TĐKT - Sáng 18/8, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông qua Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội (CSIE) cùng với các đối tác gồm có Hội đồng Anh Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC), Trung tâm Pháp - Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG) tổ chức Hội thảo Quốc tế “Đổi mới, Sáng tạo và Khởi nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững: 5 năm nhìn lại và tầm nhìn phía trước”. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo là diễn đàn thảo luận giữa các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức hỗ trợ, ươm tạo, thúc đẩy, các nhà đầu tư, các giảng viên, sinh viên quan tâm, để phát triển các khuyến nghị, kiến nghị nhằm phát triển hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gắn với phát triển bền vững, tạo nền tảng cho đối tác 4 nhà (Nhà nước, nhà nghiên cứu-giảng viên, doanh nghiệp và tổ chức xã hội dân sự) trở nên hiệu quả hơn trong tương lai.
Hội thảo hướng tới mục tiêu: Chia sẻ và học hỏi các mô hình, phương pháp nghiên cứu về đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; phân tích và đánh giá thực trạng của hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học, hệ sinh thái hỗ trợ sáng tạo xã hội - doanh nghiệp xã hội; học tập kinh nghiệm quốc tế trong phát triển đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp và doanh nghiệp xã hội.
Tại phiên thảo luận toàn thể vào ngày 18/8, các diễn giả chính của hội thảo đã trình bày tổng quan về bối cảnh khởi nghiệp và sáng tạo của Việt Nam: TS. Phạm Hồng Quất, Cục Trưởng, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ, Bộ Khoa học - Công nghệ với chủ đề “Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam: chặng đường 5 năm nhìn lại” , Nhóm nghiên cứu Hội đồng Anh trình bày nội dung “Sáng tạo xã hội trong các trường đại học Việt Nam” và PGS. TS. Trương Thị Nam Thắng, đại diện nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Quốc dân với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp xã hội đối với phát triển xã hội Việt Nam.
Hàng trăm các nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách, đại diện doanh nghiệp, các nghiên cứu sinh, nhà nghiên cứu trẻ đã tham gia viết bài tham luận tại Hội thảo và tham gia trình bày tại 6 phiên thảo luận song song bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt trên nền tảng công nghệ hàng đầu cho các chương trình đào tạo từ xa và hội nghị trực tuyến QUICKOM theo các chủ đề: Doanh nghiệp xã hội với phát triển xã hội Việt Nam …
Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là từ khoá của Việt Nam từ năm 2016 đến nay, được thể hiện trong Chiến lược phát triển quốc gia, trong các đề án Chính phủ, của các bộ, sở, ban, ngành, địa phương, trong hoạt động phát triển quốc tế, trong ươm tạo, kết nối đầu tư, thu hút đầu tư, trong các trường đại học và trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy. Bên cạnh đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của Quốc gia có mục tiêu cuối cùng là phát triển bền vững, dựa trên ba trụ cột: Kinh tế - xã hội và môi trường.
Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo tạo tác động xã hội (impact startup) là một trụ cột ưu tiên của Đề án 844 – Bộ Khoa học và Công nghệ (Đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia), thúc đẩy sáng tạo xã hội, khởi nghiệp vì xã hội cũng là một trong ba trụ cột của Đề án 1665 - Bộ Giáo dục và Đào tạo (Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp).
Đã qua 5 năm kể từ khi Chương trình Quốc gia Khởi nghiệp (2016-2020) của Chính Phủ, 5 năm kể từ Luật Doanh nghiệp điều chỉnh với định nghĩa về doanh nghiệp xã hội ra đời (2015 - 2020), 2 năm kể từ khi khởi nghiệp xã hội bắt đầu được triển khai rộng rãi vào hệ thống các trường đại học Việt Nam thông qua Đề án 1665. Năm 2020 là thời điểm tốt để nhìn lại thành tựu, những thành công và chưa thành công trong nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo tại Việt Nam từ cấp độ quốc gia, đến các ngành, các địa phương, trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, ươm tạo cũng như khu vực doanh nghiệp, đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội nói chung.
Phương Thanh