TĐKT - Công tác tuyên truyền chính sách về BHXH, BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số từ lâu đã là nhiệm vụ không dễ. Từ những khó khăn, vướng mắc đó, nhiều tỉnh miền núi có số đông đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động đi vào trọng tâm. Bên cạnh đó, các đơn vị làm tốt công tác chi trả chế độ chính sách BHXH cho các đối tượng, đúng quy định, giảm thủ tục hành chính, hướng tới sự hài lòng của người thụ hưởng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương... BHXH tỉnh Yên Bái là một trong những đơn vị đã làm tốt vấn đề này.
BHXH thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) tổ chức Hội nghị tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình
Là một trong những đơn vị có số đông đồng bào dân tộc thiểu số, BHXH tỉnh Yên Bái đã có cách làm hay, hiệu quả bằng việc giám sát chặt chẽ công tác chi trả chế độ BHXH. Với cách làm đó, người dân càng thêm tin tưởng, yên tâm khi tham gia BHXH, BHYT.
Về vị trí địa lý, Yên Bái là một tỉnh miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có tới 30 dân tộc anh em cùng chung sống. Yên Bái có 9 đơn vị hành chính (1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện) với tổng số 180 xã, phường, thị trấn (159 xã và 21 phường, thị trấn); trong đó có 70 xã vùng cao và 62 xã đặc biệt khó khăn được đầu tư theo các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, có 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải (đồng bào Mông chiếm trên 80%) nằm trong 61 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước. Công tác tiếp cận để tuyên truyền về BHXH, BHYT gặp rất nhiều khó khăn.
Đứng trước tình hình đó, BHXH tỉnh Yên Bái đã kết hợp song song vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời làm tốt chế độ chi trả cho đối tượng hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ ngành trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Qua đó chủ động đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân và đối tượng thụ hưởng chính sách, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân chưa tham gia BHXH, BHYT.
Theo báo cáo mới nhất của BHXH tỉnh Yên Bái, hiện nay toàn tỉnh có 37.348 lượt đối tượng thụ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, với số tiền chi trả mỗi tháng trên 119 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm 2017, BHXH tỉnh đã chi trên 597 tỷ đồng cho đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng. Riêng bảo hiểm thất nghiệp đã chi trả cho 564 người, với số tiền trên 1 tỷ đồng.
Qua kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng và trợ cấp BH thất nghiệp cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh Yên Bái nhìn chung được thực hiện đúng quy trình, bảo đảm khách quan, đúng chế độ, đúng đối tượng. Các bước xét duyệt, lập danh sách hàng tháng được thực hiện chặt chẽ, từng hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết đúng quy trình, đúng quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn của ngành.
Đặc biệt việc thực hiện chi trả cho các đối tượng thụ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng được cơ quan BHXH phối hợp với ngành Bưu điện tiến hành đối chiếu thường xuyên, tổ chức kịp thời in danh sách và chi trả ngay từ ngày đầu của tháng (chậm nhất ngày mùng 5 hàng tháng) đã hoàn thành việc chi trả cho đối tượng, do vậy đã nhận được sự hài lòng của người dân.
Ngoài việc chi trả các chế độ thường xuyên, BHXH tỉnh Yên Bái đã tập trung giải quyết tốt các chế độ ngắn (ốm đau, thai sản, dưỡng sức); chế độ BHXH một lần và các hồ sơ khác về điều chỉnh, di chuyển; trả lời dứt điểm các đơn thư của người dân hỏi về chế độ chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời trực tiếp trả lời những câu hỏi liên quan đến chế độ chính sách của người dân hỏi trên Cổng thông tin điện tử, Đài truyền hình tỉnh để nhân dân các dân tộc trong tỉnh Yên Bái đều nắm bắt kịp thời các chế độ liên quan.
Mặt khác tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức; nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo, giấy tờ không cần thiết nhằm giải quyết công việc một cách nhanh nhất, thuận tiện và đúng quy định. Chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ trong công tác quản lý và chi trả, bảo đảm sự thuận lợi và những tiện ích tốt nhất, đáp ứng yêu cầu của người hưởng chế độ, đảm bảo an toàn tiền mặt và chặt chẽ trong quản lý đối tượng.
Như vậy, cùng là những đơn vị có điều kiện kinh tế khó khăn, có số đông đồng bào dân tộc thiểu số nhưng với cách làm hay, sáng tạo và đúng cách, BHXH tỉnh Yên Bái đã từng bước khắc phục những khó khăn, chú trọng tuyên truyền đúng người, đúng bản. Giảm những thủ tục hành chính rườm rà, giúp người dân dễ dàng hơn khi tiếp cận BHXH, BHYT, tăng cường công tác an sinh xã hội.
Thu Trang