“Nối vòng tay thương” chăm lo cho trẻ em mất người thân do dịch Covid- 19
04/10/2021 - 16:43

TĐKT - Ngày 3/10, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị đồng hành tổ chức Lễ khởi động Chương trình cộng đồng “Nối vòng tay thương” nhằm tiếp tục chăm lo, hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19.

Dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Đỗ Văn Phới - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cùng các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, lãnh đạo các đơn vị đồng hành.

Đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đã làm hơn 19 nghìn người chết. 2.091 trẻ em và người chưa thành niên đến 17 tuổi mồ côi cha mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc do đại dịch Covid-19 (Theo thống kê của Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từ báo cáo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội của 30 tỉnh, thành phố, đến ngày 1/10/2021).

Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phát biểu tại chương trình

Thấu hiểu những mất mát của các em khi mất đi người thân yêu nhất, tiếp tục chung tay cùng xã hội vượt qua đại dịch Covid -19, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với sự đồng hành của các đối tác tổ chức Chương trình “Nối vòng tay thương”. Đây là chương trình cộng đồng kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chung tay chăm lo, hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 đến năm 18 tuổi một cách bền vững và lâu dài để các em sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, đảm bảo các điều kiện để các em phát triển toàn diện và trở thành người có ích trong xã hội, kết nối với Ban Tổ chức Chương trình để việc hỗ trợ đến các em được thực hiện hiệu quả, bền vững, tránh sự chồng chéo, phát huy hiệu quả các chính sách của Nhà nước, của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân và đảm bảo đúng các quy định về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

Chương trình được triển khai từ ngày 3/10 đến khi các em 18 tuổi và trên quy mô toàn quốc, trong đó tập trung tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Chương trình hướng đến trẻ em, học sinh độ tuổi dưới 18 tuổi, mồ côi cha mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn, cần được bảo trợ, nuôi dưỡng, chu cấp để có cơ hội phát triển tinh thần và thể chất. Trong đó, tập trung hỗ trợ trẻ em, học sinh thuộc diện mồ côi cha mẹ do nhiễm Covid-19, không còn nơi nương tựa, đỡ đầu; trẻ em mồ côi cha, hoặc mồ côi mẹ hoặc người chăm sóc do nhiễm Covid -19, gia đình thuộc diện gia đình khó khăn, bố mẹ là người nghèo, người dân lao động tự do, công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp bị mất việc, con của lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch bệnh…

Các đại biểu giơ cao những "vòng tay thương” với mong muốn lan tỏa chương trình giàu ý nghĩa nhân văn này

Đồng thời, Chương trình nhằm phát huy tính sáng tạo, chủ động của các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội trong việc quan tâm, đồng hành cùng người dân, thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội tại các địa phương. Chương trình hướng đến 4 nhóm hỗ trợ, bao gồm: Hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ về giáo dục, hỗ trợ về sức khỏe, hỗ trợ về tinh thần và bằng các hoạt động cụ thể:

Chương trình nhận đỡ đầu, bảo trợ trẻ em đến năm 18 tuổi (dành cho các em học sinh ở các lứa tuổi, có gia đình, người thân hoặc người chăm sóc thay thế tại nhà).Vận động các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, trợ cấp kinh phí hàng tháng cho trẻ em từ nay đến năm 18 tuổi với mức tối thiểu 500.000 đồng/tháng, tương ứng tối thiểu 6 triệu đồng/năm và liên tục đến năm 18 tuổi. 

Chương trình đỡ đầu chăm sóc, bảo trợ nuôi dưỡng, học tập trẻ em đến năm 18 tuổi tại trường học FPT: Chương trình dành cho các em học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn từ 6 đến 18 tuổi, dựa trên nhu cầu, nguyện vọng tự nguyện của các em và gia đình hoặc người giám hộ. Công ty Cổ phần FPT triển khai mở trường cho học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 với thời gian 20 năm tại FPT ở các địa phương, giai đoạn đầu tại Đà Nẵng, bao gồm: Tiếp nhận, chăm sóc, chu cấp toàn bộ chi phí sinh hoạt, nội trú, học tập tại hệ thống phổ thông liên cấp FPT cho các em đến năm 18 tuổi, hỗ trợ học bổng nếu các em có nguyện vọng học cao hơn tại FPT, đồng thời tạo điều kiện để các em tìm việc làm sau khi ra trường. Đồng thời, mỗi em học sinh sẽ có cơ sở Đoàn, Hội tại địa phương và 1 anh, chị đoàn viên, thanh niên hoặc sinh viên tình nguyện hỗ trợ, đồng hành cùng các em, tổ chức các hoạt động giao lưu, vui chơi văn hóa, thể dục thể thao, các hoạt động trang bị kỹ năng để các em nhanh chóng vượt qua mất mát, hoà nhập cộng đồng, trở thành người có ích trong xã hội.

