Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức khủng hoảng Covid-19
23/07/2020 - 20:01

TĐKT - Ngày 23/7, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức khủng hoảng Covid-19”.

Diễn đàn có sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế uy tín, là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia và cũng là những người đứng đầu các viện nghiên cứu có uy tín cao như: TS. Trần Đình Thiên, TS. Võ Trí Thành, TS. Cấn Văn Lực…

Toàn cảnh Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phạm Việt Dũng, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam nhận định, đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những hậu quả to lớn, nặng nề và đặt ra những vấn đề chưa từng có tiền lệ cho thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Dường như tất cả các quốc gia đều đứng trước một câu hỏi lớn là làm gì để đối phó hiệu quả với vô vàn khó khăn do đại dịch gây ra, đồng thời nhanh chóng khắc phục thiệt hại, lấy lại nhịp độ tăng trưởng, duy trì đà phát triển kinh tế và sự ổn định của đời sống xã hội.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra và chỉ đạo triển khai nhiều quyết sách quan trọng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm thiểu khó khăn, thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra, đặc biệt là các chủ trương, chính sách nhằm thực hiện mục tiêu kép là vừa ngăn chặn, chống dịch thành công, vừa tiếp tục phát triển ổn định, bền vững nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, tình hình kinh tế quốc tế và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến sự sống còn của không ít doanh nghiệp. Thực tế ấy đòi hỏi không chỉ có trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hoạch định chính sách, mà còn cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính các doanh nghiệp để nỗ lực tìm ra những giải pháp hiệu quả, nhằm chủ động thích ứng, vượt qua những thách thức của đại dịch và hơn nữa còn có thể biến nguy thành an, biến thách thức, khó khăn thành cơ hội phát triển...

Ông Phạm Việt Dũng nhấn mạnh, tái cấu trúc mô hình cạnh tranh và kinh doanh luôn là vấn đề quan trọng, quan tâm thường trực không chỉ của các nhà quản lý mà còn là bài toán cốt tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân. Đặc biệt, trải qua cơn tàn phá của đại dịch Covid-19 này, vấn đề định vị lại, điều chỉnh chiến lược, giải pháp sản xuất, kinh doanh và mô hình cạnh tranh đang đặt ra rất nhiều yêu cầu cấp bách trước mặt, lâu dài cả ở tầm quốc gia, ở doanh nghiệp. Theo ông Dũng, để góp phần giải quyết vấn đề này, không chỉ có sự nỗ lực của các cơ quan quản lý, các doanh nhân, doanh nghiệp mà còn cần sự chung sức vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.

Tại diễn đàn, các diễn giả là các chuyên gia kinh tế, đại diện lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp đã trao đổi suy nghĩ, kinh nghiệm giúp cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau dịch Covid-19. Cùng với đó, là những ý kiến, đề xuất đóng góp với Đảng, Nhà nước về các giải pháp khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế hậu Covid-19, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự lực, tự cường, phát triển bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế.

TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đưa ra lời khuyên: Các doanh nhân, doanh nghiệp trong đầu phải nhớ 8 chữ: Cơ hội - Kết nối - Sáng tạo - Quản trị. Tức là tìm kiếm cơ hội kinh doanh từ lợi thế so sánh của doanh nghiệp, của thị trường, của Việt Nam và những cơ hôị từ các cam kết quốc tế, sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự xuất hiện của các lĩnh vực mới, ngành nghề mới. Kết nối với đối tác, kết nối vào chuỗi giá trị kết nối thị trường với tiêu chuẩn cao. Đồng thời, thời đại đang yêu cầu sáng tạo và chuyển động cùng Cách mạng công nghiệp 4.0 và những mô hình kinh doanh mới, lĩnh vực mới. Đặc biệt là cần lưu ý đến nâng cao quản trị, trong đó chú ý quản trị rủi ro.

TS. Cấn Văn Lực chỉ ra những xu hướng thay đổi lớn của kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam trong và sau dịch bệnh. Trong đó, doanh nghiệp cần lưu ý đến xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, xu hướng đầu tư vào những tài sản an toàn hơn, xu hướng M-A tăng lên, xu thế tái cấu trúc lại chuỗi cung, xu thế áp dụng công nghệ và thay đổi cách thức làm việc. Tâm lý và hành vi tiêu dùng đã có sự thay đổi mạnh, mua sắm trực tuyến đã trở thành xu hướng… Các doanh nghiệp cần đổi mới và sáng tạo trong mô hình kinh doanh mới.

Phương Thanh