TĐKT – Với chức năng, nhiệm vụ chính được giao là quản lý về mặt kỹ thuật phương tiện, thiết bị, đảm bảo đáp ứng nhu cầu khai thác hàng hóa tại cảng Đà Nẵng, anh Phan Nam Hoàng, phòng Kỹ thuật công nghệ của Công ty Cảng Đà Nẵng không ngừng cố gắng học hỏi, nâng cao trình độ kỹ thuật, tiếp cận công nghệ mới, bám sát hiện trường và có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, làm lợi hàng tỷ đồng cho đơn vị.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, anh Hoàng là chủ nhân của 2 sáng kiến tiêu biểu, đã đạt 2 giải ba ở 2 lần liên tiếp tham gia Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 14 (2016 - 2017) và lần thứ 15 (2018 - 2019).
Đó là sáng kiến “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy bơm lọc dầu di động”. Chia sẻ về sáng kiến này, anh Hoàng cho biết: Trước đây, để thay dầu thủy lực tại các cẩu lớn như cẩu Liebherr, QCC… tại cảng Đà Nẵng, công nhân thay dầu phải dùng bơm quay tay để bơm dầu bẩn trong thùng dầu ra các phi rỗng (hoặc xả trực tiếp từ trên cao xuống các phi ở bên dưới), chuyển các phi dầu bẩn này từ trên cầu xuống dưới đất và chở về kho. Tiếp theo, chở các phi dầu mới đến chân cầu thay thế, cẩu các phi dầu này lên độ cao khoảng 20 mét, sau đó đổ dầu trực tiếp vào trong thùng dầu.
Anh Phan Nam Hoàng
Trước thực trạng đó, anh đã nghiên cứu, tính toán, sử dụng các phần mềm thiết kế chuyên dụng như solidworks, autocad, excel… để thiết kế, chế tạo máy bơm lọc dầu di động. Máy bơm lọc dầu di động ra đời không những đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trong công tác thay dầu, nâng cao tuổi thọ của hệ thống thiết bị mà còn giảm thời gian thực hiện công việc, nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Từ đó, góp phần nâng cao thương hiệu Cảng Đà Nẵng trong thời kỳ hội nhập. Theo tính toán, sáng kiến này làm lợi cho công ty hơn 100 triệu đồng/năm.
Sáng kiến thứ 2 là “Thiết kế, chế tạo thiết bị đo thể tích và giám sát từ xa bể nhiên liệu Xí nghiệp Cảng Tiên Sa”. Anh Hoàng cho biết, hiện nay, công tác kiểm tra nhiên liệu trong bồn chứa Xí nghiệp Cảng Tiên Sa rất thủ công: Dùng cây gỗ có gắn thước dây cắm vào ống tiếp nhiên liệu để đo chiều cao của nhiên liệu trong bể chứa, tra bảng dung tích bể do đơn vị kiểm định cung cấp để biết được thể tích dầu còn lại trong bể. Anh nhận thấy phương pháp này rất thủ công, không an toàn, độ chính xác thấp và làm bẩn nhiên liệu chứa trong bể (thước gỗ bẩn và đã sử dụng lâu năm).
Mặt khác, khi xe bồn chứa đến, nhân viên sẽ mở nắp hầm, dùng thước gỗ cắm xuống để kiểm tra nhiên liệu, tra bảng dung tích bể đo đơn vị kiểm định cung cấp để biết được thể tích dầu còn lại trong bể. Sau đó đấu ống tiếp nhiên liệu để tiếp nhiên liệu. Do không được biết thể tích dầu trong bể chứa nên trong quá trình tiếp, nhiều lúc nhiên liệu sẽ bị tràn ra bên ngoài, gây thất thoát trong quá trình tiếp nhiên liệu. Ngoài ra, việc dùng thước gỗ để đo nhiên liệu trong bể sẽ không chính xác, do đó, không biết được đơn vị cung cấp nhiên liệu có cung cấp đủ hay không, dễ gây ra thất thoát nhiên liệu.
