Du lịch cộng đồng làm nên những đổi thay ở bản Vặt
07/07/2022 - 16:21

TĐKT – Với thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên phong phú, văn hóa ẩm thực độc đáo, tập tính người dân thân thiện và cởi mở, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La được nhận định là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Thực tế đầu tư khai thác và phát triển loại hình du lịch này đã và đang tạo nên những bước chuyển mình mạnh mẽ cho mảnh đất và con người huyện Mộc Châu. Du lịch cộng đồng không chỉ đáp ứng nhu cầu của du khách mà còn góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho các đồng bào dân tộc một cách rõ rệt.

 Cơ sở khang trang, sạch sẽ của Hoa Mộc Miên Homestay ở bản Vặt

Cô gái trẻ Lường Thị Hồng Tươi, sinh năm 1992, người dân tộc Thái, vốn sinh ra và lớn lên ở bản Vặt, xã Mường Sàng, huyện Mộc Châu. Không như các thế hệ đi trước, bằng lòng với cuộc sống làm nông nghiệp truyền thống vừa vất vả, vừa không mang lại nguồn thu nhập ổn định, lúc đói lúc no do mùa màng bấp bênh, Tươi lựa chọn phát triển nông nghiệp kết hợp với làm du lịch.

Tươi cho biết: May mắn được cha mẹ cho ăn học đầy đủ nên khi tham gia học cao đẳng Sơn La, cô càng có cơ hội nhận thức sâu sắc hơn về tiềm năng phát triển của mảnh đất quê hương. Vì vậy, sau khi lập gia đình, cô cùng chồng trở lại quê hương để lập nghiệp. Ban đầu, ngoài canh tác những cây trồng truyền thống, hai vợ chồng Tươi dành một phần diện tích đất đai của gia đình để trồng thêm dâu tây và gửi mối bán ở thị trường Hà Nội. Nhưng sau đó, vườn dâu tây không chỉ trở thành sản phẩm nông nghiệp có tính lợi nhuận cao mà còn hút nhiều du khách khi đến tham quan bản Vặt.

Lường Thị Hồng Tươi, chủ nhân của Hoa Mộc Miên homestay luôn đón khách với nụ cười rạng rỡ và trang phục truyền thống của người Thái

Đặc biệt, nhận thấy du khách đến bản không chỉ tham quan mà còn có nhu cầu nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực địa phương và mong muốn được trải nghiệm cuộc sống như người bản địa, năm 2017, cô cùng với 1 - 2 hộ gia đình khác trong bản đầu tư vốn sửa nhà thành nơi lưu trú cho thuê với tên gọi Hoa Mộc Miên homestay; đồng thời từng bước cải tạo dịch vụ, tạo dấu ấn đẹp trong lòng du khách bằng cách chăm chút khu vườn dâu tây trĩu quả, tổ chức những buổi biểu diễn văn nghệ với điệu xòe bập bùng bên bếp lửa hồng. “Dù lúc đó, chỉ tự mày mò làm theo những gì mình học hỏi hoặc nghĩ ra nhưng đã có khách đến và ở lại với bản. Điều đó làm cho tôi và các hộ dân trong bản cảm thấy tràn đầy hy vọng” – Tươi cho biết.

Đúng thời điểm cô chân ướt, chân ráo bước vào làm du lịch, thiếu thốn trăm bề, từ vốn liếng đầu tư cho đến kỹ năng, kinh nghiệm, thì đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2030. Trong đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng là địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, với tổng diện tích tự nhiên là 206.150 ha. Bản Vặt được huyện lựa chọn là nơi thí điểm triển khai mô hình du lịch cộng đồng. Theo đó, Lường Thị Hồng Tươi và các hộ gia đình trong bản Vặt nhận được sự hướng dẫn tận tình của UBND huyện Mộc Châu, chính quyền xã và sự hỗ trợ trực tiếp từ tổ chức phi chính phủ APO. Họ được tập huấn về nghiệp vụ du lịch. Các công việc như trang trí, vệ sinh nhà cửa, buồng, phòng, ẩm thực, phục vụ du khách, dịch vụ du lịch cộng đồng… đều có quy chuẩn rõ ràng. Các hộ gia đình không làm du lịch một cách tự phát như trước mà có định hướng rõ ràng.

Lối sống hợp vệ sinh được bà con dân tộc Thái ở bản Vặt đón nhận và thay đổi rõ rệt

Là người đồng hành, sát cánh với quá trình xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở bản Vặt, chị Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mộc Châu cho biết đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho “đứa con tinh thần” này. Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, song từ lãnh đạo huyện cho đến những cán bộ được phân công đều quyết tâm xây dựng thành công mô hình điểm, không quản ngại, xuống ăn, ngủ tại bản để hướng dẫn, cầm tay, chỉ việc cho bà con. Từ vận động nâng cao nhận thức cho bà con, đến lựa chọn hộ gia đình đầu tàu để làm điểm; đồng thời tổ chức các lớp xóa mù, xóa tái mù; tập cho bà con sử dụng internet, mạng xã hội; dạy họ sử dụng tiếng Anh giao tiếp; vận động thay đổi lối sống hợp vệ sinh, gìn giữ và giới thiệu các bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc Thái đến du khách… Tất cả đều phải rất cụ thể và tỉ mỉ.

