TĐKT - Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Ban Cán sự Phụ nữ Lao động - tiền thân của Ban Nữ công; 90 năm thành lập tổ chức Công đoàn (CĐ) Việt Nam; kỷ niệm 109 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và 1.979 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chiều 23/2, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị biểu dương 90 cán bộ nữ công tiêu biểu toàn quốc lần II - 2019.
Tới dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường.
Từ đề xuất, lựa chọn của 81 LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương gửi về Tổng Liên đoàn hồ sơ đề nghị khen thưởng của 134 chị, Tổng Liên đoàn đã thành lập Hội đồng xét chọn 90 cán bộ nữ công tiêu biểu nhất để biểu dương, khen thưởng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường tặng Bằng khen và biểu trưng cho các cán bộ nữ công tiêu biểu.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật khẳng định: 90 chị được biểu dương hôm nay là những bông hoa tiêu biểu, đại diện cho lực lượng nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và đội ngũ cán bộ nữ công công đoàn các cấp. Đây là những nhân tố nòng cốt để tiếp tục thúc đẩy phong trào nữ CNVCLĐ trong thời gian tới.
Các chị luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm trong mọi công việc, tận tụy, tâm huyết, vì người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Các chị còn là những người chị, người bạn gần gũi luôn thấu hiểu, sẻ chia với người lao động.
Các chị đã tham mưu cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ công đoàn, lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ và công tác dân số, gia đình, trẻ em; đảm bảo điều kiện lao động và an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe sinh sản và chế độ khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ. Làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn lao động nữ ký hợp đồng lao động đúng quy định pháp luật; tham gia thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đã đề xuất thành công đưa được vào thỏa ước lao động tập thể hiện hành của đơn vị những quy định có lợi hơn cho lao động nữ so với quy định của Bộ Luật Lao động.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao vai trò của Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp công đoàn trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình đã luôn quan tâm làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho lao động nữ - lực lượng nòng cốt trong phong trào phụ nữ cả nước với nhiều chương trình, hoạt động thiết thực.
Nổi bật là công tác tuyên truyền giáo dục về giới, bình đẳng giới, chính sách pháp luật lao động liên quan đến lao động nữ và trẻ em; việc nghiên cứu, tham mưu xây dựng, kiểm tra giám sát chính sách pháp luật về những vấn đề liên quan đến lao động nữ như các chính sách về thai sản; vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo; mô hình tập hợp nữ công nhân lao động ở khu nhà trọ đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Hội nghị
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị, thời gian tới, các cấp công đoàn cần tiếp tục phát huy vai trò trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp.
Đặc biệt giải quyết chính sách lao động nữ trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cấu trúc lại doanh nghiệp; tập hợp tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ, tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động, thủ trưởng đơn vị để bảo đảm thực hiện pháp luật, chính sách đối với lao động nữ; kiến nghị với Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách, chế độ liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, ổn định trong doanh nghiệp.
Tổ chức công đoàn cần tham gia tích cực trong việc chăm lo và cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho lao động nữ, tập trung các vấn đề liên quan đến nhà ở, nhà trẻ, bếp ăn tập thể, nhà tắm, nhà vệ sinh, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ… nhất là ở những doanh nghiệp ngoài nhà nước có sử dụng nhiều lao động nữ...
“Tôi mong rằng, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn nâng cao hiệu quả hơn nữa vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động trong đó có lao động nữ; tổ chức tốt các phong trào thi đua hướng tới kỷ niệm 90 năm thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc sẽ diễn ra vào năm 2020” – Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Mai Thảo