Tấm lòng lương thiện của một người phụ nữ bình dị
22/11/2019 - 20:22

TĐKT - Tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Thương ở đường Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội, chúng tôi được người dân nơi đây niềm nở, hướng dẫn rất nhiệt tình. Thoạt đầu, mới nghe chị giới thiệu về việc mình kinh doanh tại nhà nên có nhiều mối quan hệ nhưng sau khi đến đây, chúng tôi mới nhận ra rằng: Chị và gia đình được nhiều người biết đến vì đã làm nhiều việc tốt từ lâu, xứng đáng với danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2019 mà TP Hà Nội đã trao tặng.

Bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị vẫn bảo những đóng góp của mình rất nhỏ bé, chưa có gì đáng để được ca ngợi. Bởi vậy, để được nghe câu chuyện tình người tuy bình dị mà đầy sự nhân đạo, chúng tôi đã rất kì công thuyết phục chị và chồng chia sẻ về những nghĩa cử cao đẹp ấy để mọi người có cơ hội được biết đến một tấm gương lương thiện trong xã hội hiện đại, sẵn sàng giúp đỡ người không ruột rà, máu mủ để giữ lấy mạng sống cho họ. Tấm lòng nhân ái này hoàn toàn xứng đáng được nêu gương để lan tỏa ra cộng đồng, xã hội, để mọi người học tập, noi theo.

Theo lời chị Thương, hai vợ chồng chị vốn là bộ đội từng công tác tại Bộ Tư lệnh Công binh. Thế nhưng, với đồng lương eo hẹp, lại phải chật vật nuôi con ở một thành phố lớn đắt đỏ, anh chị quyết định xin về kinh doanh nhằm cải thiện mức sống trong gia đình. Tại đây, với công việc của mình, anh chị thường xuyên tiếp xúc với nhiều khách hàng và hiểu về số phận của họ thông qua những lần trò chuyện, thăm hỏi.

Chị Nguyễn Thị Thương tại Hội nghị biểu dương Người tốt, việc tốt năm 2019

Vốn là khách hàng thân thiết của quán chị Thương, ông Bình - một người đàn ông ngoài 60 tuổi là lao động tự do có hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi gia đình tan vỡ, một mình phải nuôi mẹ già trong căn nhà đi thuê chật hẹp, đã được vợ chồng chị cho vay 10 triệu đồng để trang trải cuộc sống.

Thế nhưng, do tuổi già sức yếu, ông bất ngờ bị tai biến phải nhập viện khi trong nhà không có vật dụng nào đáng kể để chạy chữa. Đến chiếc xe máy là phương tiện đi lại duy nhất cũng phải bán đi để lo cho ông vào viện.

Vốn có lòng thương người, chị đã bàn với chồng kêu gọi những ai có lòng hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ để ông vượt qua cơn bạo bệnh. Để mọi người tin theo, gia đình chị đã ủng hộ trước 1 triệu đồng. Từ đó, cứ hễ có khách đến mua hàng là chỗ thân quen, chị đều vận động để gây quỹ từ thiện cho ông. Hiểu được tấm lòng của chị, nhiều người đã nhiệt tình hưởng ứng theo.

Sau vài ngày, số tiền quyên góp đã lên tới hơn 11 triệu đồng, vợ chồng chị Thương vội mang ngay ra bệnh viện để ông Bình được chữa trị kịp thời. May nhờ số tiền đó cùng với sự tận tâm hết lòng vì người bệnh của bác sĩ mà ông Bình đã vượt qua cơn bạo bệnh.

Sau khi trở về từ bệnh viện, tuy bệnh của ông Bình có thuyên giảm nhưng vẫn để lại những di chứng lớn. Bệnh tật, nghèo khó, lại không có người chăm sóc, ông Bình càng rơi vào sự khó khăn, túng quẫn.

