TĐKT - Ngành công nghiệp dầu khí thế giới nói chung và ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam nói riêng đang đứng trước những khó khăn, thách thức vô cùng lớn khi phải đương đầu với tác động kép: Dịch Covid-19 lan rộng tác động nặng nề đến nhiều nền kinh tế và giá dầu lao dốc mạnh. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta cần phải có những điều chỉnh mang tính chiến lược để hỗ trợ ngành dầu khí Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Ứng phó tác động kép từ dịch Covid-19
Dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp tới ngành dầu khí
Hoạt động khai thác dầu khí nước ta trong tình trạng giá dầu xuống thấp như hiện nay cho thấy thiệt hại về kinh tế là rõ ràng, những điểm lợi từ nhập khẩu xăng dầu giá thấp không thể bù đắp. Trong khi quốc gia xuất khẩu dầu lớn như Mỹ còn tính đến phương án tăng cường nhập khẩu dầu thô giá thấp để dự trữ thì Việt Nam càng cần cân nhắc bài toán duy trì sản lượng.
Hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 và giá dầu xuống thấp khi nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm. Các cửa hàng, đại lý xăng dầu hạn chế nhập hàng để chờ giá giảm, chiết khấu bán lẻ trên thị trường tăng mạnh so với thời điểm tháng 1/2020, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản phẩm của nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất và NMLD Nghi Sơn.
Hiện tại tồn kho xăng dầu của NMLD Nghi Sơn ở mức rất cao, khoảng 70-85% và có nguy cơ tank-top trong tháng 3/2020, tồn kho của NMLD Dung Quất có xu hướng tăng nhanh khi các khách hàng lùi lịch nhận hàng do tình hình tiêu thụ và sức chứa khó khăn. Tình hình kinh doanh xăng dầu của PVN dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thua lỗ tăng cao nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát trong thời gian tới.
Trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù sản lượng sản xuất hầu hết các sản phẩm phân bón của các nhà máy thuộc PVN đều đạt và vượt mức kế hoạch tháng nhưng sản lượng tiêu thụ phân ure và NPK không như kỳ vọng, nguyên nhân do hầu hết các khu vực sản xuất nông nghiệp nhu cầu vẫn còn thấp. Đặc biệt, khu vực miền Tây, tình hình hạn mặn rất cao đã làm thiệt hại các diện tích trồng lúa. Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, nông dân cẩn trọng không đầu tư nhiều lúc này, làm giảm diện tích canh tác và dẫn đến nhu cầu phân bón giảm trong ngắn hạn.
Các giàn khoan hiện đang cung cấp cho khách hàng ở nước ngoài, nếu dịch bệnh kéo dài, các cửa khẩu đóng cửa, ngừng các chuyến bay quốc tế… sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các hợp đồng cung cấp dịch vụ và giá cho thuê giàn. Tương tự, với các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật dầu khí thực hiện ở nước ngoài, việc đưa lao động đi nước ngoài làm việc đang gặp nhiều khó khăn do hầu hết các nước đều hạn chế việc xuất nhập cảnh trong thời gian hiện tại, thủ tục xin visa bị siết chặt bởi cả 2 phía, gây khó khăn, tốn kém nhiều thời gian và chi phí hơn so với trước đây.
Quyết liệt ứng phó
Để ứng phó với tác động kép nêu trên, liên tục trong các ngày gần đây, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã chủ trì các cuộc họp đột xuất trực tuyến với một số đơn vị thuộc các lĩnh vực chính trong Tập đoàn về tình hình sản xuất, kinh doanh, các giải pháp ứng phó với tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu sụt giảm đột biến. Chính vì vậy, Tập đoàn cùng các đơn vị một mặt phải nỗ lực “chèo lái qua giông bão”, một mặt biết cách chắt lọc cơ hội trong nguy cơ để có thể vực lại tình hình sản xuất, kinh doanh một cách nhanh nhất, đạt hiệu quả cao nhất.
