TĐKT - 60 năm trưởng thành và phát triển, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước được biết đến là nơi lưu giữ những tư liệu, tài liệu quý giá nguyên vẹn, trường tồn với thời gian và luôn thi đua góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của di sản tư liệu.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tặng hoa chúc mừng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước
Hòa cùng dòng chảy của lịch sử
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 4/9/1962, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102-CP về việc thành lập Cục Lưu trữ trực thuộc Phủ Thủ tướng, có chức năng giúp nhà nước quản lý tập trung, thống nhất công tác lưu trữ và thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho nhà nước trong việc ban hành các chế độ, quy định về công tác lưu trữ. Kể từ đó, nước ta có một cơ quan quản lý cao nhất về công tác lưu trữ, tạo điều kiện xây dựng ngành Lưu trữ với hệ thống các văn bản pháp lý, hệ thống cơ sở khoa học nghiệp vụ và hệ thống tổ chức bộ máy và con người ngày càng hoàn chỉnh hơn.
Cục trưởng Cục văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng
60 năm qua, hòa cùng dòng chảy của lịch sử, theo từng giai đoạn phát triển của đất nước, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã có nhiều tên gọi và trực thuộc nhiều cơ quan Trung ương như: “Cục Lưu trữ thuộc Phủ Thủ tướng” từ ngày 4/9/1962 đến năm 1984; “Cục Lưu trữ Nhà nước” thuộc Hội đồng Bộ trưởng từ năm 1984 - 1991; từ năm 1991 đến nay là Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước thuộc Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ trước đây và thuộc Bộ Nội vụ ngày nay.
Theo đó, cơ cấu tổ chức bộ máy dần được kiện toàn: Từ lúc chỉ có 3 đơn vị với 16 cán bộ và 2 nhân viên giúp việc, đến nay Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước gồm 13 đơn vị cấu thành với hơn 400 công chức, viên chức.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu chúc mừng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước
Kể từ đó tới nay, có thể thấy rằng, dù ở bất cứ giai đoạn nào, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Bộ Nội vụ giao, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành Nội vụ cũng như đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đây là minh chứng cho quá trình phát triển đúng hướng của công tác văn thư, lưu trữ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vai trò của quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ thể hiện ở việc xây dựng, ban hành văn bản quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ. Hệ thống văn bản pháp luật về văn thư, lưu trữ đã và đang dần được hoàn thiện, tiêu biểu như: Pháp lệnh Lưu trữ năm 1982, Luật Lưu trữ năm 2011 cùng nhiều Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, tạo cơ sở cho việc thực hiện công tác văn thư, lưu trữ tại các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Trong những năm qua, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý tài liệu lưu trữ quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã quản lý, tổ chức thực hiện nhiều hoạt động nghiệp vụ nhằm bảo quản và phát huy hiệu quả khối di sản tư liệu quý giá của quốc gia, bao gồm hơn 33.000 mét giá tài liệu trên nhiều vật mang tin khác nhau, phản ánh đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến nay; trong đó có 2 Di sản tư liệu thế giới “Mộc bản triều Nguyễn”, “Châu bản triều Nguyễn” và 2 Bảo vật quốc gia “Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945 - 1946”, “Sưu tập Phác thảo các mẫu Quốc huy Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước”. Các Trung tâm Lưu trữ quốc gia được đầu tư xây dựng kho lưu trữ chuyên dụng với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và bảo quản an toàn tài liệu trên các vật mang tin khác nhau.
Công tác thu thập, bổ sung tài liệu vào các Trung tâm Lưu trữ quốc gia được thực hiện một cách tích cực và chủ động. Công tác tổ chức sử dụng tài liệu, phục vụ nhu cầu của độc giả trong và ngoài nước được thực hiện hiệu quả. Mỗi năm, các Trung tâm Lưu trữ quốc gia phục vụ hơn 5.000 lượt độc giả trong và ngoài nước, cấp bản sao, chứng thực hơn 100.000 trang tài liệu lưu trữ, đón trên 30.000 lượt khách đến tham quan khu trưng bày tài liệu lưu trữ.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn thư, lưu trữ.
Các Trung tâm Lưu trữ quốc gia đã tổ chức hơn 100 cuộc triển lãm, trưng bày tài liệu lưu trữ, trong đó có nhiều triển lãm quốc tế với quy mô lớn, thu hút số lượng lớn khách trong và ngoài nước đến tham quan, các phóng viên đến tham dự, đưa tin.
Bên cạnh đó, các ấn phẩm xuất bản, các phim tư liệu về tài liệu lưu trữ được xây dựng với nội dung đa dạng, chất lượng, đăng tải trên nhiều báo, tạp chí và phương tiện thông tin đại chúng, phục vụ kịp thời các sự kiện quan trọng của đất nước, của các địa phương cũng như phục vụ cho công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của đất nước ở trong nước và quốc tế.
