Hết lòng chăm sóc sức khỏe nhân dân
12/08/2024 - 12:55

BTĐKT – Hơn một thập kỷ gắn bó với Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện đa khoa Vân Đình (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội), bác sĩ Nguyễn Đắc Duy luôn tận tâm với nghề y. Để có thể chăm sóc và điều trị tốt nhất cho người bệnh, anh không ngừng nỗ lực trau dồi và nâng cao trình độ chuyên môn; đồng thời làm chủ nhiều kỹ thuật y học mới, tiên tiến, góp phần mang lại sự sống và thắp sáng hi vọng cho nhiều người bệnh.

Vốn sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Ứng Hòa – một huyện ngoại thành ở Hà Nội, nên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y Hải Phòng năm 2013, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Đắc Duy đã lựa chọn về công tác tại một đơn vị y tế ở quê nhà, nhằm góp sức xây dựng quê hương.

May mắn được làm việc đúng với chuyên ngành mình yêu thích - Hồi sức Cấp cứu (HSCC), Duy có nhiều thuận lợi và chuyên tâm phát triển. Vừa làm, Duy vừa tranh thủ học và hoàn thành chương trình bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành HSCC tại Trường Đại học Y Hà Nội trong vòng 2 năm (2016 – 2018). Đến năm 2019, với chuyên môn vững vàng và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, bác sĩ Duy được bổ nhiệm làm Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc; sau đó được lãnh đạo bệnh viện tin tưởng giao phụ trách khoa từ tháng 11/2022. Đến tháng 6/2024, bác sĩ Duy chính thức được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc của Bệnh viện đa khoa Vân Đình.

Bác sĩ Duy đang thăm khám cho bệnh nhân sau can thiệp bằng kỹ thuật “Điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết”

Trong quá trình công tác, với vai trò là người đứng đầu khoa, bác sĩ Duy cùng tập thể khoa Hồi sức tích cực và chống độc đã thực hiện xuất sắc công tác hồi sức cấp cứu, điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng và phức tạp mà không cần chuyển tuyến trên.

Các y bác sĩ trong khoa đã thành thạo nhiều kỹ thuật, thủ thuật trong hồi sức cấp cứu như: Thở máy, đặt nội khí quản, mở khí quản, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, dẫn lưu dịch màng tim, mở màng phổi… Điều trị thành công nhiều ca bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện nặng từ tuyến trên chuyển về, thở máy dài ngày.

Bác sĩ Duy cùng tập thể khoa không ngừng phát triển các kỹ thuật mới như: Xét nghiệm khí máu động mạch, đặt catheter động mạch đo huyết áp xâm lấn, đặc biệt là kỹ thuật “Điều trị nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch”, giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong và hồi phục chức năng thần kinh tốt nhất cho bệnh nhân.

Kể lại một trong những lần cứu sống bệnh nhân trong gang tấc, bác sĩ Duy cho biết: Đó là lần thực hiện cấp cứu thành công cho một nữ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết, vừa diễn ra vào đầu tháng 7/2024.

Bệnh nhân là bà Đ.T.H (50 tuổi, ở La Đồng, Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) có tiền sử nhịp chậm nhiều năm, được người nhà đưa đến bệnh viện khám trong tình trạng liệt hoàn toàn 1/2 người trái, điểm NIHSS 8 điểm và được chẩn đoán đột quỵ não do nhồi máu não giờ thứ nhất.

Ngay lập tức, ê-kíp bác sĩ của bệnh viện đã nhanh chóng kích hoạt quy trình báo động đỏ, tiến hành cấp cứu trong giờ vàng và dùng thuốc tiêu sợi huyết để can thiệp cấp cứu cho người bệnh. Sau cấp cứu, người bệnh tỉnh táo và vận động bình thường. Hiện, bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn và trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Được biết, bà Đ.T.H không phải là bệnh nhân bị nhồi máu não cấp duy nhất được các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Vân Đình cứu sống kịp thời bằng phương pháp sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Thời gian qua, đã có 4 ca bệnh bị đột quỵ nhồi máu não cấp đến trong khung giờ vàng (<4.5 giờ) khác cũng đã được các y, bác sĩ của bệnh viện điều trị thành công nhờ áp dụng thực hiện kỹ thuật điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết.

