TĐKT – Xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh là một trong những đơn vị cấp xã bước đầu thực hiện công tác chuyển đổi số tích cực và mang lại những hiệu quả thiết thực. Mới đây, chính quyền và nhân dân xã Yên Hòa đã được lựa chọn là 1 trong 7 tập thể điển hình tiêu biểu, được tôn vinh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ 17 năm 2022, được tổ chức tại Hà Nội.
Hiện nay, xã có nhiều hệ thống giao tiếp giữa chính quyền và người dân như: Hệ thống tin nhắn SMS; App “Công dân số”; trang thông tin của xã trên Zalo page, hệ thống camera an ninh phủ 100% địa bàn; xây dựng mã địa chỉ bưu chính cho 100% cơ quan, hộ gia đình trên địa bàn qua nền tảng bản đồ số; triển khai thanh toán điện tử qua QR code, chính quyền xã xử lý văn bản điện tử, chữ ký số; 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của xã giải quyết trên hệ thống Một cửa điện tử.
Xã cũng đã thực hiện đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương (cá chạch sụn kho niêu, đông lạnh, sấy khô; chuối tây sấy dẻo) lên sàn thương mại điện tử postmart.vn. Sản lượng bán ra tăng 5 lần, thu nhập người dân tăng 3 lần so với trước đây; được Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) giới thiệu trong Sáng kiến “Làng kỹ thuật số” cùng với một số mô hình của một số nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bà Bùi Thị Minh Hoài – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương trao biểu trưng Vinh quang Việt Nam cho đại diện chính quyền và nhân dân xã Yên Hòa.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Đoàn Trung Nam, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa xúc động: “Đây là vinh dự, nhưng đồng thời là trách nhiệm để chính quyền và nhân dân xã Yên Hòa tiếp tục cố gắng hơn nữa trong thời gian tới, để người dân được hưởng thụ thành quả của khoa học - công nghệ, đưa đời sống, kinh tế - xã hội ngày càng được nâng cao”.
Ông Đoàn Trung Nam cho biết: Yên Hòa là 1 xã thuần nông đồng chiêm chũng, nằm ở phía Tây Nam huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, cách trung tâm huyện 1 km, diện tích tự nhiên 6,2 km2, dân số 7693 người (trong đó đồng bào công giáo chiếm 30%), có 6 thôn xóm. Năm 2015, Yên Hòa được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2020, được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Tháng 9/2020, xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình được lựa chọn triển khai thí điểm chuyển đổi số. Tuy nhiên, những ngày đầu bước vào chuyển đổi số, xã Yên Hòa dù đã thiết lập mạng nội bộ LAN, nhưng hệ thống không được quy hoạch thiết kế chuẩn, thiết bị không đồng bộ và lạc hậu; cán bộ, công chức của xã đã được trang bị máy tính, nhưng trình độ tin học của cán bộ, công chức xã chỉ đáp ứng tối thiểu cho yêu cầu của công việc. Bên cạnh đó, hệ thống đài truyền thanh của xã đã cũ, người dân không được tiếp cận các dịch vụ về y tế thông minh, giáo dục thông minh, việc nắm bắt thông tin chủ yếu chỉ qua các kênh thông tin cơ bản. Trang thông tin điện tử của xã được xây dựng từ năm 2018, nhưng hoạt động chưa hiệu quả và còn hạn chế về nội dung, số lượt truy cập thấp…. Muôn vàn những khó khăn, thử thách, những điều mới mẻ, đầy bỡ ngỡ đặt ra cho chính quyền và nhân dân xã.
Ngay sau đó, với sự quyết tâm cao, UBND xã đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo với 25 thành viên, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo phụ trách từng nhiệm vụ, từng lĩnh vực. Ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai các nội dung; lập ra các nhóm/group trên zalo của từng hạng mục và nhóm chỉ đạo chung để triển khai.
Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện công cuộc chuyển đổi số, xã Yên Hoà đã đạt được những kết quả quan trọng. Bước đầu, xã đã thành công trong nâng cấp, tái cấu trúc hệ thống mạng nội bộ, triển khai đường truyền số liệu chuyên dùng; triển khai hệ thống truyền thanh ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Hiện nay tất cả các bài phát thanh, tuyên truyền của địa phương đều được áp dụng công nghệ chuyển văn bản giấy thành giọng nói thông qua nền tảng trí tuệ nhân tạo AI tạo tin, chuyển file để phát trên hệ thống; chất lượng bài tuyên truyền ngày càng được nâng cao, hiệu quả tốt hơn.
