TĐKT - Chiều 1/10, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội tổ chức Kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống công tác dân vận của Đảng, 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận”, tổng kết 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2009 - 2019.
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại Hội nghị
Tới dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cùng lãnh đạo các ban của Thành ủy, lãnh đạo HĐND thành phố.
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nêu rõ: Trải qua từng thời kỳ cách mạng, Ban Dân vận đã có những tên gọi khác nhau, nhưng đều có chức năng, nhiệm vụ chung là cơ quan tham mưu cho Đảng về công tác dân vận. Bao gồm công tác mặt trận, công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, tôn giáo vận, dân tộc ít người...
Là Đảng bộ lớn nhất cả nước, trong những năm qua, Thành ủy và các cấp ủy luôn chủ động vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ về công tác dân vận; chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối, phong cách làm việc theo hướng tập trung, quyết liệt, dứt điểm, hiệu quả; hướng mạnh về cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý, tháo gỡ những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; phát huy dân chủ, đi liền giữ vững kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nói đi đôi với làm.
Nhờ đó, hoạt động của hệ thống dân vận từ thành phố đến cơ sở có nhiều đổi mới, chủ động, thiết thực, hiệu quả trong công tác tham mưu, phối hợp tốt với các lực lượng, cơ quan, ban ngành triển khai thực hiện công tác dân vận đồng bộ và hiệu quả hơn.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp dân vận" cho các cá nhân
Công tác dân vận chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã có đạt được nhiều kết quả; công tác dân vận của các lực lượng vũ trang ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả cao... góp phần quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô, đất nước.
Phong trào “Dân vận khéo” được triển khai gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua như “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện dân chủ ở cơ sở... Nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị; nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến đã xuất hiện và được nhân rộng.
Nhiều địa phương, đơn vị đã có phương pháp, quy trình triển khai thực hiện phong trào “Dân vận khéo” hiệu quả.
Có thể khẳng định phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục góp phần tích cực vào những thành tựu về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở thành phố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen cho các tập thể
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré đánh giá, trong 10 năm qua, Thành ủy Hà Nội đã đặc biệt chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và các phong trào thi đua yêu nước. Ban Dân vận Thành ủy phát huy tốt vai trò tham mưu triển khai công tác dân vận, cũng như tổ chức tốt “Hội thi Dân vận khéo”, thi viết về cán bộ “Dân vận khéo”... Điều đó cho thấy công tác dân vận của Đảng bộ TP Hà Nội đang được triển khai hiệu quả, đồng bộ.
Đồng chí đề nghị trong giai đoạn tới, Hà Nội cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác dân vận; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đánh giá, xếp loại mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, đảm bảo sát thực tiễn từng loại hình, cơ quan, đơn vị; hướng phong trào thi đua “Dân vận khéo” vào những việc mới, việc khó.
Cùng với đó, cần đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, đội ngũ văn nghệ sĩ trong công tác này; chú trọng xây dựng mô hình, điển hình dân vận khéo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo; giải quyết tốt những kiến nghị, đề xuất, những bức xúc của nhân dân, đặc biệt là về đất đai, môi trường...
Tiếp thu ý kiến các ý kiến của đồng chí Điểu K’Ré, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng đã triển khai cụ thể các nhiệm vụ trong thời gian tới đến các cấp ủy đảng, tiếp tục lãnh đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về công tác dân vận trong tình hình mới; thường xuyên, chủ động nắm bắt, dự báo tình hình nhân dân, đồng thời, tập trung giải quyết tốt những vấn đề dân sinh bức xúc.
Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, trọng tâm là Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và Quyết định 6525-QĐ/TU, Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội…
Dịp này, Ban Dân vận Trung ương đã tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân vận” cho 40 cá nhân tiêu biểu của thành phố. 10 tập thể, 10 cá nhân được nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy về thành tích xuất sắc trong tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2009 - 2019.
Mai Thảo