Hà Nội quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”
10/04/2020 - 17:05

TĐKT - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, Hà Nội phấn đấu để giảm thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 ở mức thấp nhất và tăng trưởng ở mức cao hơn cả nước 1,3%.

Công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giải ngân đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự, an toàn xã hội ứng phó với dịch Covid-19 vào sáng 10/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, cần song hành việc tập trung nguồn lực, thời gian cho công tác tác phòng, chống dịch với bảo đảm vận hành thông suốt hệ thống chính trị, chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại kinh tế, đồng thời tìm những dư địa để duy trì tăng trưởng như Thủ tướng đã nói khi tình hình dịch bệnh ổn định thì “nền kinh tế sẽ bật mạnh như lò xo nén lâu ngày”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Hà Nội đã quyết liệt trong công tác phòng chống dịch, có các giải pháp kịp thời và rất sắc bén

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: “Hà Nội cam kết với Thủ tướng, Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ, ngành trung ương trên địa bàn để triển khai quyết liệt, kịp thời, công khai, minh bạch và đúng đối tượng các chính sách mà Chính phủ, Thủ tướng ban hành”, Bí thư Thành ủy khẳng định.

Về tình hình kinh tế - xã hội Hà Nội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, quý I/2020, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng của Thủ đô vẫn đạt 3,72%; ngân sách nhà nước đạt khoảng 72.600 tỷ, bằng 26,5% tổng dự toán.

Về nông nghiệp, năm nay, thành phố quyết tâm đạt tăng trưởng 4,04%, trên cơ sở tái đàn lợn nâng lên 1,8 triệu con; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, tái cơ cấu lại ngành trồng trọt; giảm diện tích trồng hoa và tăng diện tích trồng rau củ quả; rà soát sử dụng tối đa, triệt để các đất đai chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả.

Đầu năm nay, Hà Nội đã chuyển 650 tỷ đồng ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai cho vay vốn, giải quyết việc làm, thúc đẩy nông thôn phát triển và các công trình hạ tầng khác, bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp đề ra.

Các lĩnh vực khác như thực phẩm, sản xuất thiết bị y tế, ngành công nghệ thông tin liên quan đến 4.0… Hà Nội cũng đang đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, đối với các kịch bản tăng trưởng, Hà Nội phấn đấu để giảm thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 ở mức thấp nhất và phấn đấu tăng trưởng ở mức cao hơn cả nước là 1,3%; bảo đảm cân đối thu chi ngân sách.

Hà Nội nêu kiến nghị, đề xuất “xác đáng”

Để có thể đạt được “mục tiêu kép”, tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã kiến nghị một số vấn đề để tháo gỡ những vướng mắc ở Thủ đô, nhằm đảm bảo phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Những kiến nghị của Hà Nội rất xác đáng”.

Cụ thể, tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, sớm đưa vào hoạt động của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng như một số dự án trọng điểm về giao thông khác.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng như đã áp dụng ở TP Hồ Chí Minh thực hiện.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị trực tuyến

Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị định sửa đổi Nghị định 63 về một số cơ chế tài chính đặc thù cho thủ đô, tạo điều kiện để đẩy nhanh phát triển kinh tế và kết cấu hạ tầng trong thời gian tới…

Đề nghị Chính phủ cho phép Hà Nội lựa chọn một số các công trình lớn và cấp bách liên quan đến y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, giao thông… được lựa chọn nhà đầu tư theo Điều 26 của Luật Đấu thầu, trên cơ sở có thể kiểm toán, rà soát, thẩm định trước dự toán và cắt giảm khoảng 5-7% chi phí dự toán để đẩy nhanh tiến độ.

Đáng chú ý, tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề xuất Chính phủ xem xét tổ chức Hội nghị giáo dục và đào tạo để tập trung giải quyết hai nội dung: Cho ý kiến nhất quán và cập nhật liên quan đến rút ngắn thời gian và chương trình về tổ chức học tập, đánh giá kết quả học trong điều kiện thực tiễn hiện nay, điều kiện thi... bởi đây là vấn đề liên quan đến hàng triệu học sinh và giáo viên.

Bên cạnh đó, theo Bí thư Thành ủy Vương Định Huệ, cần nghiên cứu để có những chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục, giáo viên, nhất là các cơ sở giáo dục công lập hiện nay đã thực hiện tự chủ tài chính thì rất khó khăn do nguồn thu bị sụt giảm và đặc biệt là các lĩnh vực y tế và giáo dục sự nghiệp ngoài công lập.

Bí thư Thành ủy Hà Nội dẫn chứng, ở thành phố, riêng hệ thống giáo dục ngoài công lập của Hà Nội có 46.000 người bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

“Hà Nội sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng và sẽ triển khai quyết liệt, thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chung tay chia sẻ khó khăn với cả nước để đảm bảo mức tăng trưởng và an sinh xã hội theo những chỉ tiêu của Chính phủ và Thủ tướng đặt ra” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các bộ, ngành, địa phương, trong đó Hà Nội, Hải Phòng đã quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, có các giải pháp kịp thời và rất sắc bén. Thủ tướng nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, khi sự lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn ra ở một số nơi, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội một cách nghiêm túc. “Việc chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong giai đoạn hiện nay”. Bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội để ổn định cuộc sống, tái sản xuất sức lao động cho người dân có ý nghĩa quan trọng. Không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ bị âm trong phát triển.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình thực hiện, chống nguy cơ đầu cơ nâng giá, tìm thị trường mới, biến "nguy" thành "cơ". Sau dịch Covid-19, làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.

Hưng Vũ