TĐKT - Sáng 18/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội Tin học Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư quốc tế ngành thông tin và truyền thông Việt Nam 2017 (VIF 2017) với chủ đề "Thu hút đầu tư trong tiến trình chuyển đổi kinh tế số".
Tới dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài.
Toàn cảnh Hội nghị
Hội nghị được tổ chức nhằm tham vấn chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển bền vững trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế số; thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông, thương mại điện tử…
Kinh tế số đang ngày càng trở nên quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Sự chuyển đổi kinh tế số là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển một quốc gia và là nền tảng để tăng năng suất cho các ngành nghề kinh tế khác, cũng như tạo ra cơ hội đổi mới, sáng tạo cho doanh nghiệp và phương thức tiếp cận thị trường mới.
Hiện nay, Việt Nam đã trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư công nghệ thông tin – truyền thông nước ngoài. Năm 2016, tổng doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin đạt 67,693 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 60,789 tỷ USD, trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn.
Để Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế số và Cách mạng Công nghiệp 4.0, việc rà soát và cập nhật chính sách thu hút đầu tư cần trở thành một nội dung quan trọng trong tiến trình số hóa của quốc gia.
Hội nghị VIF 2017 đã bàn thảo và thông qua các khuyến nghị của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về chính sách thông tin và truyền thông và các chính sách liên quan của Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư, kinh doanh trong nền kinh tế số. Trong đó, rà soát lợi thế cạnh tranh của Việt Nam khi thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp đa quốc gia trong nền kinh tế số. Cập nhật các quy định quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy đầu tư đối với các doanh nghiệp số trong nước. Đồng thời, đề xuất các biện pháp nền tảng để thúc đẩy đầu tư phát triển nền kinh tế số, đặc biệt là các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp số Việt Nam phát triển.
Cùng với đó, tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá tiềm năng thị trường kinh tế số của Việt Nam, nhìn nhận các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số, đưa ra các biện pháp thúc đẩy thị trường trong các lĩnh vực của nền kinh tế số: thương mại điện tử, khởi nghiệp sáng tạo, kinh tế chia sẻ và các dịch vụ đô thị thông minh trên nền công nghệ thông tin và truyền thông. Từ đó phân tích cơ hội và thách thức trong việc thu hút đầu tư vào kinh tế số tại Việt Nam.
Minh Phương