TĐKT - Năm 2020 là năm kinh tế thế giới và trong nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của thiên tai, lũ lụt và đặc biệt là dịch bệnh Covid-19. Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực thực hiện và hoàn thành mục tiêu kép về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn phát biểu
Kết quả, hệ thống pháp luật về hải quan liên tục được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện, kịp thời. Luật Hải quan sửa đổi (2014) được Quốc hội thông qua đã đặt nền tảng cho việc đổi mới toàn diện hoạt động hải quan, tạo cơ sở pháp lý để áp dụng phương thức quản lý hải quan hiện đại trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ.
Riêng thủ tục hành chính được thực hiện bằng phương thức điện tử trên hệ thống VNACCS/VCIS tiên tiến hàng đầu thế giới (do Nhật Bản tài trợ) tại 100% các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, 100% các Chi cục Hải quan trên cả nước, 100% các loại hình hải quan cơ bản. Với 99,56% tổng số doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan, đạt 99,32% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và hơn 99,63% tổng số tờ khai hải quan trên cả nước; cơ sở dữ liệu được xử lý tập trung tại cấp Tổng cục Hải quan.
Việc triển khai toàn diện thủ tục hải quan điện tử đã tạo ra bước cải cách đột phá cho hoạt động xuất nhập khẩu, thời gian làm thủ tục hải quan được rút gắn thông qua việc tiếp nhận thông tin tờ khai hải quan và phản hồi kết quả phân luồng tờ khai trong vòng 1-3 giây. Qua đó, giúp giảm thiểu chứng từ, giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan.
Theo báo cáo chỉ số chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (APCI 2018), nhóm thủ tục hành chính hải quan nằm trong nhóm chi phí tuân thủ thấp (xếp hạng 3 trong 8 nhóm thủ tục hành chính), bằng 28% (3,53 triệu đồng) chi phí tuân thủ của cả 8 nhóm thủ tục hành chính (xấp xỉ 12,7 triệu đồng).
Việc triển khai thực hiện Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu do Tổng cục Hải quan chủ trì sẽ góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, giảm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa. Việc đổi mới phương thức kiểm tra của đề án theo đánh giá độc lập của tổ chức USAID sẽ giúp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm tiết kiệm chi phí trong một năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD).
Trong đó, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN: Đã làm thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành; Việt Nam cũng là một trong 5 quốc gia đầu tiên chính thức trao đổi thông tin xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu D thông qua ASW với 4 quốc gia trong khu vực là Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Tính đến ngày 31/12/2020, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 207 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai, với xấp xỉ 3,55 triệu hồ sơ của hơn 43,8 nghìn doanh nghiệp.
Theo các báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh công bố trong các năm từ 2018 - 2020, các chỉ số thành phần về chi phí và thời gian trong chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam tiếp tục được duy trì. Như vậy, so với công bố của WB năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD. Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2020, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu).
Công tác thu ngân sách của ngành Hải quan đã cải cách toàn diện thủ tục thu nộp thuế và lệ phí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, chuyển từ nộp thuế, lệ phí thủ công sang nộp thuế lệ phí điện tử, giúp doanh nghiệp nộp thuế mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, giảm mạnh thời gian và chi phí để thực hiện thủ tục nộp thuế. Tỷ lệ doanh nghiệp xuất nhập khẩu nộp thuế điện tử qua ngân hàng đạt gần 100% với số thu ngân sách bằng phương thức điện tử chiếm trên 98,4% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan. Năm 2020, với sự nỗ lực và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kết quả thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tính đến ngày 31/12/2020 đạt 317.090 tỷ đồng, bằng 93,8% dự toán thu NSNN, bằng 105,7% (317.090/300.000 tỷ đồng) số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, giảm 8,7 % so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn cho biết, trong thời gian tới, với mục tiêu xây dựng, phát triển Hải quan Việt Nam định hướng đến năm 2030 với mô hình quản lý hiện đại, thông minh, ứng dụng tối đa công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hợp pháp, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích của quốc gia.
Tổng cục Hải quan sẽ triển khai mạnh mẽ các giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ công tác trọng tâm: Thứ nhất, hoàn thành xây dựng, triển khai quản lý hải quan hiện đại tập trung gồm các thành tố hệ thống thể chế hiện đại, đồng bộ; hệ thống quy trình nghiệp vụ đơn giản, hài hòa; hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin và trang thiết bị thông minh; hệ thống tổ chức bộ máy tinh gọn, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan đồng bộ, phù hợp các chuẩn mực, cam kết, thông lệ quốc tế, bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình quản lý hải quan hiện đại.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống quy trình thủ tục hải quan theo hướng đơn giản, hài hòa, tăng cường tự động hóa các quy trình thủ tục; tập trung hóa, hiện đại hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; giảm tỷ lệ can thiệp; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả kiểm soát biên giới, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy, chất nổ, vũ khí qua biên giới.
Thứ năm, hoàn thành xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin điện tử thông minh; từng bước hoàn thành xây dựng hải quan số, với mức độ tập trung, tự động hóa cao, tích hợp vào một hệ thống duy nhất, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đảm bảo quản lý hải quan hiệu quả, xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa, phương tiện vận tải xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Thứ sáu, đổi mới tổ chức bộ máy hải quan phù hợp với yêu cầu triển khai mô hình quản lý hải quan hiện đại tập trung, có cơ cấu gọn nhẹ, giảm đầu mối trung gian.
Có thể khẳng định, ngành Hải quan đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược 448/QĐ-TTg, thực hiện tốt nhiệm vụ hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011-2020.
Bước sang năm 2021, bên cạnh các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của toàn ngành định hướng đến năm 2030, Tổng cục Hải quan sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: Thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN; công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại và các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa để rút ngắn thời gian, chi phí thông quan hàng hóa; làm tốt và hiệu quả hơn công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại và hàng giả, tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ trong công tác này. Đồng thời, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng lực lượng hải quan chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả.
Hồng Thiết