Dành cả cuộc đời cho sự nghiệp chữa bệnh, cứu người
21/10/2019 - 11:44

TĐKT - Hơn 50 năm gắn bó với sự nghiệp y học, nguyên Trưởng khoa Thần kinh và Tinh thần, Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam, GS. TS, bác sĩ Lê Đức Hinh đã luôn tiên phong trong việc nghiên cứu các bệnh về thần kinh và đặc biệt là bệnh “Viêm não Nhật Bản”, giành lại sự sống cho nhiều người từ lưỡi hái tử thần, xứng đáng với với lời dặn của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”.

Chiến sĩ khoác áo blouse

Tốt nghiệp khóa 2, Đại học Y Hà Nội chuyên khoa thần kinh và tâm thần học, chàng trai đến từ Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội - Lê Đức Hinh được phân về làm việc tại khoa tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai năm 1962 dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ từ bác sĩ Nguyễn Quốc Ánh – người từ Pháp trở về để phụng sự Tổ quốc theo tiếng gọi của Bác Hồ.

Qua quá trình làm việc và tự tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, bác sĩ Lê Đức Hinh đã được bệnh viện và trường Đại học Y Hà Nội tin tưởng giao nhiệm vụ vừa khám chữa bệnh, vừa tiến hành giảng dạy cho các sinh viên của trường đến thực tập tại bệnh viện.

GS. TS, bác sĩ Lê Đức Hinh dù tuổi đã cao nhưng vẫn không ngừng làm việc và nghiên cứu, cập nhật các kiến thức y học

Trong những năm 1966 – 1968, khi Hà Nội bị giặc Mỹ leo thang bắn phá ác liệt, bác sĩ Lê Đức Hinh đã xung phong tham gia vào đội cấp cứu phòng không, cứ hễ có người bị thương là ông lại cùng đồng đội vội vã lên đường để cứu sống những nạn nhân đáng thương trong chiến tranh bị giặc Mỹ sát hại.

Cũng trong thời gian đó, nhận thấy bệnh viêm não Nhật Bản đã gây ra nhiều cái chết thương tâm cho trẻ em, ông luôn nung nấu quyết tâm tìm ra phương án chữa trị dứt điểm căn bệnh quái ác này.

Được sự chỉ định của Bộ Y tế cùng sự tin tưởng của thầy Nguyễn Quốc Ánh, bác sĩ Lê Đức Hinh đã được mở phòng khám chữa trị căn bệnh nguy hiểm đó cho trẻ em. Từ đó, ông quyết tâm nghiên cứu, để tìm ra cách chữa trị nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong và thương tật cho bệnh nhân khi mắc bệnh này. Đây cũng chính là đề tài luận văn tiến sĩ của ông được bảo vệ năm 1989, đưa nền y học của Việt Nam bước sang một trang mới.

Cũng trong những năm chiến tranh ác liệt ấy, bằng sức trẻ và tinh thần yêu nước mãnh liệt của mình, ông đã xung phong theo các đoàn bác sĩ vào Tân Kỳ (Nghệ An) để khám, chữa bệnh cho đồng bào Vĩnh Linh (Quảng Trị) đi sơ tán; đưa sinh viên vào chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị để thực hiện nhiệm vụ cứu người trong chiến tranh...

Nhớ lại những ngày cùng đồng bào và học trò sinh hoạt, học tập, làm việc và chiến đấu trong những căn hầm bí mật ở chiến trường, bác sĩ Hinh không khỏi bồi hồi, xót xa khi chứng kiến những cảnh tang thương, chết chóc trong chiến tranh. Từ đó, ông càng có thêm quyết tâm chữa bệnh cứu người để nối dài thêm sự sống cho nhân dân.

Không quá khoa trương, càng không đánh giá quá cao bản thân, bác sĩ Lê Đức Hinh cho rằng niềm hạnh phúc lớn nhất của một bác sĩ chính là cứu sống được bệnh nhân. Nếu bất lực nhìn cái chết đau đớn đến với họ, người thầy thuốc như ông luôn cảm thấy có lỗi và phải không ngừng cố gắng hơn nữa để xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

Thầy thuốc của nhân dân

Dù là thời chiến hay thời bình, bác sĩ Lê Hữu Hinh luôn say sưa, nghiêm túc với việc nghiên cứu các phương án chữa bệnh cứu người. Là một thành viên tích cực của Ủy ban Giám sát bại liệt toàn quốc, ông đã cùng với 4 bác sĩ khác đã đi khắp cả nước để chữa trị cho những bệnh nhân bị mắc bệnh bại liệt. Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi ấy của ông và đồng nghiệp, bệnh bại liệt đã hoàn toàn được thanh toán tại Việt Nam năm 2000.

