TĐKT - Sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng bệnh tật và kinh tế nặng nề cho Việt Nam.
Theo WHO, tại Việt Nam, thuốc lá gây ra trên 40.000 ca tử vong mỗi năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca vào năm 2030, nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả.
Theo số liệu của Bệnh viện K (năm 2000), tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%; không hút thuốc lá là 3,2%. Theo nghiên cứu của Viện chiến lược và chính sách y tế (2011), bệnh tật và tử vong do thuốc lá làm mất đi hơn 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam.
Thuốc lá gây ra tổn thất kinh tế ước tính trên 24.000 tỷ đồng mỗi năm (tương đương gần 1% GDP của năm, số liệu thống kê năm 2011). Những tổn thất này bao gồm chi phí điều trị bệnh, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và bệnh tật, và tổn thất do tử vong sớm do hút thuốc gây ra ở Việt Nam.
Ngoài ra, người dân Việt Nam phải bỏ ra 31.000 tỷ đồng để mua thuốc lá hút hàng năm. Giá thuốc lá ngày càng rẻ so với thu nhập, sức mua thuốc lá gia tăng.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao nhất về hút thuốc lá ở nam giới (45,3% năm 2015) và phơi nhiễm với hút thuốc thụ động ở môi trường trong nhà. Trong năm 2013, Việt Nam đã ban hành chiến lược quốc gia, phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020, với tầm nhìn 2030, trong đó đưa ra các mục tiêu cụ thể để giảm tỷ lệ hút thuốc trong nhóm: Thanh niên (15 - 24 tuổi), từ 26% năm 2011 xuống còn 18% vào năm 2020; nam giới, từ 47,4% năm 2011 xuống còn 39% vào năm 2020; phụ nữ còn dưới 1,4% vào năm 2020.
Thục Anh