*Bà Lê Thị Thu hỏi: Những tiêu chuẩn để xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật hiện nay được Nhà nước quy định như thế nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng trả lời bà như sau:
Theo Điều 9, tiêu chuẩn xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật, Nghị định số 133/2018/NĐ-CP, ngày 1/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2014/NĐ-CP, ngày 29/9/2014 của Chính phủ “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật quy định:
Tác giả được xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” phải có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
1. Đối với những tác phẩm, công trình được công bố, sử dụng từ năm 1993 trở về trước:
a) Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
b) Có giá trị đặc biệt xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật.
2. Đối với những tác phẩm, công trình được công bố, sử dụng sau năm 1993:
a) Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
b) Có giá trị đặc biệt xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật: Đã được tặng giải Vàng, giải A, giải Nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hoặc giải thưởng cao nhất của Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật quốc tế có uy tín.
*Ông Trần Tiến Bình hỏi: Trách nhiệm của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp bộ, cấp tỉnh; công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng hiện nay được Nhà nước quy định như thế nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng trả lời ông như sau:
Theo Điều 11, Điều 12 của Thông tư số 12/2019/TT-BNV ngày 4 tháng 11 năm 2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng nêu rõ:
*Về trách nhiệm của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp bộ, cấp tỉnh:
1. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp bộ, cấp tỉnh có trách nhiệm giúp người đứng đầu đánh giá phạm vi ảnh hưởng đối với thành tích của tập thể, cá nhân trong toàn quốc; trong bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc trong ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.
2. Cơ quan thường trực Hội đồng có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch Hội đồng tổ chức họp Hội đồng. Hội đồng họp khi có ít nhất 2/3 thành viên tham dự. Chủ tịch Hội đồng chủ trì hội nghị hoặc ủy quyền cho 1 Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì. Chủ tịch Hội đồng thực hiện bỏ phiếu như các thành viên khác.
3. Cơ quan thường trực Hội đồng xin ý kiến các thành viên vắng mặt bằng văn bản, tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Hội đồng; hoàn thiện Biên bản họp Hội đồng và hồ sơ đề nghị khen thưởng theo quy định.
*Về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ:
1. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương
a) Xây dựng kế hoạch hàng năm về nội dung chương trình tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về thi đua, khen thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước.
b) Chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, ban, ngành, tỉnh tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về thi đua, khen thưởng.
2. Cơ quan chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng
a) Xây dựng kế hoạch và nội dung chương trình để tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng thuộc thẩm quyền quản lý.
b) Cử cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng thuộc thẩm quyền quản lý tham gia đầy đủ các hội nghị tập huấn nghiệp vụ do Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức.
*Ông Vũ Văn Kiên hỏi: Việc khen thưởng quá trình cống hiến; khen thưởng tổ chức, cá nhân thuộc các tổ chức tôn giáo; khen thưởng doanh nghiệp hiện nay được Nhà nước quy định ra sao?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng trả lời ông như sau:
Theo Điều 10 của Thông tư số 12/2019/TT-BNV ngày 4 tháng 11 năm 2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng nêu rõ:
1. Khen thưởng quá trình cống hiến
a) Bộ, ban, ngành, tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước khen thưởng quá trình cống hiến cho cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn khi có thông báo nghỉ hưu.
b) Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương xin ý kiến Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước khen thưởng.
2. Khen thưởng tổ chức, cá nhân thuộc các tổ chức tôn giáo
a) Việc khen thưởng tổ chức, cá nhân thuộc trung ương các giáo hội do cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo (Bộ Nội vụ) trình Thủ tướng Chính phủ.
b) Tổ chức, cá nhân thuộc giáo hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ.
c) Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương xin ý kiến các cơ quan có liên quan về tôn giáo; xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ xét, khen thưởng hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước khen thưởng.
3. Khen thưởng đối với doanh nghiệp
a) Việc đề nghị các hình thức khen thưởng đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước và Luật Kiểm toán độc lập phải có báo cáo kết quả kiểm toán của cơ quan kiểm toán có thẩm quyền trong thời gian 5 năm trước thời điểm đề nghị khen thưởng. Đối với doanh nghiệp không thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm toán trong báo cáo thành tích phải nêu căn cứ không thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm toán.
Đối với doanh nghiệp đề nghị tăng “Cờ thi đua của Chính phủ” thuộc đối tượng kiểm toán phải có báo cáo kết quả kiểm toán (nếu chưa có báo cáo kết quả kiểm toán thì sau khi có kết quả kiểm toán thực hiện trình khen thưởng theo quy định).
b) Tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp hoạt động tại nơi đặt trụ sở giao dịch chính do người đứng đầu doanh nghiệp khen thưởng hoặc đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở giao dịch chính khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.
Đơn vị thành viên của doanh nghiệp, nhưng hạch toán độc lập và thực hiện nghĩa vụ ở địa phương nơi không đóng trụ sở giao dịch chính do người đứng đầu khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc cấp giấy phép thành lập và hoạt động khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.
c) Trường hợp tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp có thành tích đóng góp cho địa phương ngoài nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tập thể, cá nhân lập được thành tích khen thưởng theo thẩm quyền.
*Bà Hoàng Hà hỏi: Những nội dung của phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19", bao gồm những nội dung gì?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng trả lời bà như sau:
Theo Quyết định số 1497/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19" nêu rõ:
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hưởng ứng, triển khai các phong trào thi đua đặc biệt với chủ đề, nội dung phù hợp, tạo động lực khích lệ, động viên các tập thể, cá nhân tích cực tham gia thi đua đẩy lùi sự bùng phát của dịch bệnh, duy trì và thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh và an toàn xã hội; chăm lo đời sống, sức khỏe nhân dân, tập trung thi đua thực hiện các nội dung chủ yếu sau:
1. Thi đua thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt mạnh mẽ và hiệu quả các giải pháp, tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát tốt hơn đại dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống đại dịch.
2. Thi đua phát huy sáng kiến, giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, cung ứng hàng hóa, xuất nhập khẩu... thúc đẩy tăng năng suất lao động và hiệu quả công tác, huy động các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống đại dịch, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
3. Thi đua đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục có biện pháp thiết thực, cụ thể hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động, nhất là ở vùng có dịch vượt qua khó khăn trong đại dịch.
4. Thi đua giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; chủ động đấu tranh với các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước lợi dụng tình hình đại dịch để gây rối, chống phá.
5. Thi đua triển khai hiệu quả, an toàn Chiến lược vắc xin phòng Covid-19 nhằm đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống đại dịch, trong hoạt động “ngoại giao vắc xin”, tiếp cận bình đẳng trong cung cấp vắc xin, nhất là với đối tác, bạn bè truyền thống, các tổ chức quốc tế có tiềm lực về nghiên cứu khoa học kỹ thuật, ứng dụng y khoa trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp vắc xin. Thi đua xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất vắc xin trong nước.
6. Thi đua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19; tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu, tin tưởng, thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp triển khai.