Với tinh thần đó, Tổng Giám đốc PVN đề nghị Tập đoàn và các đơn vị khẩn trương xây dựng quy định nội bộ trong toàn Tập đoàn nhằm quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ dịch Covid-19 một cách an toàn, không để gián đoạn; các đơn vị tập trung rà soát công việc, tăng cường quản trị, triển khai các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa ra các kịch bản đối phó với từng tình huống giá dầu xuống thấp nhất, thậm chí là kịch bản xấu nhất như buộc phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu; các đơn vị trong Tập đoàn cần tăng cường chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường... nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động trong cả chuỗi giá trị của Tập đoàn; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp nhằm tháo gỡ thị trường, tối ưu nguồn lực của các bên để cùng cộng sinh vượt qua các khó khăn hiện tại.
Về phía các đơn vị của PVN đã tính toán trên cơ sở công suất chứa khả dụng hiện tại, xem xét phương án mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu chạm đáy làm động lực tăng trưởng khi thị trường ấm trở lại. Cách làm này vừa gia tăng dự trữ dầu thô cho đất nước, củng cố vấn đề an ninh năng lượng khi đây luôn là mặt hàng chiến lược trong các mối tương quan chính trị khu vực và thế giới, vừa giúp ngân sách tiết kiệm một khoản ngoại tệ không nhỏ khi phải nhập khẩu dầu lúc giá dầu lên cao và tránh lãng phí tài nguyên.
PVN và các đơn vị đang nỗ lực, chủ động trong việc ứng phó với tác động của dịch Covid-19 cũng như việc giá dầu xuống thấp, đồng thời đề ra các giải pháp quyết liệt ứng phó. Tuy nhiên, để thấy rằng, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh và giá dầu khó lường như hiện nay, bên cạnh sự chủ động nắm bắt tình hình, triển khai đồng bộ các giải pháp của PVN thì cũng rất cần có cơ chế đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời nắm bắt cơ hội phát sinh, từ đó vượt qua thách thức trong thời điểm hiện tại. Đó là cơ chế kiểm soát, quản trị rủi ro, phương châm hành động thật nhanh, nghĩ thật nhanh để có thể đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc, điều hành sản xuất, kinh doanh vào giai đoạn đặc biệt khó khăn này.
Dưới góc độ vĩ mô, việc giá dầu thế giới giảm sâu đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN, qua đó làm giảm mức đóng góp của Tập đoàn với nền kinh tế. Nhưng ở chiều hướng ngược lại, xu hướng này cũng đang mở ra nhiều cơ hội mở rộng đầu tư, tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí khi giá dịch vụ và giá thuê giàn khoan giảm mạnh; nhiều chủ mỏ sẽ phải đóng mỏ hoặc bán mỏ; chi phí trong việc đàm phán các hợp đồng khai thác, thăm dò dầu khí vì thế cũng giảm mạnh… Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, PVN cần có cơ chế để tạo nguồn lực, chủ động trong việc thực hiện các dự án, kế hoạch thăm dò, khai thác dầu khí, gia tăng trữ lượng...
Để hỗ trợ ngành dầu khí vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Bộ Tài chính cần phải rà soát lại các chính sách thuế, phí đối với lĩnh dầu khí để kịp thời có những đề xuất, kiến nghị tháo gỡ kịp thời cho PVN và các đơn vị thành viên, như vấn đề thuế VAT đối với mặt hàng phân Ure, thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng với hoạt động khai thác dầu khí, cơ chế tài chính cho Quỹ tìm kiếm thăm dò cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thăm dò – khai thác dầu khí...
Trong tiến trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, ngành dầu khí luôn được Đảng, Chính phủ xác định là ngành kinh tế giữ vai trò chủ lực, đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế và cũng là công cụ điều tiết vĩ mô, là cấu phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Với sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể những người lao động dầu khí, PVN đã không ngừng lớn mạnh, trở thành Tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước và đang vươn tầm quốc tế. Hoạt động của PVN trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành đã giữ vị trí, vai trò định hướng, thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
PVN là doanh nghiệp Nhà nước chủ lực, những thay đổi về mặt cơ chế, chính sách quản lý mang tính chiến lược đối với PVN sẽ tác động quan trọng đến đóng góp của ngành dầu khí vào ngân sách Nhà nước, cũng như tác động đến việc tạo nền tảng cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà ngành dầu khí đang phải đối diện trong tình hình hiện nay là vấn đề cấp bách, là đòi hỏi tất yếu trong nền kinh tế thị trường và cũng là sự đảm bảo cho mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Hồng Thiết