Biết ông không thể lao động để kiếm sống được nữa, chị Thương cùng chồng vẫn giúp đỡ ông trong khả năng của mình. Khi thì biếu ông chút tiền để mua thuốc thang, lúc lại mua cây giò, giỏ trứng hay chút hoa quả... để ông tẩm bổ.

Chị tâm sự: “Gia đình tôi không giàu nhưng thấy hoàn cảnh những người khó khăn hơn mình, tôi không đành lòng nhìn họ tuyệt vọng trong đói nghèo. Chỉ cần giúp được ai trong khả năng của mình là tôi cùng người thân sẽ vận động mọi người cùng chung tay giúp đỡ”.

Vì thế, chị Thương còn là một thành viên tích cực của Tổ Tâm thiện thuộc tổ dân phố 10, phường Khương Đình. Hàng tháng, chị đều đóng góp vào tổ một số tiền để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, người bị bệnh hiểm nghèo hoặc ốm đau, hoạn nạn. Nhờ có những người có tấm lòng lương thiện như chị, Tổ Tâm thiện nơi chị tham gia trong 3 năm qua đã tặng hơn 50 suất quà và tham gia cứu trợ đột xuất đối với vùng bị thiên tai lũ cuốn như huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình… số tiền gần 50 triệu đồng.

Với những người hay đi bán hàng rong, chị Thương thường mua ủng hộ những trường hợp thực sự khó khăn, bởi với chị, tình thương phải đặt đúng chỗ mới có thể giúp đỡ được những số phận thiệt thòi, để họ biết vượt lên số phận, sống có ích trong cộng đồng, xã hội.

Chị Thương chuẩn bị thực phẩm mang đến biếu ông Bình với mong muốn ông sớm hồi phục

Chị chia sẻ: “Gia đình tôi vốn có truyền thống thương người như thể thương thân. Mẹ chồng tôi cũng là một thành viên tích cực của Tổ Tâm thiện. Tuy đã lớn tuổi nhưng bà vẫn thường xuyên tham gia vận động quyên góp để ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn hay đến dọn dẹp ngôi chùa của phường khi chưa có sư sãi”.

Chị kể: Có lần, thấy một người hàng xóm bị bệnh nặng nhưng không có tiền chữa bệnh, mẹ chồng chị đã cùng tổ trưởng tổ dân phố không quản đêm hôm vất vả, đến từng gia đình vận động ủng hộ để người đó được đến bệnh viện chữa trị. Nhìn thấy tấm gương của mẹ, chị đã thầm nhủ sẽ cố gắng giúp đỡ những số phận thiệt thòi trong khả năng của mình để cuộc sống thêm tốt đẹp hơn.

Nối tiếp tấm lòng lương thiện của mẹ, con gái lớn của chị năm nay học lớp 12 đã sớm có ý thức được ý nghĩa từ những việc làm thiện nguyện ấy. Bởi vậy, em luôn có tinh thần tự lập từ rất sớm và nhiệt tình tham gia các hoạt động thiện nguyện của nhà trường và địa phương, noi gương mẹ và bà.

Hơn 20 năm rời công việc nhà nước để lo toan cho gia đình, chị Thương dường như rất ngại xuất hiện trước đám đông, nhất là khi nghe tin mình được đề cử danh hiệu “Người tốt, việc tốt” của thành phố năm nay. Đứng trước một hội trường có quá đông người và được tuyên dương bởi việc làm từ thiện của mình, chị vừa hồi hộp, vừa tự hào với những việc tốt mà mình đã làm được.

Danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố này sẽ là nguồn động viên lớn lao để chị tiếp tục có nhiều nghĩa cử, việc làm cao đẹp hơn nữa để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Dù là một người phụ nữ bình dị, quanh năm ở nhà để chăm lo cho gia đình nhưng những việc làm của chị Nguyễn Thị Thương thật khiến cho nhiều người ngưỡng mộ. Chị xứng đáng là tấm gương sáng về tinh thần tương thân, tương ái để mọi người cùng noi theo.

Mai Thảo