TĐKT - Ngày 25/10 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam cùng một số đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp số 2017 – “Kỷ nguyên số và Quốc gia khởi nghiệp”.
Hội nghị thu hút sự tham dự của khoảng 300 đại biểu đến từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương; Bộ Tài chính; Bộ Ngoại giao; Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực số; các nhà nhập khẩu, các nhà phân phối; doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp dịch vụ và các nhà nghiên cứu…
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Với sự ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học công nghệ, cuộc cách mạng đã và đang làm biến đổi sâu sắc, mạnh mẽ về tư liệu sản xuất, làm thay đổi căn bản cách thức con người tác động vào đối tượng sản xuất và làm thay đổi nền sản xuất của xã hội.
Hội nghị Doanh nghiệp số 2017
Việc chủ động tiếp cận các công nghệ tiên tiến đồng thời nắm bắt xu hướng phát triển mới của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được Chính phủ Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ và nêu rõ trong Chỉ thị 16 /CT-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thực tế, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, quản trị xã hội, dịch vụ, thương mại… từ đó làm cho cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau mang đậm màu sắc công nghệ hiện đại hơn so với trước rất nhiều. Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong nước thời gian qua thể hiện rất rõ giữa các doanh nghiệp truyền thống và các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới. Do đó, nếu không chủ động, doanh nghiệp nội sẽ phải chấp nhận thua ngay trên sân nhà khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực ngày càng mạnh.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cũng cho rằng bên cạnh những khó khăn, Việt Nam đã có những yếu tố quan trọng là tiền đề cho việc làm chủ công nghệ trong cuộc cách mạng lần thứ 4 này: tỷ lệ dân số và doanh nghiệp sử dụng Internet cao (khoảng 54% dân số vào năm 2016, đứng thứ 5 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương); tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh đạt 55%; ngành công nghệ thông tin đang có sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng lên đến 16%; Việt Nam cũng đứng trong top 5 nước tăng trưởng công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới…
Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng có tác động và thay đổi ở hầu hết các lĩnh vực chứ không tập trung vào một lĩnh vực chuyên biệt nào như những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.
Điểm mấu chốt của Cách mạng Công nghiệp 4.0 chính là việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất. PGS. TS Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng cho rằng, Cách mạng Công nghiệp 4.0 mở đầu 1 thời kỳ mới, là cơ hội, gần như cơ hội duy nhất để quốc gia kém phát triển đuổi kịp các quốc gia phát triển.
PGS. TS Nguyễn Văn Nam cho rằng: "Lực lượng chủ lực khởi nghiệp sẽ là các doanh nghiệp số. Họ là doanh nghiệp đi đầu ở Việt Nam. Tuy nhiên, lực lượng doanh nghiệp phải được tổ chức lại, có tiếng nói và Chính phủ có chính sách thiết thực để hỗ trợ. Nếu cứ lẽo đẽo công nghiệp hóa thì ta vĩnh viễn đi sau".
Tại Hội nghị, nhiều tham luận chính đã được trình bày: thực tế ứng dụng doanh nghiệp số tại Việt Nam; doanh nghiệp toàn cầu, thị trường toàn cầu: những thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh doanh thay đổi, hướng đến cạnh tranh toàn cầu; các công nghệ mới và phương pháp tiếp cận khách hàng; ứng dụng kỹ thuật số hóa doanh nghiệp trong quản lý khách hàng, tài sản và quy trình kinh doanh; tự động hóa văn phòng và quản lý tài liệu; xử lý dữ liệu và ra quyết định; bảo mật trong doanh nghiệp số; làm thế nào để chuyển đổi một doanh nghiệp sang mô hình doanh nghiệp số.
Thục Anh