Với sự nỗ lực, đồng hành của chính quyền địa phương; sự quyết tâm đổi mới, học hỏi của nhân dân trong bản, không chỉ hộ gia đình cô gái trẻ Lường Thị Hồng Tươi mà hiện tại 14 hộ người Thái khác trong bản Vặt đang tham gia kinh doanh dịch vụ lưu trú, homestay rất hiệu quả.

Theo thông tin sơ bộ, khi chưa có dịch, trung bình mỗi hộ kinh doanh homestay tại bản Vặt thu về khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng. Bản Vặt xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, trong đó có đội văn nghệ với những điệu múa xòe, múa sạp cùng cách thức lan tỏa bản sắc văn hóa lâu đời của cộng đồng người Thái qua từng cử chỉ, câu nói, tục ngữ cha ông.

Đáng nói là, kể cả ở những thời điểm dịch bệnh bùng phát căng thẳng, nhiều hộ gia đình trong bản Vặt lao đao bởi đó là lúc họ vừa mới bỏ ra khoản kinh phí lớn hoặc phải vay vốn để đầu tư cơ sở vật chất làm homestay. Nhưng với vận động, đồng hành của chính quyền huyện, địa phương, 100% các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng ở bản Vặt đều lạc quan, đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn.

Năm 2020, ở những thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, bà con rất linh hoạt, chủ động trong cách thức quảng bá, kết nối khách du lịch trong nước thông qua mạng xã hội. Tính trong năm 2020, doanh thu từ du lịch cộng đồng của người dân bản Vặt đạt hơn 1,2 tỷ đồng.

Lường Thị Hồng Tươi không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ cho du khách

Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, dịch bệnh được kiểm soát, du lịch được mở cửa trở lại, bản Vặt bắt đầu có khách đều, hầu như tuần nào ngày cuối tuần cũng có khách. Riêng mô hình Hoa Mộc Miên homestay của vợ chồng Hồng Tươi trong một đến hai tháng trở lại đây, trung bình có khoảng 300 khách/tháng. Hoa Mộc Miên homestay hiện còn đang hỗ trợ cho 10 lao động chính, chủ yếu là phụ nữ trong bản.

Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế thông qua du lịch, hộ gia đình Lường Thị Hồng Tươi và người dân bản Vặt còn chăm chút tới diện mạo của bản làng nhỏ bé với môi trường cảnh quan sạch sẽ, trong lành, từng hàng rào hoa nở bốn mùa, những vườn rau xanh mướt, thảo dược quý hiếm cũng được ươm trồng… Nếp sống mới tạo nên những người Thái năng động, tự tin mà cũng rất mộc mạc và ấm áp.

Chị Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mộc Châu phấn khởi cho biết: Hơn 4 năm vận hành mô hình du lịch cộng đồng, đến nay, cộng đồng người dân tộc Thái ở bản Vặt, xã Mường Sàng đã có thể tự tin vận hành tốt mô hình này và dựa vào đó để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ mô hình này, hiện nay, trên địa bàn huyện Mộc Châu đã có thêm 4 bản phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng. Trong đó, bản Vặt là nơi đón được nhiều du khách nhất bởi những thuận lợi về đường sá gần trung tâm và cơ bản gìn giữ được bản sắc truyền thống của người Thái.

“Quan trọng hơn việc đánh thức tiềm năng kinh tế, làm đổi thay diện mạo của một vùng đất, những người dân bản Vặt đã và đang nhận thức đúng vai trò của những người làm du lịch cộng đồng bền vững là phải không ngừng cố gắng nâng cao chất lượng, dịch vụ, chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp kết hợp với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.” – Chị Hường nhấn mạnh.

Hướng ánh mắt và nụ cười duyên dáng về cơ ngơi khang trang của Hoa Mộc Miên homestay với một ngôi nhà sàn rộng rãi khoảng 30 chỗ nghỉ cùng khuôn viên dâu tây, nhà hàng ăn uống, khu vệ sinh sạch sẽ… cô gái trẻ Lường Thị Hồng Tươi cho biết: “Bản Vặt đổi thay và phát triển, được nhiều người biết đến như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương. Tôi mong rằng, thời gian tới chính quyền sẽ tiếp tục là điểm tựa vững chắc của bà con bản Vặt, giới thiệu, kết nối nhiều hơn với các tour lữ hành trong và ngoài nước, để ngày càng có thêm nhiều du khách đến với bản Vặt hơn nữa”./.

Nhóm phóng viên