TĐKT – Ngày 6/8, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 - 2017 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2018 - 2020.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020 dự và chủ trì Hội nghị. Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát.
Các đại biểu chủ trì Hội nghị
Đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới tại Quyết định số số 27/QĐ-TTg với tổng kinh phí cấp từ ngân sách Nhà nước là 221 tỷ đồng. Nhờ thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia các đề tài, dự án, Chương trình đã huy động được kinh phí đóng góp của các doanh nghiệp 165 tỷ đồng, chiếm 43% tổng kinh phí thực hiện Chương trình (386 tỷ đồng).
Sau 5 năm triển khai, Chương trình đã lựa chọn được 69 đề tài (trong tổng số gần 1.000 đề xuất nhiệm vụ) để thực hiện, bám sát các mục tiêu và nội dung cơ bản, phù hợp với nhu cầu của xây dựng nông thôn mới; xây dựng được 147 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề.
Qua đó, đã giúp hơn 5.000 hộ nông dân của gần 100 xã trên địa bàn 40 tỉnh được hưởng lợi, giúp các địa phương, hợp tác xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt; góp phần quan trọng trong kết quả xây dựng nông thôn mới của cả nước với 3.370 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 37,76% số xã), bình quân cả nước đạt 14,26 tiêu chí/xã; 53 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; cả nước chỉ còn 103 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Điểm nổi bật trong các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn của Chương trình là đã đề xuất nhiều giải pháp có tính liên ngành, các mô hình liên kết trình diễn cụ thể trong sản xuất; các giải pháp khoa học xã hội và khoa học công nghệ từ quy hoạch, kiến trúc, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đời sống văn hóa, đến lồng ghép ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng trong 5 năm qua, mặc dù nguồn lực còn hạn chế, nhưng chương trình khoa học - công nghệ có đóng góp quan trọng, tích cực trong xây dựng nông thôn mới trong cả nước. Đây là một chương trình khoa học - công nghệ nghiên cứu và ứng dụng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cuộc sống.
Trong thời gian tới, các viện nghiên cứu cần tập trung nhiều hơn nữa vào nghiên cứu khoa học trong xây dựng thể chế, chính sách thực hiện các vấn đề cụ thể như xử lý rác thải, nước sạch cho vùng nông thôn, các mô hình sản xuất nâng cao thu nhập, bảo tồn văn hoá bản sắc các vùng miền, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá, công nghiệp hoá nông nghiệp, bảo đảm an ninh, an toàn cho đời sống cư dân nông thôn.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các viện nghiên cứu trong đặt hàng, xây dựng các đề tài, dự án để ứng dụng trên địa bàn, tăng cường hỗ trợ các start-up địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…
Bình Nguyên