đó có 880 đảng viên là người có đạo.
Thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn) ngày càng đổi mới
Chặng đường 75 năm xây dựng và phát triển đã chứng minh sự trưởng thành, lớn mạnh vượt bậc của Đảng bộ huyện Kim Sơn; khẳng định vai trò tiên phong, lãnh đạo quân và dân trong thực hiện các phong trào cách mạng. Trên hành trình ấy, Đảng bộ, nhân dân huyện Kim Sơn đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì; nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được nhận các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, địa phương.
Kế thừa và phát huy truyền thống 75 năm xây dựng, phát triển, Đảng bộ huyện cùng với cả hệ thống chính trị và mỗi người dân Kim Sơn tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao để đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa. Trước mắt là triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, phấn đấu đưa Kim Sơn sớm trở thành huyện nông thôn mới và trở thành thị xã trong tương lai không xa. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, Đảng bộ huyện xác định thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, thống nhất quan điểm đề cao vai trò của cơ sở với quan điểm "lấy cơ sở là trung tâm của mọi hoạt động", đề cao tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cấp ủy viên các cấp với phương châm "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm". Đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành.
Coi trọng công tác tổ chức cán bộ, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc phát hiện nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, công tác luân chuyển đội ngũ cán bộ. Tiếp tục đổi mới công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các Hội quần chúng theo hướng bám sát thực tiễn, hướng mạnh về cơ sở. Lãnh đạo nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cấp xã; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đề cao văn hóa công sở gắn với trách nhiệm và chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương, giáo; thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương; đảm bảo an ninh chính trị - trật tự, an toàn xã hội.
Thứ hai, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ theo chuỗi giá trị; chuyển đổi ruộng trũng, kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế nông nghiệp tổng hợp; chú trọng phát triển kinh tế biển. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2022 (sớm trước một năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra).
Thứ ba, phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng tập trung tại các khu, cụm, điểm công nghiệp; chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, điện, điện tử, chế biến vào đầu tư tại địa bàn. Đẩy mạnh việc triển khai, xây dựng cơ sở hạ tầng 2 cụm công nghiệp tại xã Xuân Chính, Chất Bình và khu công nghiệp Kim Sơn khu vực ngoài đê xã Kim Đông, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, mở rộng Cụm công nghiệp Đồng Hướng.
Thứ tư, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho phát triển thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục; giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông từ thuở đi mở đất. Củng cố, tăng cường và phát huy hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo. Khai thác có hiệu quả các điểm du lịch (Nhà thờ đá Phát Diệm, chùa Đồng Đắc, đền Nguyễn Công Trứ, Cồn Nổi, Vùng sinh thái bãi bồi ven biển Kim Sơn…) để thu hút đầu tư xây dựng các dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng...
Thứ năm, tập trung lập, tổ chức thực hiện các Quy hoạch phát triển, định hướng không gian phát triển gắn với đầu tư, xây dựng các công trình, dự án hạ tầng. Trong đó tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại các Quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Kim Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi huyện Kim Sơn đến năm 2040; Quy hoạch phân khu xây dựng khu vực phía Bắc QL10; điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Phát Diệm đến năm 2035; Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu dân cư tại xã Tân Thành, Yên Lộc, Định Hóa và Quy hoạch mở rộng Cụm Công nghiệp Đồng Hướng. Song song với công tác quy hoạch, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, theo hướng hiện đại, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Tự hào về lịch sử gần 200 năm thành lập huyện, chặng đường 75 năm vẻ vang của Đảng bộ huyện, 68 năm huyện Kim Sơn được giải phóng và hân hoan trong niềm vui chung với những thành tựu của tỉnh Ninh Bình sau 30 năm tái lập, Đảng bộ, chính quyền, quân, dân huyện Kim Sơn càng ý thức được trách nhiệm của mình trong việc tiếp nối và làm rạng danh quê hương.
Nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kim Sơn trong thời gian tới là rất nặng nề, còn nhiều khó khăn, thách thức. Song, với bản lĩnh vững vàng, khiêm tốn, cầu thị, tinh thần đoàn kết, ý chí khát vọng vươn lên, các thế hệ cán bộ, đảng viên, người dân Kim Sơn nguyện tiếp tục đồng lòng, kiên định thực hiện mục tiêu: Vươn ra biển lớn, kiến tạo và xây dựng quê hương Kim Sơn giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, đẹp về văn hóa, xứng đáng là quê hương anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Vũ Dũng