TĐKT - Những năm qua, Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh Ninh Bình đã tổ chức, triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích cực, chủ động góp phần đưa phong trào kinh tế tập thể (KTTT), HTX trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc. Các HTX, tổ hợp tác (THT) có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã xuất hiện thêm nhiều mô hình mới hoạt động hiệu quả. Vai trò của LMHTX tỉnh tiếp tục được khẳng định là nòng cốt trong phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh.
Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình tư vấn, hỗ trợ mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa tại HTX nông nghiệp Liên Dương, Khánh Dương
Theo bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, 5 năm qua (2015 - 2020), mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, các mô hình KTTT trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế xã hội của Ninh Bình; tạo sự chuyển biến mới về chất trong tổ chức, quản lý, nội dung và phương thức hoạt động. Nhiều loại hình kinh tế hợp tác phát triển đa dạng ở các ngành, lĩnh vực kinh tế. Trong đó xuất hiện một số mô hình hoạt động có hiệu quả, gắn bó chặt chẽ với lợi ích vật chất, tinh thần của xã viên.
Xác định được vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, 5 năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng cho cán bộ, thành viên HTX, các đơn vị thành viên, người lao động trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX để thấy rõ thi đua, khen thưởng là động lực phát triển. Qua đó đã kêu gọi cán bộ, nhân viên và đông đảo thành viên, người lao động khu vực KTTT, HTX tích cực tham gia, tạo khí thế thi đua sôi nổi, đạt nhiều kết quả trên mọi lĩnh vực, góp phần khẳng định vị thế của KTTT, HTX trong giai đoạn mới.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng tỉnh Ninh Bình đã thành lập mới 16 HTX và 15 THT, nâng tổng số HTX trên địa bàn tỉnh lên 406, trong đó có 310 HTX lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; 57 HTX lĩnh vực phi nông nghiệp; 39 Quỹ Tín dụng nhân dân; 448 THT.
So với năm 2015, số lượng mô hình KTTT đã tăng lên là 82 HTX và trên 300 THT. Tổng số vốn hoạt động của các HTX là gần 3.800 tỷ đồng, thu hút hơn 330.000 thành viên, giải quyết việc làm cho 4.000 lao động. Doanh thu bình quân ước đạt 2 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân ước đạt 200 triệu đồng/HTX.
Cũng theo đánh giá của bà Tâm, hầu hết các HTX, THT hoạt động khá ổn định và hiệu quả. Thời gian gần đây, doanh thu và lợi nhuận có biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 như lĩnh vực vận tải, HTX chế biến, xuất khẩu nông sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ…
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND, của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh, hầu hết các HTX đã cơ bản khắc phục khó khăn, làm tốt vai trò phục vụ thành viên. Nhiều mô hình HTX đã chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư mở rộng quy mô, trang bị máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều việc làm mới, doanh thu và thu nhập của thành viên, người lao động năm sau luôn cao hơn năm trước.
Điển hình như: HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm Nhật Minh; HTX Sinh Dược; HTX rau an toàn Đại Hoàng; HTX dê Ninh Bình; HTX Hoa cây cảnh Tam Điệp; HTX nông sản và du lịch Ninh Bình…
Bên cạnh đó, với vai trò là tổ chức đại diện cho HTX, Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình đã chủ động tham mưu, phối hợp tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển KTTT và các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến tích cực cho KTTT, HTX.
Đồng thời, phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất trong các khối HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp, gắn các nhiệm vụ, chỉ tiêu của HTX với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương như phong trào thi đua lao động sản xuất gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, Liên hiệp HTX; gắn phong trào thi đua lao động sản xuất, kinh doanh giỏi với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình cũng xác định khu vực kinh tế hợp tác, HTX còn gặp nhiều khó khăn như năng lực tài chính yếu, khả năng cạnh tranh thấp, quản trị hạn chế, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn. Một số HTX nông nghiệp có quy mô nhỏ, diện tích canh tác ít do đô thị hóa. Các HTX chuyên ngành, phi nông nghiệp năng lực tài chính hạn chế, khả năng phát triển chậm, chưa thích ứng kịp trong nền kinh tế thị trường.
Việc liên doanh, liên kết trong nội bộ HTX, giữa các HTX với nhau và với các doanh nghiệp chưa mang lại nhiều hiệu quả, chưa thể hiện rõ nét vai trò hỗ trợ thành viên. Đặc biệt do tác động của dịch bệnh Covid-19, doanh thu của các HTX lĩnh vực du lịch, vận tải, tiểu thủ công nghiệp và các HTX tham gia hoạt động xuất khẩu hàng hóa, nông sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Để giúp các HTX khắc phục được những khó khăn, hạn chế này, thời gian tới Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình sẽ đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển KTTT theo phương châm tích cực nhưng vững chắc; xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã viên; khơi dậy ý thức tự chủ, tự vươn lên của các tổ chức KTTT gắn với nhu cầu thị trường.”- bà Tâm cho biết.
Tùng Chi