Trở về từ cõi tử để hiện thực hóa giấc mơ xanh
30/09/2020 - 14:54

TĐKT – Khát khao mãnh liệt sẽ thay thế bao bì nilon truyền thống bằng những bao bì nilon tự hủy sinh học thân thiện với môi trường, đã giúp bà Phan Thị Thúy Phượng (Công ty TNHH Thương mại sản xuất tổng hợp II – TP Hồ Chí Minh) vượt qua lằn ranh giữa sự sống và cái chết; đồng thời trở thành một trong những người tiên phong trong sản xuất, phân phối túi nilon thân thiện với môi trường tại Việt Nam.

Ấp ủ khát vọng xanh

Vốn là cán bộ có nhiều năm công tác tại Phân viện Khoa học địa chất khoáng sản khu vực phía Nam, chuyên đào tạo các lớp giám đốc điều hành mỏ và chỉ huy nổ mìn, bà Phượng có nhiều cơ hội nghiên cứu, tiếp cận với các nguồn thông tin về tác hại của rác thải nhựa và túi nilon gây ô nhiễm các tầng đất đai và mạch nước ngầm. Ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường sống cứ ngấm dần trong con người bà theo năm tháng.

Năm 2011, khi có cơ hội được biết đến dự án về bao bì tự hủy sinh học thân thiện với môi trường, người phụ nữ ấy ngay lập tức bị thu hút. Bà đã cộng tác nghiên cứu và tìm cách để đưa sản phẩm túi nilon tự hủy ra thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn về cơ chế chính sách, cùng với nhận thức của người dân còn hạn chế nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và giải thể.

 

Bà Phan Thị Thúy Phượng (đầu tiên từ trái sang) tặng túi đựng rác tự hủy cho những phụ nữ quận Gò Vấp mang rác thải nhựa đến đổi

Dù vậy, bà Phượng không bỏ cuộc, vừa miệt mài nghiên cứu, vừa đi tìm kiếm những cộng sự đồng chí hướng để tiếp tục hiện thực hóa dự án này. Năm 2014, sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị khởi động dự án trở lại thì bà phát hiện mình bị mắc căn bệnh ung thư vú. Dự định, ước mơ xanh dang dở được bà gửi gắm lại cho đứa con gái đang còn là một sinh viên đại học.

Nhớ lại thời điểm đó, cô con gái Nguyễn Thụy Thúy Lan chia sẻ: Lúc đó, nhận được tin mẹ bị bệnh, bầu trời như sụp đổ trước mắt em. Từ lúc ba mất đến giờ, chỉ có ba mẹ con nương tựa vào nhau mà sống. Mẹ kêu em làm gì thì em làm đó, chưa hiểu gì về dự án bao bì tự hủy mà mẹ thường hay làm.

“Em bối rối, chỉ nghĩ rằng mình sẽ phải tạm bảo lưu kết quả học tập, lo làm kinh tế cho gia đình và kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ; chứ không nghĩ nhiều về điều mẹ dặn. Nhưng ngay cả khi giành giật sự sống trên bàn mổ, mẹ kể vẫn mơ thấy mình đang đi làm bao bì tự hủy sinh học. Em bắt đầu nghĩ công việc đó chắc chắn phải có điều gì đó đặc biệt nên mẹ mới đam mê như vậy.” – Thúy Lan cho biết.

May mắn, sau một thời gian dài điều trị, sức khỏe của bà Phượng dần phục hồi, cô con gái cũng tốt nghiệp ra trường, họ quyết định bắt tay với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh và TNHH Thương mại sản xuất tổng hợp II hiện thực hóa giấc mơ xanh; bỏ qua tất cả những lời mời làm việc từ nhiều đơn vị với mức lương cao.

Kiên trì trong “Cuộc chiến đấu không cân sức”

Từ năm 2017, thực hiện dự án đưa túi nilon sinh học tự hủy thân thiện với môi trường vào các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, bà Phan Thị Thúy Phượng đã không quản nắng mưa, cùng với các chị em phụ nữ thành phố rong ruổi đi đến từng khu chợ để tuyên truyền tới bà con về tác hại của túi nilon.

“Đưa túi nilon tự hủy vào các chợ truyền thống là một hành trình “lội ngược dòng” đầy gian nan. Đó là cuộc chiến đấu không cân sức; đòi hỏi sự kiên trì và sự hy sinh, bền bỉ, tâm huyết của những người phụ nữ.” – Bà Phượng khẳng định.

