TĐKT - Sáng 19/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị bàn giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017.
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá kết quả cũng như tồn tại, khó khăn và đưa ra định hướng, giải pháp cho công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản 2017, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và thực hiện thành công Nghị quyết số 36/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Toàn cảnh Hội nghị
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Việt Nam được đánh giá là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật; cùng đó là đa dạng về cảnh quan tự nhiên, sinh thái và nguồn lợi hải sản, đóng vai trò quan trọng cho hoạt động khai thác hải sản, phát triển ngành kinh tế biển nói chung, kinh tế thủy sản nói riêng.
Đến nay, tổng diện tích vùng biển thuộc các khu bảo tồn đã đi vào hoạt động là 133.766 ha (11/16 khu), tương ứng 0,134% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam, đạt 55,8% so với mục tiêu được phê duyệt.
Năm 2019, trên cả nước có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản với quy mô lớn, tổng số giống thủy sản được thả xuống các thủy vực tự nhiên là 91,3 triệu con gấp hơn 2 lần so với năm 2018. Công tác phục hồi hệ sinh thái và bảo vệ môi trường sống các loài thủy sản cũng được quan tâm...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định: Trong những năm qua ngành thủy sản đã phát triển tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu có giá trị kinh tế cao đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: Sự suy giảm nguồn lợi thủy sản ở cả vùng biển và vùng nội địa; ô nhiễm rác thải nhựa, môi trường nước, môi trường sống của các loài thủy sản do sự phát triển của một số ngành kinh tế (công nghiệp, du lịch…); suy thoái hệ sinh thái thủy sinh như: Hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái cỏ biển…
Chính vì vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nếu không có tư duy đúng về bảo tồn biển sẽ phải gánh chịu hậu quả lớn. Việc Luật Thủy sản năm 2017 được Quốc hội thông qua được đánh giá là bước ngoặt lớn trong việc định hướng, các giải pháp cho bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới.
Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, ông Lê Trần Nguyên Hùng - Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản đề ra một số giải pháp: Tổ chức nghiên cứu, xây dựng chính sách thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chính sách về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản theo quy định pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thủy sản; trong đó tập trung tuyên truyền đối với các cá nhân, tổ chức được giao quản lý nguồn lợi thủy sản, người dân làm nghề khai thác thủy sản tự nhiên, đặc biệt là những người dân làm nghề khai thác thủy sản trái phép như xung điện, chất nổ, chất độc, giã cào.
Tổ chức cho ngư dân ký cam kết tuân thủ quy định pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chủ cơ sở thu mua, chế biến, kinh doanh thủy sản cam kết không buôn bán, nuôi nhốt các loài thủy sinh nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Song song với đó, cần tăng cường đào tạo cán bộ có chuyên môn nhằm kiện toàn hệ thống kiểm ngư, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đồng bộ từ trung ương đến địa phương…
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm bảo vệ và nâng cao hiệu quả quản lý các khu bảo tồn biển. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trực tiếp là Tổng cục Thủy sản cần xây dựng một đề án huy động nguồn lực từ Chính phủ, hợp tác quốc tế để “quản lý hiệu quả và mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển 2030, Luật Thủy sản năm 2017.
Cùng với đó, tiến hành đánh giá đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái trong các khu bảo tồn biển; triển khai thử nghiệm nghề cá giải trí trong các khu bảo tồn biển; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển ở cấp quốc gia; quản lý du lịch bền vững trong khu bảo tồn; xây dựng và thực hiện dự án “Giảm thiểu và xử lý rác thải nhựa trong các Khu bảo tồn biển Việt Nam”…
Phương Thanh