TĐKT - Ngày 14/10, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức; Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì Hội nghị.
Hội nghị đã triển khai những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức và các văn bản liên quan. Triển khai những nội dung mới của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản liên quan. Đồng thời trao đổi, giải đáp những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Quang cảnh Hội nghị
Được biết, căn cứ Hiến pháp năm 2013, ngày 19/6/2015 Quốc hội đã ban hành Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Hai luật này đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và các chủ trương, định hướng của Đảng về Chính phủ và chính quyền địa phương, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho tổ chức, hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương đã được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm sự chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của hệ thống hành chính từ Trung ương đến cơ sở.
Theo đó, Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức là căn cứ pháp lý nhằm tăng cường quản lý, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính. Luật được thực thi trên thực tế đã đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị
Tuy nhiên, sau thời gian 9 năm triển khai áp dụng Luật cán bộ, công chức; 7 năm triển khai áp dụng Luật viên chức, một số quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện. Nhất là khi triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm chiến lược” đã đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, điểm mới của Luật sửa đổi, về tuyển dụng công chức sẽ bổ sung đối tượng xét tuyển đối với người học theo chế độ cử tuyển, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nhà khoa học trẻ tài năng (ngoài đối tượng cam kết làm việc 5 năm trở lên ở vùng đặc biệt khó khăn (khoản 2 Điều 37)); bổ sung và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện kiểm định chất lượng cam kết làm việc 5 năm.
Tại Hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn hoàn toàn nhất trí với những nội dung và điểm mới, cơ bản, sự cần thiết sửa đổi, bổ sung về các Luật. Hội nghị đã thẳng thắn trao đổi, nêu được thực tiễn còn nhiều vấn đề cần bổ sung như: Tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động ở cơ quan sự nghiệp công lập, công tác tuyển dụng, quản lý công chức ở Trung ương và chính quyền địa phương các cấp.
Thứ trưởng nhấn mạnh, vấn đề các đơn vị nêu ra và thắc mắc về vị trí việc làm, người làm việc trong đơn vị sự nghiệp xoay quanh các vấn đề: Cách sắp xếp, tổ chức, số lượng cấp phó sắp xếp ra sao? Trả lời câu hỏi này, thứ trưởng cho biết vẫn thực hiện theo quy định đúng số lượng, đúng yêu cầu, không nên vượt quá số lượng. Liên quan đến các vấn đề trong công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức biệt phái, chuyển từ đơn vị sự nghiệp này đến sự nghiệp khác: Cần triển khai theo hướng là chấm dứt hợp đồng từ đơn vị đó và đơn vị mới sẽ ký lại hợp đồng cũ. Vấn đề này cần phải làm đúng, đúng quy định của Luật. Nhiều đơn vị còn làm chưa đúng. Theo đó cần tạo ra cơ chế thống nhất về công vụ của đất nước và chế độ công vụ đưa ra để công tác tuyển dụng ngày một hiệu quả, tuyển đúng người, đúng việc, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Các câu hỏi đã được giải đáp cụ thể tại hội nghị cần được đưa ra hướng dẫn chi tiết, sửa lại Luật để làm sao thay đổi cơ chế hợp lý, sắp xếp bộ máy tinh gọn từ Trung ương tới địa phương hoạt động hiệu quả; nâng cao chất lượng công chức, viên chức.
Hồng Thiết