Ngoài ra, xã đã tăng cường hệ thống Camera an ninh. Đến nay, hệ thống camera toàn xã được lắp đặt với tổng số 72 camera trong toàn xã và các cơ quan đơn vị. Từ khi có hệ thống camera, tình hình an ninh được cải thiện, tình trạng trộm cắp tài sản, mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội giảm hẳn so với thời điểm trước khi chưa có hệ thống. Ngoài ra, thông qua hệ thống camera giúp cho lực lượng công an trong việc xác minh, truy tìm các đối tượng tội phạm hiệu quả.
Đặc biệt, xã Yên Hòa đã triển khai ứng dụng cho chính quyền số với việc sử dụng chữ ký số; hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành; tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC trên hệ thống Một cửa điện tử; thiết lập kênh truyền thông, giao tiếp giữa UBND xã và người dân; hệ thống giám sát, điều hành thông minh cấp xã.
Theo ông Nam, triển khai Hệ sinh thái Hành chính công trên ứng dụng “Công dân số”, xã đã tiến hành hướng dẫn cài đặt, sử dụng và cấp được 1.722 tài khoản trên ứng dụng “Công dân số” cho người dân. Tập trung đăng tải thông tin tuyên truyền, văn bản chỉ đạo trên app để nhân dân theo dõi, nắm bắt; xây dựng các hướng dẫn, tờ rơi tại bộ phận một cửa, trên Website để người dân hiểu và thấy được lợi ích.
Ông Đoàn Trung Nam, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa chia sẻ với báo chí về những thành quả bước đầu mà xã Yên Hòa đạt được trong công tác chuyển đổi số
Đáng chú ý là, để phát triển kinh tế số, xã đã đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; triển khai thanh toán điện tử trong nhân dân một cách linh hoạt, nhanh chóng. Theo đó, nền tảng địa chỉ số, phần mềm Vpostcode được xây dựng và triển khai đến 100% hộ gia đình, các điểm thanh toán điện tử bằng cách quét mã qr-code được triển khai. Xã đã thực hiện đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương (cá chạch sụn kho niêu, đông lạnh, sấy khô; chuối tây sấy dẻo) lên sàn thương mại điện tử postmart.vn. Kết quả sản lượng bán ra tăng 5 lần, thu nhập người dân tăng 3 lần so với trước đây. Xã cũng xây dựng mã địa chỉ bưu chính cho 100% cơ quan, hộ gia đình trên địa bàn xã qua nền tảng bản đồ số gắn liền với phát triển thương mại điện tử, góp phần tích cực phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Để phát triển xã hội số, xã đã tập trung chuyển đổi số cho lĩnh vực giáo dục; hỗ trợ các nhà trường thực hiện chuyển đổi số đưa các nền tảng, ứng dụng vào hỗ trợ cho công tác dậy và học của các nhà trường như: Cổng thông tin điện tử (Portal); dịch vụ sổ liên lạc điện tử SMAS; phân hệ quản lý thư viện; hệ thống dạy, học và thi trực tuyến; ứng dụng thiết bị di động cho giáo viên hỗ trợ công tác quản lý dạy và học; dịch vụ sổ liên lạc điện tử; phê duyệt giáo án điện tử; học bạ điện tử; đánh giá chất lượng quản lý giáo dục.
Trong lĩnh vực y tế, việc chuyển đổi số được xã triển khai mới với 2 nội dung: Tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa, thành lập nhóm cộng đồng trên mạng “Yên Hòa hỏi - Bác sĩ trả lời”….
Nhìn lại kết quả gần 2 năm xã Yên Hòa đạt được trong công cuộc chuyển đổi số, ông Đoàn Trung Nam, Chủ tịch UBND xã cho rằng: Bài học kinh nghiệm quan trọng đầu tiên khi thực hiện chuyển đổi số đó là xã luôn xác định lấy người dân làm trung tâm để thực hiện; từ đó tuyên truyền thật sâu, rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu thế nào là chuyển đổi số, chuyển đổi số ở lĩnh vực nào và mang lại lợi ích như thế nào thì quá trình triển khai thực hiện mới có thể thuận lợi, thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân.
Ngoài ra, theo ông, vì chuyển đổi số có nhiều điều rất mới, do đó phải có sự quyết tâm cao, vào cuộc tích cực trong quá trình triển khai thực hiện từ lãnh đạo đến chuyên môn; vận dụng sáng tạo các nội dung vào điều kiện đặc thù của địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên, từng bộ phận.
Mai Thảo