Sự cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật thuế
16/08/2017 - 15:30

TĐKT - Chiều 15/8, Bộ Tài chính đã họp báo chuyên đề  “Giới thiệu Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên (dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật thuế).

Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính Phạm Đình Thi phát biểu tại buổi họp báo

Tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Phạm Đình Thi đã giới thiệu vắn tắt về sự cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật thuế nhằm đáp ứng các mục tiêu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế, vừa góp phần khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo đó, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật thuế dựa trên những mục đích, quan điểm, nguyên tắc cơ bản sau:

Thứ nhất, thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Nhà nước thông qua việc tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Bộ Chính trị (Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016), Quốc hội (Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016), Chính phủ (Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016), Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6/6/2017) và Chiến lược Cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra.

Thứ hai, cải cách chính sách thuế để đáp ứng, tương thích và phù hợp với những nội dung ưu đãi mà các Luật mới được Quốc hội ban hành như Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật đầu tư, Luật khoáng sản..

Thứ ba, việc sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển; phù hợp với các cam kết quốc tế, với cam kết tại các thỏa thuận và Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia hoặc đang trong quá trình đàm phán để ký kết, tham gia...

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), đơn vị soạn thảo tập trung sửa đổi 7 nội dung, bao gồm 4 nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: chuyển phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT. 3 nội dung sửa đổi nhằm bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu theo Nghị quyết số 07-NQ/TW, trong đó: giảm nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế; nâng mức thuế suất thuế GTGT từ mức 10% lên mức 12%.

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), tập trung sửa đổi 4 nội dung. Trong đó, 1 nội dung sửa đổi nhằm mở rộng cơ sở thu, phù hợp với thông lệ quốc tế, cụ thể là bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% áp dụng từ năm 2019. Trong khi đó, với Luật thuế TNDN, tập trung sửa đổi 08 nội dung, bao gồm 01 nội dung về giảm thuế suất thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để đáp ứng và tương thích với Luật hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14 mới được Quốc hội ban hành.

Tại nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN), tập trung sửa đổi 8 nội dung. Trong đó, 3 nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho cá nhân; 1 nội dung sửa đổi nhằm mở rộng cơ sở thu; 2 nội dung sửa đổi để cải cách thủ tục hành chính; 2 nội dung sửa đổi nhằm thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế.

Cuối cùng, đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế tài nguyên: tập trung sửa đổi 4 nội dung. Việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế tài nguyên để thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan (pháp luật về khoáng sản, pháp luật về điện lực, pháp luật về hải quan) và đảm bảo tính thống nhất của các quy định tại Luật.

Hồng Thiết