Phát triển doanh nghiệp, doanh nhân gắn với phát triển đất nước
12/10/2020 - 09:01

TĐKT – Ngày 9/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới doanh nhân; Diễn đàn doanh nhân 2020 “Doanh nhân Việt Nam - Tổ quốc gọi tên mình” với chủ đề “Đảng với doanh nhân”.

Ngày 13/10/1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời, Bác Hồ đã viết một bức thư đầy tâm huyết gửi cho giới doanh nhân và các doanh nghiệp, động viên họ tham gia tổ chức Công thương cứu quốc đoàn.

Những lời dạy của Bác đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ có trong bức thư lịch sử đó, mà còn thể hiện ở rất nhiều bài nói, bài viết của Người liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân.

GS. Hoàng Chí Bảo kể lại những câu chuyện giản dị mà sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tại chương trình, GS. Hoàng Chí Bảo đã kể lại những câu chuyện giản dị mà sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Hoàng Chí Bảo cho biết: Trong tác phẩm Thường thức Chính trị năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những thành phần kinh tế, có kinh tế tư bản, tư nhân với những vấn đề rất thực tế và cơ bản như “chủ thợ đều có lợi, công tư đều có lợi”. Đây là những nguyên tắc tiến bộ còn nguyên giá trị đối với doanh nhân đến tận ngày hôm nay. Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là một trong những tiền đề cơ bản cho chính sách đổi mới của Đại hội VI của Đảng ta.

Người yêu cầu doanh nhân đẩy mạnh phong trào thi đua trong các doanh nghiệp; sản xuất phải “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, sản xuất phải thực thà, sản xuất hàng hóa tốt cho đồng bào dùng, không nên trưng bày hàng tốt mà bán hàng xấu.

Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, thường xuyên tổng kết những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay để nhân rộng trong cả nước; nhìn ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong quản lý sản xuất...

Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua ngành Thương nghiệp lần thứ nhất, ngày 31/5/1956, Bác Hồ căn dặn cán bộ ngành Thương nghiệp: “Phải tích cực chống lãng phí, tham ô, vì những sai lầm đó có hại cho Nhà nước, cho nhân dân và có hại trực tiếp cho cán bộ, nhân viên; phải thực hành tiết kiệm; quản lý tốt của công; quản lý chặt chẽ thị trường; chống đầu cơ tích trữ, bình ổn vật giá phục vụ nhân dân…”.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết: Đến nay, sau nhiều năm đổi mới, cùng với sự tin yêu và những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển, lớn mạnh, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của đất nước.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại buổi lễ

Hơn 3 thập kỷ qua, thực hiện đường lối của Đảng, dưới sự quản lý của Nhà nước, đất nước ta đã có hàng triệu doanh nhân, đang đứng mũi, chịu sào gần 800.000 doanh nghiệp, 5,4 triệu hộ kinh doanh.

Hiện nay, Việt Nam và thế giới đang trải qua cơn đại dịch thế kỷ COVID-19, một thử thách chưa từng có trong tiền lệ. Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân và sự phấn đấu kiên cường của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam đã thực hiện thành công nhiệm vụ kép: Khống chế được dịch bệnh, đồng thời duy trì tăng trưởng, bảo vệ sinh mạng và sinh kế của người dân. Việt Nam vẫn đang là một điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư theo làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu trong một thế giới đầy bất ổn.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, dù đã có một số doanh nghiệp và thương hiệu được thế giới vinh danh, nhưng chúng ta chưa có được cả một thế hệ các nhà công nghiệp sánh vai với cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Nhiều “đại gia” của Việt Nam cho tới nay, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản và xây dựng… Số làm công nghiệp, công nghệ "make in Việt Nam" chưa nhiều. Tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nền tảng quản trị, công nghệ, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của nhiều doanh nghiệp thấp. Hộ kinh doanh cá thể vẫn là chủ thể phổ biến, chiếm tới 88% tổng số các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế. Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn xếp ở thứ hạng thấp trong khu vực.

Đại hội Đảng lần thứ XIII có nhiệm vụ xác định tầm nhìn 2045, chiến lược 2030 và kế hoạch phát triển cho thời kỳ 2021 -2 025, với khát vọng Việt Nam sẽ hoàn thành công nghiệp hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045, đúng tròn 100 năm chúng ta kỷ niệm ngày đất nước giành được độc lập.

“Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ khơi dậy những động lực mới đưa đất nước sớm đạt tới các mục tiêu này. Muốn "vượt bẫy thu nhập trung bình" phải vượt "bẫy chất lượng thể chế kinh tế trung bình", ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

TS. Vũ Tiến Lộc và đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp, lãnh đạo VCCI đánh trống phát động và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.

Nghị quyết của Đảng sẽ tiếp tục thúc đẩy chủ trương hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, nỗ lực của Đảng ta trong công cuộc phòng ,chống tham nhũng quyết liệt thời gian qua và cũng kỳ vọng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới song hành với những nỗ lực cải cách thể chế kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, an toàn để góp phần giải quyết căn nguyên gốc rễ của tình trạng tham nhũng, tạo nhiều động lực sáng tạo cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam.

Các Nghị quyết của Đảng trong nhiệm kỳ qua đã xác lập một hệ thống chủ trương, chính sách khá đồng bộ cho sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân. Nhưng còn một chủ trương, chính sách cần sự quan tâm của Đảng là chủ trương, chính sách đối với sự phát triển của các hộ kinh doanh cá thể - chiếc nôi của tinh thần khởi nghiệp, nơi sinh kế của hàng chục triệu con người, nơi tạo ra 30% GDP của nền kinh tế, lực lượng chiếm tới 88% tổng số chủ thể kinh doanh ở nước ta. Rất cần một khung khổ pháp lý bình đẳng, minh bạch định vị và làm rõ vai trò và chính sách phát triển của khu vực này trong nền kinh tế đổi mới và hội nhập, phát triển bền vững và bao trùm ở nước ta.

“Cần có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám bứt phá vì lợi ích chung, những người dám phá rào vì đất nước”, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đề nghị.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết, từng lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, đến nay ông đang lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân có niêm yết trên sàn chứng khoán, sản xuất,kinh doanh hiệu quả, báo cáo hiệu quả sản xuất, kinh doanh minh bạch hằng tháng. “Các doanh nghiệp vẫn còn nợ Đảng và Nhà nước nhiều. Tôi tự thấy so với tiềm năng của mình, thực tế doanh nghiệp vẫn chưa đóng được nhiều cho đất nước. Chúng ta cần tiếp tục phát huy khát vọng làm giàu tạo việc làm nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn cho đất nước”.

Mai Thảo