BTĐKT - Căn dặn cán bộ ngành Y tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khuyến khích các cán bộ y tế phải: “Không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp”. Nhớ lời dạy đó của Người, đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Y tế - một trong những mục tiêu quan trọng của đất nước ta hiện nay, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ y tế, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đã không ngừng nỗ lực, chủ động, sáng tạo, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.
Năm 2024, ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế xác định chuyển đổi số tiếp tục là mục tiêu và lĩnh vực ưu tiên, nhằm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; hướng đến xây dựng một hệ thống y tế thông minh, bền vững, phục vụ tốt nhất cho người dân và khách du lịch.
Ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Công tác chuyển đổi số trong toàn ngành Y tế của tỉnh tập trung trên 3 lĩnh vực: Khám, chữa bệnh thông minh; chăm sóc sức khỏe thông minh; quản trị thông minh. Đồng thời, hướng đến 2 nhóm hoạt động theo thứ tự ưu tiên, đó là: Hoạt động chuyển đổi số để giảm phiền hà và than phiền của người dân; hoạt động xây dựng y tế thông minh để tạo thêm tiện ích và tăng sự hài lòng của người dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thăm hỏi bệnh nhân tại TTYT huyện Phú Vang
Để thực hiện được những mục tiêu đó, thời gian qua, Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Tập trung triển khai thí điểm bệnh án điện tử tại 3 đơn vị là Bệnh viện Mắt Huế, Bệnh viện đa khoa Bình Điền, Bệnh viện Phục hồi chức năng.
Từ năm 2019, số người dân có mã số hồ sơ quản lý theo Quyết định 831/QĐ-BYT là trên 95% (vượt chỉ tiêu theo Quyết định số 5349/QĐ-BYT ngày 12/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử là đến năm 2025, 95% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử). Việc triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử giúp lưu trữ và quản lý thông tin sức khỏe của người dân một cách hiệu quả. Hệ thống này không chỉ giúp bác sĩ nắm bắt tình trạng sức khỏe của bệnh nhân một cách nhanh chóng mà còn hỗ trợ việc chia sẻ thông tin y tế giữa các cơ sở y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc sức khỏe liên tục và toàn diện.
Trong thời gian vừa qua, việc đẩy mạnh áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (big data) cũng được ngành Y tế tỉnh quan tâm đầu tư, triển khai, mang lại nhiều lợi ích trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Các cơ sở y tế tại Thừa Thiên Huế như: Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy, Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, đã sử dụng AI để phân tích hình ảnh y khoa, giúp phát hiện sớm các bệnh lý như ung thư, tim mạch, và các bệnh truyền nhiễm. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả điều trị mà còn giảm thiểu sai sót y khoa.
Ngành Y tế tỉnh cũng chú trọng triển khai và phát triển các dịch vụ y tế từ xa. Tiêu biểu như: Tư vấn y tế trực tuyến và theo dõi sức khỏe từ xa. Điều này giúp người dân, đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa, có thể tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng mà không cần di chuyển xa.
Để đáp ứng được những mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong chuyển đổi số, ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế xác định việc đào tạo và nâng cao năng lực số cho nhân viên y tế là vô cùng cấp bách. Sở Y tế tỉnh chú trọng đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế về công nghệ thông tin và các công nghệ mới. Các chương trình đào tạo định kỳ và các khóa học trực tuyến mà Sở Y tế tổ chức đã giúp nhân viên y tế nắm vững kỹ năng cần thiết để sử dụng hiệu quả các hệ thống y tế số.
Tổ chức UNDP tại Việt Nam trao tặng thiết bị CNTT chương trình tư vấn KCB từ xa tại tuyến y tế cơ sở cho tỉnh Thừa Thiên Huế
Với những giải pháp quyết liệt trên, tính đến hết tháng 5/2024, 100% đơn vị khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai áp dụng phần mềm phục vụ công tác quản lý công tác khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. 188/188 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện sử dụng căn cước công dân có gắn chíp trong khám chữ bệnh bảo hiểm y tế. 100% đơn vị khám chữa bệnh đã liên thông dữ liệu khám chữa bệnh thanh toán bảo hiểm y tế vào nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử. 100% dữ liệu tiêm chủng quốc gia, tiêm chủng vacxin COVID-19 đã liên thông vào nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử. 100% y tế cơ sở đã liên thông dữ liệu Giấy chứng sinh; dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia, phục vụ hữu ích cho Đề án 06 của Chính phủ. 100% đơn vị, bệnh viện, nhà thuốc đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt…
Số hồ sơ đang có trên nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử là 1.244.896 hồ sơ (tính đến ngày 27/6/2024). Số hồ sơ khám chữa bệnh thanh toán bảo hiểm y tế liên thông là 5.172.550 hồ sơ (từ tháng 5/2018 đến 27/6/2024). Hiện nay, Sở Y tế đang tiến hành xây dựng Trung tâm điều hành y tế thông minh tại Sở và lấy nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử là một nền tảng quan trọng trong việc hình thành IOC y tế.
Ông Trần Kiêm Hảo khẳng định: Sự liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế vào các nền tảng số lĩnh vực y tế sẽ góp phần quan trọng vào phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước nói chung và yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế nói riêng.
Đây đồng thời là những con số “biết nói”, khẳng định những nỗ lực, quyết tâm của ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá trình chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và cải thiện cuộc sống của người dân.
Việc chuyển đổi số ngành Y tế là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phù hợp với tinh thần thi đua yêu nước và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sự kết hợp giữa cải tiến công nghệ và giữ vững đạo đức nghề nghiệp, nhằm phục vụ tốt nhất cho sức khỏe của nhân dân.
Tin rằng, dù còn nhiều thách thức phía trước, nhưng với sự nỗ lực và hợp tác của các bên liên quan, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục tiến xa trên con đường hiện đại hóa ngành Y tế, hướng tới một hệ thống y tế thông minh và bền vững.