Chương trình “Em nuôi của Đoàn”: Mỗi cơ sở Đoàn có học sinh mồ côi nhận đỡ đầu về tinh thần cho các em, bao gồm: Thường xuyên qua lại động viên, thăm hỏi các em; kêu gọi 1 đoàn viên, thanh niên, sinh viên tình nguyện trên địa bàn hỗ trợ, đồng hành cùng mỗi em trong cuộc sống, học tập, tạo điều kiện để các em tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, Đội tại địa phương. Đồng hành, giám sát việc thực hiện cam kết của người đỡ đầu đối với các em, kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương, gia đình khi người đỡ đầu không tuân thủ các nội dung cam kết và quy định của Chương trình.

Chương trình Chăm lo sức khỏe, y tế cho các em: Kêu gọi các chuyên gia tâm lý, tình nguyện viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lý trẻ em nhận hỗ trợ, can thiệp đúng lúc cho các em, đặc biệt là thời gian đầu khi các em đang trải qua sang chấn tâm lý nặng nề. Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Mạng lưới “Thầy thuốc trẻ đồng hành” kịp thời tư vấn, hỗ trợ điều trị cho các em khi các em gặp vấn đề về sức khoẻ. Đồng thời kêu gọi, các tổ chức, doanh nghiệp, công ty có liên quan đến lĩnh vực y tế, bảo hiểm tặng gói khám, điều trị và bảo hiểm xã hội cho các em.

Hỗ trợ điều kiện học tập, sinh hoạt cho các em: Vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ học bổng khuyến học cho các em, trao tặng các khoá học kỹ năng, ngoại ngữ, tin học cho các em; hỗ trợ thiết bị học trực tuyến, đồ dùng, sách vở, quần áo cho các em; hỗ trợ phương tiện đi lại, thẻ sử dụng các phương tiện công cộng miễn phí cho các em…

Xây dựng nền tảng công nghệ kết nối của Chương trình: Cung cấp thông tin về các Quy trình, đầu mối hỗ trợ các em mồ côi; cung cấp thông tin về các hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để tránh trường hợp chồng chéo, không có sự điều phối; chia sẻ các tin tức, câu chuyện, tấm gương vượt khó của các em; kêu gọi ủng hộ gây quỹ từ các tổ chức, cá nhân và công khai, minh bạch các khoản ủng hộ từ các mạnh thường quân cũng như khoản hỗ trợ đến các em.

Tại Lễ khởi động, Ban Tổ chức chương trình đã công bố những hỗ trợ đầu tiên từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Theo đó, trong đợt 1, các tổ chức, cá nhân đã cam kết hỗ trợ 1.108 trẻ em, học sinh mồ côi do đại dịch Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn.

Cụ thể: Công ty Cổ phần FPT cam kết tiếp nhận, chăm sóc, chu cấp toàn bộ chi phí sinh hoạt, nội trú, học tập tại hệ thống phổ thông liên cấp FPT cho các em học sinh mồ côi từ 6 đến 18 tuổi, có hoàn cảnh khó khăn, có nguyện vọng theo học tại trường học FPT; các tổ chức, cá nhân nhận bảo trợ thông qua Báo Thanh niên cam kết đỡ đầu 500 em mồ côivới mức bảo trợ hàng tháng là 2.000.000 đ/tháng cho trẻ em mồ côi bậc Tiểu học, 2.500.000 đ/tháng cho trẻ em bậc Trung học cơ sở và 3.000.000 đ/tháng cho trẻ em bậc Trung học phổ thông; Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đỡ đầu 100 em mồ côi với mức kinh phí là 1.000.000 đ/tháng; Hội đồng Đội Trung ương và nhãn hàng Kun - Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) đỡ đầu 277 em mồ côi đang học Tiểu học với mức kinh phí là 2.000.000 đ/tháng; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đỡ đầu 100 em mồ côi; Công ty Cổ phần Liên Á Quốc tế, Audi Việt  Nam đỡ dầu 30 em mồ côi; Ngân hàng Chính sách Xã hội đỡ đầu 67 em mồ côi và 34 cá nhân khác ở các tỉnh, thành phố đỡ đầu 34 em; các đơn vị và cá nhân này hỗ trợ đỡ đầu bảo trợ chu cấp kinh phí với mức tối thiểu là 500.000đ/tháng đến năm 18 tuổi. Cùng với đó, mỗi em mồ côi có 1 cơ sở Đoàn, Hội tại địa bàn và 1 anh, chị đoàn viên, thanh niên hoặc sinh viên tình nguyện hỗ trợ, đồng hành trong cuộc sống.

Cũng tại Lễ khởi động, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ra mắt Website của Chương trình tại Website: www.noivongtaythuong.vn và công bố số tài khoản tại Ngân hàng Chính sách Xã hội để các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân có thể tham gia đồng hành, ủng hộ với Chương trình.

Mai Thảo