* Bà Phạm Thị Ngà hỏi: Trách nhiệm của cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp, ngành và trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng hiện nay được Nhà nước quy định như thế nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời bà như sau:
Theo quy định tại Điều 7 trách nhiệm của cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng và Điều 8 trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/10/2017) quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Thi đua, Khen thưởng nêu rõ:
1. Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp, các ngành căn cứ vào nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm và nhiệm vụ chính trị được giao để tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền về chủ trương, nội dung, chương trình, kế hoạch, biện pháp thi đua; đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào thi đua; chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc hướng dẫn, tổ chức các phong trào thi đua và kiểm tra việc thực hiện; tham mưu sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến; đề xuất khen thưởng và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng.
2. Hội đồng thi đua, khen thưởng trung ương có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tổ chức phát động và chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi toàn quốc.
3. Cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm phản ánh đúng kết quả của phong trào thi đua và công tác khen thưởng; thường xuyên tuyên truyền chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; phát hiện các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua; biểu dương, tôn vinh, nêu gương các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng.
* Ông Vũ Minh Tuân hỏi: Những nguyên tắc hoạt động của Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp hiện nay được Nhà nước quy định như thế nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng xin trả lời ông như sau:
Theo Khoản 2, Điều 17 về nguyên tắc hoạt động của Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp của Nghị định số 60/2019/NĐ-CP ngày 5 tháng 7 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ quy định:
a) Hội đồng đánh giá công bằng, dân chủ, khách quan, biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín và quyết định theo tỷ lệ quy định cho từng cấp xét thưởng;
b) Hội đồng xét tặng giải thưởng chỉ xem xét những hồ sơ đáp ứng đầy đủ các văn bản, tài liệu theo quy định;
c) Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp nhà nước chỉ xem xét những công trình được Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước đề nghị; Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp nhà nước chỉ xem xét những công trình được Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp bộ, ngành, địa phương đề nghị; Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp bộ, ngành, địa phương chỉ xem xét những công trình được Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sở đề nghị;
d) Việc xét tặng giải thưởng cho các công trình có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước được áp dụng quy trình, thủ tục chung nhưng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.
đ) Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sở, bộ, ngành, địa phương và chuyên ngành cấp Nhà nước:
Số lượng các phiên họp Hội đồng phụ thuộc vào số lượng, quy mô công trình đề nghị xét tặng giải thưởng, do cơ quan Thường trực tổ chức xét giải thưởng quyết định trên cơ sở đề xuất của Chủ tịch Hội đồng;
Cuộc họp Hội đồng phải có ít nhất 3/4 số thành viên Hội đồng tham dự, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch (được Chủ tịch ủy quyền bằng văn bản) chủ trì và có 02 ủy viên phản biện. Chủ tịch Hội đồng quy định trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng trên cơ sở thống nhất ý kiến của các thành viên Hội đồng.
Thành viên Hội đồng xét tặng giải thưởng các cấp có trách nhiệm nghiên cứu, nhận xét và đánh giá hồ sơ công trình đề nghị xét tặng giải thưởng bằng văn bản; thành viên Hội đồng vắng mặt phải gửi văn bản nhận xét, đánh giá công trình đề nghị xét tặng giải thưởng; nội dung cuộc họp phải được ghi thành biên bản, có chữ ký của người chủ trì, thư ký khoa học do Hội đồng bầu chọn.''
e) Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Nhà nước:
Hội đồng tổ chức phiên họp phải có ít nhất 90% thành viên Hội đồng có mặt, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng (được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền bằng văn bản), số lượng phiên họp, trình tự, thủ tục làm việc của Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.