Bà cho biết: Thị trường chợ dân sinh chiếm khoảng 65% sản lượng túi nilon thải ra môi trường hằng ngày. Từng cân cá, lạng thịt hay mớ rau, mớ quả của người tiêu dùng đều được các tiểu thương gói bằng những chiếc túi nilon tiện lợi. Bên cạnh đó, do hệ thống chợ phân phối nhỏ lẻ, đã có đầu mối phân phối túi nilon từ xưa đến nay, nên khi đưa túi thân thiện môi trường vào chợ cũng làm ảnh hưởng đến miếng cơm của không ít người.

Xác định vận động, tuyên truyền đến đối tượng các tiểu thương là ưu tiên số một;  với suy nghĩ “Trăm nghe không bằng một thấy”, tuyên truyền bằng trực quan sinh động, vừa giới thiệu, vừa tặng sản phẩm dùng thử... hai mẹ con chị Phượng cùng các hội viên phụ nữ ngày nào cũng ôm trên tay hàng chồng túi nilon sinh học với đủ các loại kích cỡ khác nhau, giới thiệu với bà con trong chợ.

Chị Hương, một hội viên phụ nữ TP Hồ Chí Minh cho biết, đã gặp không ít những cái xua tay, thậm chí là hắt hủi, không tin tưởng của nhiều người.

“Có cô bán cá đang làm thịt cá cho khách, tôi vừa mở miệng giới thiệu và mời sài thử túi tự hủy, đã bị cô ấy xua đi rồi nói một câu làm tôi rất nản lòng “Thôi thôi, túi này bỏ con cá vô, quẩy cái rách liền”. Rồi có chị làm ngân hàng, cô bán phở, anh bán hoa quả… còn bày tỏ sự lo lắng đựng tiền, đựng phở hay hoa quả của họ vào túi nilon tự hủy thì sẽ bị “tự hủy” mất tiêu” – Chị Hương kể.

Còn cô gái Nguyễn Thụy Thùy Lan nhớ mãi: “Đi làm với mẹ, em mới biết công việc quá cực. Nhớ nhất, lúc em đang mang bầu, mẹ thì bệnh nhưng hai mẹ con cứ kéo lê bao túi nilon tự hủy nặng hơn 20 kg khắp các chợ để tuyên truyền và giới thiệu. Có nhiều người rất ủng hộ và hứa sẽ mua túi nilon sinh học để sài, nhưng hôm sau quay trở lại thì nói rằng giá mắc thế này không ai mua đâu, bỏ cuộc đi…  Em cảm thấy như bị lừa..”

Bà Phượng chia sẻ: “Nhiều lúc cũng nản, cuộc chiến đấu đơn độc, người thân, bạn bè lúc đầu mới nói về dự án thì họ hừng hực, sau họ thấy không có lợi lộc nhiều nên bỏ cuộc.”

Nhưng dường như hiểu và lường trước được những khó khăn mà dự án sẽ phải trải qua, bà Phượng cùng các hội viên vẫn kiên trì. Một mặt vận động, tuyên truyền, giải thích rõ; đồng thời tặng bà con, tiểu thương sử dụng thử túi nilon tự hủy. Một mặt, thuyết phục Công ty và ban giám đốc hạ hết giá thành, tận dụng phế phẩm trong quá trình sản xuất, chấp nhận giảm lợi nhuận nhằm hạ giá thành sản phẩm.

“May mắn, đúng thời điểm đó, TP Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị 19 vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”; cùng với đó là sự kiện Thủ tướng kêu gọi chống rác thải nhựa; sự vào cuộc của truyền thông… như “cơ hội” trợ giúp thêm cho những nữ tuyên truyền viên chúng tôi, khiến người dân ngày càng nhận thức rõ hơn về tác hại của nilon cũng như các rác thải nhựa.” – Bà Phượng chia sẻ.

 

Bà Phượng tuyên truyền về túi nilon tự hủy sinh học đến với học sinh

Nhờ đó, đến nay, đã có nhiều ban quản lý các chợ ở thành phố đứng ra tổ chức tuyên truyền, kêu gọi tiểu thương hạn chế sử dụng túi nilon thông thường và thay bằng túi nilon sinh học tự hủy. Nhiều cơ quan, đơn vị như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên, các trường học đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, giới thiệu về các sản phẩm thân thiện môi trường…