Là người trực tiếp thực hiện kỹ thuật, đồng thời theo dõi, điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân sau can thiệp tới khi ra viện, bác sĩ Nguyễn Đắc Duy cho rằng: “Đối với bệnh nhân đột quỵ não, phát hiện và được can thiệp càng sớm thì tỷ lệ hồi phục càng cao, giúp hạn chế tỷ lệ tử vong cũng như tàn phế. Trong khi Bệnh viện đa khoa Vân Đình là bệnh viện hạng II trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, cách khá xa trung tâm Thủ đô. Trước đây khi bệnh viện chưa làm chủ được kỹ thuật điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết, người bệnh phải chuyển gấp đi tuyến trên Hà Nội, mất thêm nhiều thời gian, đôi khi mất đi cơ hội vàng. Chính vì vậy, việc áp dụng kỹ thuật này đã mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng, giúp nhiều bệnh nhân bị đột quỵ có cơ hội hồi phục tốt hơn, giảm thiểu gánh nặng cho gia đình và xã hội.”

Tập thể Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện đa khoa Vân Đình

Bác sĩ Duy cho rằng, với sự phát triển không ngừng của xã hội, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao, việc chủ động nghiên cứu, học hỏi và áp dụng, làm chủ các kỹ thuật y khoa tiên tiến là rất cần thiết đối với những người khoác áo bờ - lu trắng. Đó cũng là cách người thầy thuốc có thể hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân; đồng thời giúp khẳng định chất lượng và uy tín của cơ sở y tế khám chữa bệnh – nơi mình đang công tác.

Vì vậy, hàng ngày, bên cạnh làm tốt công tác chuyên môn, bác sĩ Duy còn rất tích cực nghiên cứu khoa học, từng bảo vệ thành công nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở trong các năm 2019, 2022. Anh còn hướng dẫn cho nhiều bác sĩ tập sự, tập huấn kiến thức HSCC cho cán bộ trong toàn bệnh viện khi được giao nhiệm vụ.

Với vai trò lãnh đạo, bác sĩ Duy còn tổ chức hoạt động của khoa theo đúng quy chế, luôn gương mẫu, đương đầu với các ca bệnh khó, giúp đỡ đồng nghiệp khi gặp khó khăn. Anh luôn động viên mọi người cố gắng làm việc tỉ mỉ trong chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân.

Anh thường nhấn mạnh với cán bộ, y bác sĩ trong Khoa Hồi sức tích cực và chống độc rằng: Khoa là nơi thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân hầu hết là bệnh nhân nặng, có nguy cơ tử vong cao, nên tất cả các y, bác sĩ phải luôn cố gắng hết mình, coi người bệnh như người thân để chăm sóc và điều trị, cố gắng hết sức để giúp họ vượt qua bạo bệnh và sớm được trở về với gia đình và cộng đồng.

Bằng năng lực chuyên môn sâu và sự tận tâm của mình, bác sĩ Duy đã lan tỏa tinh thần trách nhiệm cũng như đạo đức nghề y trong sáng đến tập thể cán bộ, y, bác sĩ trong Khoa Hồi sức tích cực và chống độc nói riêng và trong toàn bệnh viện nói chung.

Dưới sự dẫn dắt của anh, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc không ngừng phát triển. Đến nay, Khoa có tổng số 27 cán bộ, trong đó có 11 bác sĩ và 17 điều dưỡng. Khoa được trang bị hệ thống máy móc hiện đại như máy thở, máy điện tim, máy sốc điện, máy bơm tiêm điện, máy truyền dịch, máy siêu âm, hệ thống oxy trung tâm… nhằm phục vụ công tác cấp cứu và điều trị cho người bệnh. Với phương châm “Nỗ lực tới cùng”, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc luôn đặt người bệnh là trung tâm. Khoa đã điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng như: Sốc, suy hô hấp, suy đa cơ quan, suy thận cấp, suy gan, hôn mê, nhiễm trùng huyết, ngộ độc cấp, đột quỵ …, chuyển tuyến kịp thời những ca bệnh nặng vượt quá khả năng. Qua đó, tạo niềm tin cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và góp phần nâng cao uy tín của bệnh viện, xứng đáng là khoa mũi nhọn trung tâm của Bệnh viện đa khoa Vân Đình.

Mai Thảo