TĐKT - Để hướng tới giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội phát triển, trong thời gian Bộ Tài chính đã tập trung thực hiện một loạt các giải pháp giúp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời nắm bắt được các cơ hội phát triển.
Với sự nỗ lực của doanh nghiệp, người dân cùng cả hệ thống chính trị và kết quả thực tế đạt được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, các định chế tài chính uy tín của thế giới đều có chung quan điểm Việt Nam đã kiểm soát rất tốt dịch Covid-19 và vì thế sẽ là cơ sở để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất. Trong số các quốc gia Đông Nam Á, dự báo năm 2020, Việt Nam vẫn sẽ là quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất.
Việc khôi phục dần các hoạt động trên cơ sở nới lỏng giãn cách xã hội cũng đang là lực đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển và đây cũng chính là thời điểm bước vào giai đoạn mới của thực hiện nhiệm vụ kép vừa tiếp tục chống dịch vừa thực hiện phục hồi kinh tế - xã hội.
Theo đó, sau thời gian giãn cách xã hội, đây là cơ hội vàng cho doanh nghiệp “bật lò xo” sau dịch bệnh, nếu không nắm bắt được cơ hội, doanh nghiệp nước ngoài sẽ đến lấy.
Thời khắc lịch sử này mang tính bước ngoặt với thế giới do đại dịch Covid-19 gây ra. Hiếm có một biến cố y tế nào tác động hầu hết quốc gia, vượt xa các đại dịch khác trong lịch sử, ảnh hưởng hàng tỷ người. Đã có gần 4 triệu người nhiễm, 300.000 người đã chết và các con số chưa dừng lại.
Kinh tế nhiều nước suy thoái và có thể kéo dài. Nhiều tổ chức dự báo kinh tế toàn thế giới xấu đi trong năm nay. IMF báo kinh tế thế giới tăng trưởng -3% năm nay. Mỹ tăng trưởng âm còn Trung Quốc đã thấp kỷ lục sau 3 thập kỷ. Dự báo tăng trưởng kinh tế ASEAN năm nay sẽ là -0,6%. Tuy nhiên, Việt Nam đang có triển vọng tăng trưởng cao nhất ASEAN. Việt Nam đang theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì hoạt động kinh tế, đi kèm cải cách và cơ cấu, để ngọn lửa tăng trưởng sớm bùng lên khi dịch được kiểm soát tốt.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời nắm bắt được các cơ hội phát triển, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một loạt các giải pháp. Trong đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc: Miễn, giảm thuế thông qua chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; điều chỉnh thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, cắt giảm các khoản phí, lệ phí để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đã ban hành để doanh nghiệp, người dân nhanh chóng được hưởng hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi nhất. Đồng thời tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế, nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể để đề xuất giải pháp về thuế, phí và lệ phí phù hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) sẽ được đẩy mạnh theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành TTHC trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính. Rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trong tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong đó tập trung vào nghiên cứu giảm thời gian, giảm hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện TTHC liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Việc thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC được thường xuyên kiểm tra nhằm đánh giá tình hình giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp và kịp thời chấn chỉnh, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC.
Bộ Tài chính sẽ tăng cường hiện đại hóa hành chính và ứng dụng CNTT trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính; tiếp tục mở rộng triển khai các dịch vụ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử; vận hành ổn định và nâng cao hiệu quả Hệ thống thông quan tự động VNACCA/VCIS; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ nghiên cứu đề xuất việc lùi thời hạn tổ chức Đại hội cổ đông thêm 3 tháng (đến trước ngày 30/9), giảm thời hạn công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ (từ 7 ngày xuống còn 1 – 2 ngày); tăng hạn mức tín dụng cho ngành chứng khoán; cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nếu đủ điều kiện được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Một giải pháp nữa được Bộ Tài chính đưa ra là phối hợp sát sao với các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng... Đồng thời, tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, nhất là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các chủ dự án để hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Cho phép triển khai cơ chế giải ngân vốn vay nước ngoài trên môi trường điện tử, giải ngân không theo tỷ lệ cấp phát, cho vay lại.
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong chấp hành pháp luật về quản lý đầu tư; yêu cầu các chủ dự án, nhà thầu tập trung các nguồn lực, trang thiết bị để triển khai dự án ngay sau khi hoàn thành công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và thực hiện giải ngân vốn theo chế độ quy định.
Quyết liệt chỉ đạo cắt giảm, điều chỉnh vốn từ dự án có tiến độ giải ngân chậm sang dự án có tiến độ tốt hơn. Kết thúc năm 2020, trường hợp vốn kế hoạch vẫn chưa giải ngân hết, trình Quốc hội cho phép hủy bỏ để giảm bội chi NSNN.
Trong điều kiện thu ngân sách dự kiến giảm, chi ngân sách tăng, cân đối NSNN rất khó khăn, nhằm đảm bảo cân đối NSNN cho việc thực hiện các chính sách về tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính quyết tâm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu NSNN, bao gồm cả nhiệm vụ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
Đẩy mạnh kiểm soát chi tiêu, triệt để tiết kiệm để cắt giảm các nhiệm vụ chi thường xuyên không thực sự cần thiết; các bộ, ngành, địa phương phải cắt giảm tối thiểu 30% dự toán kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% dự toán kinh phí công tác nước ngoài trong 9 tháng cuối năm 2020.
Sử dụng từ nguồn dự phòng, nguồn vượt thu của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả dịch Covid-19, các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ cân đối ngân sách.
Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ tiếp cận đàm phán một số khoản vay có chi phí thấp từ các tổ chức quốc tế như: Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan phát triển Pháp, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản… để góp phần giảm áp lực vay trong nước.
La Giang