Đáng nói là, với sự kiên trì vận động, thuyết phục của bà Phan Thị Thúy Phượng, hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì truyền thống đã thấu hiểu và sẵn sàng được chuyển đổi sang công nghệ mới, thân thiện với môi trường. Riêng Công ty TNHH Thương mại sản xuất tổng hợp II đã sản xuất và cung cấp khoảng 50 tấn túi ni lon tự hủy mỗi tháng cho thị trường nội địa; 100 tấn túi các loại cho thị trường các nước Italia, Anh, Pháp, Đức, Singapore…

Để giấc mơ xanh được trọn vẹn

Cuộc chiến đấu với Covid-19 quay trở lại, không chỉ là nỗi ám ảnh, lo lắng với hàng triệu người trên thế giới. Người lo giữ mạng sống, người lo cơm áo gạo tiền, người lo cách chống chọi với bệnh tật ra sao, chính phủ các nước thì gồng mình chạy đua với việc tìm ra vắc xin Covid-19… Còn người phụ nữ từng từ cõi chết trở về Phan Thị Thúy Phượng lại nặng trĩu nỗi lo toan về rác thải môi trường. Bà cho rằng, cùng với gánh nặng về thiên tai dịch bệnh, về suy thoái kinh tế… thì thế giới loài người cần phải quan tâm nhiều hơn đến lượng rác mà các dụng cụ chống dịch thải ra. Đó có phải là những chất có thể tự phân hủy an toàn sau khi thải ra môi trường không? Đại dịch Covid-19 đang khiến cho những sản phẩm làm từ nhựa để phục vụ công tác phòng, chống, xét nghiệm và chữa bệnh trên toàn cầu tăng vọt. Giải quyết những núi rác thải nhựa khổng lồ một cách an toàn là vấn đề lớn mà các nước đang phải đối mặt. Việt Nam cũng không ngoài luồng.

Như một chiếc lá nhỏ, góp cho đời thêm xanh, bà Phượng và Công ty TNHH Thương mại sản xuất tổng hợp II không ngừng đóng góp những giải pháp xanh. Gần đây nhất, Công ty đã cho ra đời thêm nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường khác như: Ống hút là từ bột mì, hộp cơm, muỗng, nĩa, ly, bao tay tự hủy… nhằm đa dạng hóa sản phẩm, giảm bớt rác thải nhựa.

 

Các sản phẩm thân thiện với môi trường của Công ty Tổng hợp II ngày càng đa dạng, phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng

Ngoài ra, hai mẹ con bà Phượng đang tích cực phối hợp cùng các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, các đoàn viên thanh niên thực hiện chiến dịch tặng bao đựng rác tự hủy. Theo đó, mỗi chị em phụ nữ thu gom được 3 kg túi nilon thường sạch, sẽ được đổi, tặng lấy 1 kg bao đựng rác tự hủy mới…

Theo bà Phượng, hành trình đưa túi ni lon tự hủy sinh học và các sản phẩm thân thiện với môi trường đi vào đời sống của người dân là một hành trình dài, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Đặc biệt, nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong điều hành, tạo chính sách khuyến khích và tạo điều kiện hơn nữa cho đơn vị sản xuất, kinh doanh và người dân tiếp cận thông tin về túi nilon tự hủy sinh học bằng những quy định cụ thể như chứng nhận sản phẩm, tập huấn, đào tạo....“Bên cạnh những người sẵn sàng ủng hộ bảo vệ môi trường thì còn không ít người chưa vượt qua được cám dỗ lợi ích. Họ từng chia sẻ rằng, chỉ ủng hộ các sản phẩm thân thiện môi trường khi nhà nước cấm sử dụng nilon mà thôi, do đó những quyết sách của nhà nước có ý nghĩa lớn, quyết định đến sự thành công của cuộc vận động ý nghĩa này” – Bà Phượng chia sẻ.

Còn theo chị Minh Tuyến, đại diện Công ty TNHH sản xuất bao bì Minh Phát (Hoóc Môn, TP Hồ Chí Minh): Bước đầu nhiều doanh nghiệp nhận ra được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sản xuất xanh, sẵn sàng chấp nhận từ bỏ lợi ích trước mắt. Song để có thể chuyển đổi hình thức sản xuất sang làm bao bì tự hủy phù hợp, chúng tôi vẫn mong nhà nước, chính quyền địa phương có những chính sách cụ thể hơn, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi.

Tin rằng, niềm hi vọng từng bước thay đổi nhận thức xã hội về lối sống xanh, bền vững từ những hành động nhỏ nhất của  bà Phan Thị Thúy Phượng sẽ ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhiều giới, nhiều ngành; xây dựng thói quen sống xanh trong nhân loại.

Mai Thảo