Sau khi nghiên cứu 3 giải pháp để đo thể tích bồn chứa nhiên liệu như sử dụng cảm biến áp lực thủy tĩnh, sử dụng cảm biến sóng siêu âm, sử dụng cảm biến laser, anh Hoàng quyết định chọn phương án sử dụng cảm biến laser để đo thể tích bồn nhiên liệu vì nó có độ chính xác cao nhất.
Mấy bơm loc dầu di động do anh Hoàng chế tạo
Anh sử dụng cảm biến laser để đo chiều cao của nhiên liệu chứa trong bể, từ đó nội suy ra thể tích nhiên liệu đang có trong bể và hiển thị trên màn hình led. Thiết bị đo thể tích bể chứa nhiên liệu kết hợp với camera giám sát truyền dữ liệu về điện thoại di động của các cá nhân liên quan để giám sát trạm nhiên liệu từ xa.
Thiết bị đo thể tích và giám sát trạm nhiên liệu từ xa không những đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trong công tác tiếp nhiên liệu, nâng cao tuổi thọ của hệ thống thiết bị mà còn giảm thời gian thực hiện công việc, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, thiết bị này còn góp phần kiểm soát tổn thất nhiên liệu tại Xí nghiệp Cảng Tiên Sa. Từ ngày lắp thiết bị này, công ty phát hiện đơn vị cung cấp thường xuyên cấp thiếu dầu từ 40 - 80l/lần cấp dầu.
Cùng với các biện pháp do tổng giám đốc chỉ đạo, thiết bị góp phần giảm tổn thất nhiên liệu tại cảng Tiên Sa rõ rệt. Số lượng nhiên liệu tiết kiệm được trong quý 2 là 50.000 lít. Sáng kiến này làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ngoài hai sáng kiến trên, anh Hoàng còn là chủ nhân của rất nhiều sáng kiến khác, góp phần đảm bảo các phương tiện, thiết bị phục vụ nhu cầu khai thác hàng hóa tại cảng Đà Nẵng với giá trị làm lợi từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu trên mỗi sáng kiến. Cụ thể, năm 2017, anh có 5 sáng kiến, tổng giá trị làm lợi hơn 480 triệu đồng; năm 2018, anh có sáng kiến “Thiết kế, chế tạo máy bơm dầu tự động cầm tay” có giá trị làm lợi 50 triệu đồng/năm; năm 2019, với sáng kiến “Gia công bánh vít hộp tốc giảm nghiêng ngáng cẩu QCC3”, anh đã đóng góp giá trị làm lợi cho đơn vị 360 triệu đồng/năm.
Với những nỗ lực sáng tạo không ngừng, anh Phan Nam Hoàng vinh dự 3 lần liên tiếp đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng từ 2017 đến 2019; được tặng nhiều Bằng khen của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Nhiều năm liền đạt danh hiệu “Cán bộ công đoàn xuất sắc”…
Trong giai đoạn 2015 - 2020, mặc dù vẫn còn rất nhiều khó khăn do công ty mới chuyển đổi hình thức quản lý sau cổ phần hóa, việc chuyển đổi mô hình hoạt động từ công ty 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần đã tạo ra cơ hội và thách thức không nhỏ lên các bộ phận trong toàn công ty. Cảng Đà Nẵng đã thoát ra khỏi sự bao bọc của nhà nước và tự đứng vững trên đôi chân của mình. Kết quả là: Sản lượng tăng trưởng bình quân 13%/năm; năm 2019 sản lượng đã đạt 10,46 triệu tấn, container đạt 474.900 teus. Mức tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm là 17%/năm. Không những thế, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, thời gian giải phóng tàu được rút ngắn lại, hình ảnh, thương hiệu Cảng Đà Nẵng được nâng cao trong mắt bạn bè và đối tác.
Để đạt được thành tựu như ngày hôm nay đó là thành quả lao động sáng tạo của bao thế hệ đi trước cùng với sự cố gắng lớn của cấp lãnh đạo trong công tác quản lý cũng như đổi mới sáng tạo trong công tác điều hành. Đặc biệt có sự lao động miệt mài và không ngừng sáng tạo của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng. Trong đó có tấm gương anh Phan Nam Hoàng, phòng Kỹ thuật công nghệ - “Cây sáng kiến” của công ty.
Thục Anh