Công tác nghiên cứu khoa học được thực hiện nghiêm túc, chất lượng, thiết thực với nhiều Chương trình khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp cơ sở và các cuộc Hội thảo, tọa đàm khoa học trong nước và quốc tế. Kết quả nghiên cứu khoa học là cơ sở quan trọng để Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước xây dựng, trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về công tác văn thư, lưu trữ, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề tồn tại trong công tác văn thư, lưu trữ.
Hoạt động tiêu chuẩn hóa trong công tác văn thư, lưu trữ ngày càng được chú trọng. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền công bố nhiều tiêu chuẩn trong công tác văn thư, lưu trữ. Những tiêu chuẩn này đã góp phần quan trọng trong việc thống nhất các hoạt động nghiệp vụ văn thư, lưu trữ.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác văn thư, lưu trữ ngày càng được chú trọng và thực hiện có hiệu quả, kịp thời.
Với tư cách là thành viên của các tổ chức lưu trữ quốc tế, Lưu trữ Việt Nam đã tích cực tham gia và thiết lập quan hệ hợp tác và ký kết các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với các cơ quan lưu trữ của 10 nước trong khu vực và trên thế giới như Lào, Campuchia, Cuba, Liên bang Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Đức, Pháp và Mỹ. Điều này không những khẳng định vai trò, vị thế của Lưu trữ Việt Nam trên trường quốc tế mà còn nhấn mạnh vai trò của ngành Lưu trữ Việt Nam trong bảo tồn lịch sử chung của dân tộc Việt Nam và toàn nhân loại.
Phát huy kết quả đạt được
Với những thành tựu đạt được trong thời gian qua, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2002), Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2016), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2007). Bên cạnh đó, nhiều tập thể và cá nhân thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cũng được tặng thưởng huân chương, huy chương và các danh hiệu thi đua cao quý khác. Những thành tích đó thể hiện sự ghi nhận, động viên, khích lệ đối với các thế hệ công chức, viên chức làm công tác văn thư, lưu trữ nói riêng và ngành văn thư, lưu trữ nói chung.
Những năm tới đây là giai đoạn mà tình hình thế giới và trong nước đan xen nhiều thuận lợi, thời cơ, khó khăn và thách thức, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn, đòi hỏi mỗi cán bộ của Cục cần tiếp tục phát huy truyền thống đã được hun đúc, kết tinh qua 60 năm dựng xây, đổi mới và phát triển. Trong đó, tập trung các nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý thống nhất của Nhà nước về công tác văn thư, lưu trữ và tài liệu lưu trữ trên cơ sở nâng cao nhận thức về vai trò của công tác văn thư, lưu trữ và giá trị của tài liệu lưu trữ. Đây được coi như một yếu tố tiên quyết, xuyên suốt, quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác văn thư, lưu trữ.
Thứ hai, hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác văn thư, lưu trữ đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Trọng tâm là sửa đổi Luật Lưu trữ năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, tổ chức trong việc thực thi pháp luật về văn thư, lưu trữ.
Thứ ba, tinh giản bộ máy hợp lý kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm công tác văn thư, lưu trữ chuyên nghiệp, hiện đại, tinh thông nghiệp vụ, từng bước làm chủ công nghệ hiện đại quản lý tài liệu lưu trữ trong thời đại 4.0 đáp ứng yêu cầu phát triển của Chính phủ điện tử và quá trình hội nhập quốc tế của ngành.
Thứ tư, hiện đại hóa công tác văn thư, lưu trữ, xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống quản lý tài liệu điện tử đảm bảo quản lý tài liệu điện tử của các cơ quan, tổ chức. Từng bước xây dựng hạ tầng kỹ thuật và công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia tài liệu lưu trữ điện tử thống nhất, tích hợp, kết nối liên thông, chia sẻ, đồng bộ và bảo mật dữ liệu đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số. Chuyển đổi số mạnh mẽ để chủ động đưa ngành lưu trữ sang giai đoạn phát triển mới, đưa tài liệu lưu trữ thiết thực phục vụ quản lý và mọi nhu cầu của cuộc sống xã hội.
Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ lưu trữ nhằm phát huy mọi nguồn lực, trí tuệ của các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội, chung tay vì sự phát triển của công tác văn thư lưu trữ cũng như bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.
Thứ sáu, đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ. Tăng cường và phát triển hiệu quả các mối quan hệ hợp tác đa phương và song phương sẵn có, tiếp tục mở rộng mối quan hệ hợp tác với các nước khác. Chủ động hội nhập sâu, rộng, nhanh chóng bắt kịp các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế trong các hoạt động nghiệp vụ để ngành Lưu trữ Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
Hồng Thiết