TĐKT - Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mến cho biết, tính đến cuối tháng 9/2018, thành phố có 2,265 triệu người tham gia BHXH (trong đó BHXH tự nguyện chỉ có là 5.233 người tham gia), chiếm 52,25% so với lực lượng lao động trên địa bàn; hơn 6,933 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 83,13% dân số. Dự kiến, đến cuối năm, tỷ lệ bao phủ BHYT của thành phố đạt 85,2% dân số.
Hết tháng 9, TP Hồ Chí Minh có 2,265 triệu người tham gia BHXH
Số thu của BHXH TP Hồ Chí Minh tăng qua từng năm, trong khi tỷ lệ nợ có xu hướng giảm dần. Cụ thể: Năm 2016, BHXH thành phố thu được 45.208 tỷ đồng, trong khi số nợ là 1.451 tỷ đồng - chiếm tỷ lệ 3,33% so với số phải thu. Năm 2017, thu được 51.467 tỷ đồng (số nợ 1.829 tỷ đồng - chiếm tỷ lệ 3,6%). Trong 9 tháng đầu năm 2018, thu được 40.750 tỷ đồng (số nợ 1.867 tỷ đồng - chiếm tỷ lệ 2,57%). Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 7.122 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) nợ từ 3 - 6 tháng; 1.179 đơn vị SDLĐ nợ từ 6 tháng trở lên và 6.645 đơn vị SDLĐ đã giải thể, phá sản với số nợ 327 tỷ đồng.
Từ thông tin của Cục Thống kê cho thấy, TP Hồ Chí Minh có tổng số 171 ngàn doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, tương ứng với khoảng 2,955 triệu người lao động (NLĐ) đang làm việc. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có khoảng 84 ngàn DN tham gia BHXH cho 2,265 triệu người. Như vậy, hiện còn khoảng 690 ngàn NLĐ chưa tham gia BHXH tại khoảng 87 ngàn DN. Ngoài ra, còn tới 735 ngàn người chưa tham gia BHYT, trong đó có 150 ngàn học sinh, sinh viên.
Đại tá Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng phòng BHXH Công an nhân dân (BHXH CAND) cho rằng, số người tham gia BHXH trên địa bàn còn thấp so với tiềm năng. Đáng báo động là tình trạng nhận trợ cấp BHXH một lần rất nhiều và có xu hướng tăng lên (88.147 lượt người năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018 là 79.839 lượt người). Điều này làm ảnh hưởng đến an sinh, nhất là NLĐ khi hết tuổi lao động sẽ rất khó khăn khi không có chế độ hưu trí. Ngoài ra, còn hàng ngàn DN nợ BHXH nhưng đã giải thể, phá sản, nhưng chưa rõ hướng giải quyết để bảo vệ quyền lợi NLĐ...
Với đơn vị nợ BHXH, cơ quan BHXH đã thực hiện gửi thư nhắc nợ; công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra cũng đã giúp thu hồi về quỹ được hơn 50% số nợ. Trong 9 tháng đầu năm 2018, đã thực hiện thanh tra, kiểm tra hơn 3.600 đơn vị, thu hồi hơn 125 tỷ đồng, lập biên bản vi phạm hành chính 61 đơn vị với tổng số tiền phạt 3,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với các đơn vị giải thể, phá sản vẫn chưa có hướng ra. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định quy định về quản lý nợ và các giải pháp xử lý nợ BHXH, BHYT đối với đơn vị nợ thời gian dài, số tiền nợ lớn; các đơn vị đã khởi kiện, thi hành án nhưng không có khả năng thanh toán; đơn vị nợ đã giải thể, phá sản… nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Ngoài ra, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND TP Hồ Chí Minh tăng cường chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng (nhất là các trường ngoài công lập) thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên, bởi hiện nay nhiều trường ngoài công lập có tỷ lệ tham gia BHYT học sinh, sinh viên rất thấp: Đại học Hoa Sen (tỷ lệ chỉ đạt 45%), Đại học Văn Lang chỉ đạt 60%...
La Giang