Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu
25/09/2020 - 10:05

TĐKT - Chiều 24/9, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã chủ trì buổi họp báo giới thiệu Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn phát biểu tại buổi họp báo.

Phát biểu khai mạc buổi họp báo, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh, nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động sản xuất,kinh doanh, Chính phủ đã có những chỉ đạo tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK).

Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành nhằm đổi mới căn bản, tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành. Qua đó tạo thuận lợi đầu tư, thương mại, đảm bảo an ninh, an toàn và lợi ích quốc gia, cũng như đảm bảo thực thi đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm trong các hiệp định song phương và đa phương.

Chính vì vậy, cùng với các giải pháp cải cách đang được đẩy mạnh của Chính phủ, cùng với việc kết nối liên thông một cửa quốc gia thì lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành cần đồng bộ.

Với vai trò cơ quan được Chính phủ giao soạn thảo Đề án, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ động phối hợp các hiệp hội, bộ, ngành, doanh nghiệp, đồng thời tham khảo ý kiến chuyên gia, phù hợp điều kiện Việt Nam để xây dựng Đề án: “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Đây là chủ trương lớn, cải cách, tiên tiến, phù hợp các nước tiên tiến.

Trên cơ sở đánh giá, phân tích thực trạng công tác kiểm tra chuyên ngành hiện nay; nghiên cứu mô hình kiểm tra chất lượng của một số nước trên thế giới; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong nhiều năm qua về cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu; kế thừa những kết quả đã đạt được, Bộ Tài chính với sự phối hợp, hỗ trợ từ Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức liên quan và các chuyên gia nghiên cứu độc lập đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu, phản biện để xây dựng Đề án này.

Đề án nhằm cải cách thực chất công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm chi phí, giảm thời gian cho doanh nghiệp, phát huy trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngày 16/9/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án.

Theo Đề án, nhiều thủ tục kiểm tra theo mô hình mới được đơn giản hóa nhờ nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan hải quan. Khi hàng hóa đủ điều kiện được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng hoặc kiểm tra giảm thì hệ thống điện tử hải quan tự động cập nhật, người nhập khẩu không phải làm thủ tục xin miễn giảm như hiện hành; giảm nhiều giấy tờ trùng lặp giữa hồ sơ hải quan và hồ sơ kiểm tra chất lượng.

Đề án gồm 7 nội dung cải cách lớn: Thứ nhất, giao cơ quan Hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Thứ hai, áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra gồm: Kiểm tra chặt; kiểm tra thông thường; kiểm tra giảm.

Thứ ba, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Thứ tư, áp dụng kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra (chuyển đổi phương thức kiểm tra từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm áp dụng đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu).

Thứ năm áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp.

Thứ sáu, mở rộng đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, với dự kiến bổ sung 18 nhóm đối tượng để giảm chi phí quản lý nhà nước và chi phí của doanh nghiệp.

Thứ bảy, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong Mô hình mới để cắt giảm thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan.

Hồng Thiết