Người phụ nữ 2 lần được tuyên dương “Người tốt, việc tốt”
29/03/2021 - 15:00

TĐKT - Điều kiện kinh tế dư dả đi làm từ thiện, tích cực vì cộng đồng đã là một điều đáng quý. Nhưng đối với người phụ nữ không có lương hưu, chồng lại là thương binh nặng mà vẫn dành hết tâm sức, tình cảm vì cộng đồng thì quả thực là điều đáng nể phục vô cùng.

Người phụ nữ ấy là bà Đào Thị Thạc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Tổ trưởng Tổ dân phố số 6, khu dân cư số 3, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

Bà tổ trưởng “miệng nói, tay làm”

Chúng tôi gặp bà Thạc vào một ngày mùa thu tháng 10 năm 2020 trong căn nhà có diện tích chừng 60 mét vuông. Bà bảo, đây là ngôi nhà mà hai vợ chồng ông bà tích góp mua lại khi quyết định rời quê hương Hải Phòng lên Hà Nội sinh sống năm 1996 để thuận tiện cho việc học hành của 4 người con. Giờ đây, nó lại là nơi ở của vợ chồng ông bà cùng gia đình người con trai út.

Bà Thạc chia sẻ: “Trước đây tôi công tác trong ngành lương thực, sau đó nhận trợ cấp một lần rồi về hưu. Còn chồng tôi là thương binh nặng, hạng ¾, bị nhiễm chất độc da cam”.

Năm 1996, khi cả 3 người con đều lần lượt thi đỗ đại học ở Hà Nội, ông bà quyết định bán căn nhà cũ ở phường Ngô Quyền (TP Hải Phòng) để lên Hà Nội sinh sống, thuận tiện cho việc học hành của các con.

Bà Đào Thị Thạc tặng quà cho gia đình có công với cách mạng nhân ngày Quốc khánh 2/9

Về nơi ở mới sinh sống với đầy rẫy những khó khăn chốn thị thành nhưng không vì thế mà lòng nhiệt tình của bà vơi cạn. Năng nổ với hoạt động đoàn thể ở nơi cư trú, bà được người dân tín nhiệm bầu làm Tổ phó, rồi Tổ trưởng Tổ dân phố số 6, khu dân cư số 3.

Tổ dân phố số 6 có 252 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu. Khi bà Đào Thị Thạc mới nhận nhiệm vụ làm tổ trưởng dân phố, tình hình các mặt công tác, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh, vệ sinh môi trường, trật tự trị an, an toàn xã hội trên địa bàn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Bà đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND phường Kim Giang, trực tiếp là Chi bộ và Ban công tác Mặt trận khu dân cư số 3, cùng với cách làm việc khoa học, sát việc, gần dân, khiêm tốn, bà được người dân ủng hộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trên địa bàn.

“Để người dân hưởng ứng, ủng hộ thì mình phải là người gương mẫu, trách nhiệm, miệng nói, tay làm”, bà Thạc chia sẻ. Dù đã ở tuổi ngoài 60 nhưng hầu như buổi sáng nào, bà Thạc cũng tay chổi, tay xô đi dọn các tụ điểm hay để rác trộm trong đêm, rồi bóc, xóa các tờ quảng cáo, rao vặt. Những gia đình thuê nhà để sản xuất kinh doanh thường lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi sản xuất, kinh doanh, bà luôn kiên trì tuyên truyền, giải thích, động viên để họ tự giác thu dọn hàng hóa, trả lại vỉa hè. Việc làm cụ thể gương mẫu của bà đã lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân trong Tổ dân phố số 6 và được các tổ dân phố khác noi theo.

Quyết tâm xây dựng Tổ dân phố văn hóa “5 không”

Tham gia công tác ở địa phương ở nhiều vai trò như Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, đại biểu Hội đồng nhân dân phường Kim Giang, tổ trưởng dân phố, việc nào bà Đào Thị Thạc cũng hoàn thành tốt nhưng nổi trội hơn cả là những đóng góp ở vai trò tổ trưởng dân phố. Đến nay, Tổ dân phố số 6 đã trở thành tổ đạt thành tích toàn diện của phường Kim Giang.

Bà Đào Thị Thạc (thứ 3 từ trái sang) được UBND quận Thanh Xuân khen thưởng về thành tích thực hiện mô hình Tổ dân phố văn hóa “5 không” năm 2019

Năm 2019, UBND quận Thanh Xuân triển khai mô hình Tổ dân phố văn hóa “5 không” với các tiêu chí trên địa bàn không có rác thải; không phát sinh mới về tệ nạn xã hội; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không vi phạm trật tự xây dựng; không còn hộ nghèo. Tại phường Kim Giang, Tổ dân phố số 6 được lựa chọn thí điểm mô hình này.

Trước đây, trên địa bàn Tổ dân phố số 6 xuất hiện nhiều điểm chân rác khó giải quyết, khi được chọn làm điểm mô hình “5 không”, tổ đã giao trách nhiệm đến hệ thống chính trị khu dân cư trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Từ việc trước đây chỉ làm vệ sinh trên địa bàn vào sáng thứ 7, khi thực hiện mô hình “5 không”, ngày nào người dân cũng tích cực tham gia vệ sinh môi trường. Các tuyến phố, ngõ, ngách được quét dọn thu gom sạch sẽ, tạo cảnh quan sạch đẹp, không để tồn đọng rác thải, đã xóa bỏ được hoàn toàn tụ điểm chân rác. Mô hình “5 không” được người dân hưởng ứng đã lan rộng sang các tổ dân phố khác trên địa bàn phường.

 “Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nên tổ thuận lợi trong việc triển khai các tiêu chí mô hình. Trên địa bàn không còn hộ nghèo, bà con trong tổ luôn tự giác vệ sinh đường phố, làm sạch quảng cáo, rao vặt… Tuy nhiên, vấn đề lấn chiếm lòng đường, vỉa hè xảy ra do cuộc sống mưu sinh của người dân, nên chúng tôi luôn phải sát sao, nhắc nhở, tuyên truyền để người dân thực hiện đúng quy định” – bà Thạc chia sẻ.

Không chỉ là người tổ trưởng gương mẫu, trách nhiệm, bà còn tích cực đóng góp, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ công tác nhân đạo từ thiện; phối hợp với Chi ủy, Ban Công tác mặt trận giúp đỡ 1 cháu mắc tệ nạn xã hội trở thành người tốt, được kết nạp vào Đảng và tham gia công tác tại địa phương. Với những đóng góp trên bà đã được UBND TP Hà Nội 2 lần tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2018 và năm 2020.

Ngọc Linh