TĐKT – Sáng 20/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức “Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam”.
Diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất, chăn nuôi, các đơn vị nhập khẩu nước ngoài, các bộ, ngành liên quan có cơ hội cùng nhau đánh giá cơ hội, thảo luận các biện pháp xúc tiến phát triển sản xuất, mở rộng tiềm năng xuất khẩu thịt lợn.
Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam
Tham dự diễn đàn có 300 đại biểu là các chuyên gia ngành chăn nuôi, thú y, đại diện lãnh đạo UBND và Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Long An. Đặc biệt là sự có mặt của các Đại sứ quán và doanh nghiệp nước ngoài hiện đầu tư vào ngành chăn nuôi Việt Nam: Hà Lan, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Singapore. Bên cạnh đó là đại diện Liên minh HTX Việt Nam, Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp chuyên về chăn nuôi và xuất khẩu, các chủ trang trại chăn nuôi lợn điển hình tại một số địa phương.
Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, mỗi năm, ngành nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch trên 30 tỷ USD với 10 ngành hàng chủ lực, đạt giá trị xuất khẩu trên dưới 1 tỷ USD. Tuy nhiên, dù Việt Nam là quốc gia có tiềm năng chăn nuôi lớn với năng suất sản xuất 27,5 đến 28 triệu con lợn, 300 triệu con gia cầm, 0,5 triệu bò sữa, 2 triệu tấn thịt, bình quân đạt 60 kg thịt/người, bên cạnh mức bình quân 100 quả trứng/người, 10 lít sữa/người, 80 kg cá/người nhưng sản phẩm ngành chăn nuôi lại chưa góp mặt trong kim ngạch xuất khẩu.
Việc xuất khẩu thịt lợn Việt Nam sang các nước, từ nhiều năm nay, vẫn chưa có sự đột phá nào. Phần lớn lợn nuôi được, chủ yếu là xuất khẩu lợn hơi sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. Theo báo cáo từ Hãng nghiên cứu toàn cầu (IBC), trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đạt gần 12 triệu con (33.000 con/ngày). Dự kiến năm 2017, Việt Nam xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 2,4 triệu con (giảm 80% so với năm 2016). Nếu tình hình không khả quan, con số xuất khẩu trên sẽ giảm sút chỉ xuất khẩu đạt 1,17 triệu con…
Trong lúc đó, xuất khẩu lợn theo đường chính ngạch lại hạn chế, Việt Nam mới xuất sang thị trường Hồng Kong và Malaysia khoảng 15-20 ngàn tấn (tương đương 200.000 con), trong giai đoạn từ năm 2013 – 2016. Qua các con số trên cho thấy, tình hình xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam hiện tại, hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng sản xuất.
Tại Diễn đàn, ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc De Heus Châu Á đã chia sẻ về cơ hội xuất khẩu và cả những thách thức cho sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt lợn Việt Nam. Ông cũng chia sẻ về mô hình chuỗi liên kết của De Heus, kinh nghiệm tổ chức thành công chuỗi liên kết sản xuất thịt gia cầm xuất khẩu, cũng như những nỗ lực góp phần vào việc phát triển nguồn thực phẩm sạch và bền vững.
Tham gia vào phần tham luận, ông Vũ Trọng Nghĩa đại diện từ Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông và đối tác của mình – Công ty máy móc Daewon chia sẻ đánh giá về nhu cầu nhập khẩu thịt lợn từ Hàn Quốc, các cơ hội và thách thức cho sản phẩm thịt lợn Việt Nam.
Từ phía cơ quan chức năng, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cũng có bài báo cáo về công tác thú y, chương trình và kế hoạch thiết lập các vùng an toàn dịch bệnh, một trong những điều kiện tiên quyết làm nền tảng hỗ trợ và xúc tiến cho việc xuất khẩu thịt lợn.
Ngoài ra, tại Diễn đàn đã nhận được nhiều ý kiến, đề xuất và kinh nghiệm bổ ích trong công tác chăn nuôi, xuất khẩu thịt lợn sạch, từ nhiều doanh nghiệp và các chủ trang trại chăn nuôi.
Trong dịp này, Tập đoàn De Heus, Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao, Công ty Cổ phần và Đầu tư Thương mại Biển Đông, Công ty máy móc Daewon đã cùng ký kết Thoả thuận thực hiện liên kết chuỗi sản xuất thịt lợn sạch để xuất khẩu. Sự tham gia ký kết này mở ra một hướng đi chung trong chiến lược phát triển của các bên với mục đích mang lại cho cộng đồng chuỗi giá trị cung ứng thịt lợn sạch, an toàn, hướng đến xuất khẩu.
Hưng Vũ