TĐKT - Ngày 1/9, tại Hà Nội, Liên minh tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu (GATF) đã tổ chức Hội nghị toàn thể dự án bảo lãnh thông quan. Đây là chương trình hỗ trợ chỉ đạo của Chính phủ trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính xuất, nhập khẩu và hỗ trợ Việt Nam triển khai Hiệp định tạo thuận lợi Thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tại Hội nghị, Liên minh tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu công bố một số dự án đột phá nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật với hậu thuẫn của WTO cho Tổng Cục Hải quan Việt Nam, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm của Bộ Tài chính và các bộ, ngành tham gia quản lý lĩnh vực thương mại ở Việt Nam. Dự án hỗ trợ có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài đến từ các quốc gia thành viên của WTO để giúp Việt Nam hiện đại hóa và cải cách thủ tục thương mại liên quan đến xuất nhập khẩu.
Dự án cũng bao gồm các điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp lý và quản lý; hỗ trợ vận hành và công nghệ thông tin cho hệ thống Hải quan điện tử VNACCS/VCIS và các hỗ trợ khác trong nghiên cứu và triển khai một hệ thống bảo lãnh thông quan hiện đại.
Đặc biệt, dự án sẽ hướng đến việc xây dựng một cơ chế cho phép các bộ ngành tham gia vào công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu áp dụng được các phương pháp quản lý rủi ro hiện đại và các thông lệ quốc tế tốt nhất, phối hợp với những quy trình thủ tục được xây dựng và triển khai bởi Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính Việt Nam.
Các đề xuất của dự án đều được lấy ý kiến từ các hiệp hội doanh nghiệp tham gia GATF tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2016 và được tiếp nhận bởi Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính vừa được kiện toàn của Thủ tướng Chính phủ. Vào ngày 18/8/2017, Văn phòng Chính phủ đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất triển khai giai đoạn đầu tiên của dự án.
Được biết, GATF là một tổ chức đối tác công – tư bao gồm: Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Phòng Thương mại Quốc tế và Trung tâm Doanh nghiệp tư nhân quốc tế… Ngoài ra, GATF còn nhận được hỗ trợ từng phần từ các chính phủ Australia, Canada, Đức, Anh và Mỹ. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và cũng là quốc gia đang phát triển đầu tiên trên thế giới được lựa chọn bởi các quốc gia tài trợ trong WTO để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật này theo Hiệp định tạo thuận lợi Thương mại của WTO.
Hồng Thiết