Cùng với đó, ông đã tham gia rất nhiều các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế tại những cường quốc y tế như: Cuba, Mỹ, Phần Lan, Bỉ, Trung Quốc,... liên quan đến những chuyên ngành về y khoa nhằm tăng cường kỹ năng chuyên môn và nhận được nhiều điều bổ ích, bổ sung thêm lượng kiến thức cần thiết để phục vụ cho công việc của mình.

Từ các chuyến đi này, bác sĩ Hinh đã nhận được sự ngưỡng mộ và quan tâm đặc biệt của bạn bè quốc tế và dành cho y học Việt Nam nói chung, tâm thần học nói riêng. Năm 2011, ông đã được Vương quốc Anh tặng danh hiệu “Chuyên gia y tế thế giới ở cấp lãnh đạo”. Hiện nay, ông là người Việt Nam duy nhất trở thành thành viên của Liên đoàn Thần kinh học thế giới và có công lớn trong việc đưa Việt Nam gia nhập tổ chức này.

Bên cạnh đó, bác sĩ Lê Đức Hinh còn đảm nhiệm vai trò là giáo sư giảng dạy tại trường Đại học Y Hà Nội, Viện Nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng 108, giám định viên của Hội đồng Giám định y khoa Trung ương, thành viên Hội Thần kinh và phẫu thuật Thần kinh Cuba, Hội Thần kinh học Pháp, Tổ chức quốc tế Nghiên cứu não cùng các tổ chức y tế trong nước khác.

http://thiduakhenthuongvn.org.vn/sites/files/cduutu1.png

GS. TS, bác sĩ Lê Đức Hinh (thứ 5 từ phải sang) được tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019

Đồng thời, bác sĩ Lê Đức Hinh còn là người chủ biên nhiều cuốn sách y học có giá trị thực tiễn cao như: “Thần kinh học trẻ em”, “Dinh dưỡng liên quan đến bệnh lý thần kinh”, “Sổ tay Hội chứng bệnh thần kinh”, Bệnh Parkinson”, “Thần kinh học lâm sàng”, “Nhiễm khuẩn hệ thần kinh”, “ Chẩn đoán và điều trị các cơn co giật”... Đây được xem là những tài liệu y học quý giá cho những thế hệ bác sĩ trẻ, phục vụ cho quá trình học tập và làm việc của mình. Đồng thời, giúp người bệnh có cái nhìn khách quan, chính xác về tình trạng bệnh của mình để có hướng điều trị phù hợp, hiệu quả.

Mặc dù bận rộn với công việc, ông vẫn dành thời gian khám, chữa bệnh cho bệnh nhân có nhu cầu tại các bệnh viện đa khoa trên địa bàn Hà Nội. Với trình độ chuyên môn cao cùng cái tâm với nghề, bác sĩ Lê Đức Hinh đã nhận được sự tin tưởng và yêu mến của người dân cả nước đến khám, chữa bệnh.

Ông cho biết: “Là bác sĩ, việc hết lòng chữa bệnh cứu người và dồn tâm sức vào công tác đào tạo thế hệ trẻ là những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bởi vậy, tôi luôn nhắc nhở bản thân phải không ngừng hoàn thiện và bổ sung những kiến thức chuyên ngành mới để phục vụ cho công việc của mình. Theo tôi, thầy thuốc chân chính là người biết gieo hy vọng vào sự sống cho người khác chứ không nhất thiết phải mở phòng khám từ thiện như nhiều đồng nghiệp khác”.

Xen kẽ giữa cuộc trò chuyện của chúng tôi là những cuộc điện thoại gọi đến từ những bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân từng được bác sĩ Hinh khám, chữa bệnh mong muốn được bác sĩ tư vấn điều trị hoặc báo tin vui cho ông về sự tiến triển tốt của sức khỏe người bệnh.

Được hỏi về cảm xúc của mình khi vinh dự được tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019, bác sĩ Lê Đức Hinh không giấu nổi sự xúc động: “Tôi cảm thấy rất tự hào. Đây có lẽ là niềm động viên lớn nhất trong suốt hơn 50 năm gắn bó với sự nghiệp thầy thuốc của tôi cũng như ngành thần kinh học của nước nhà”.

Sau cuộc trò chuyện với ông, người thầy thuốc luôn tạo cho người đối diện cảm giác an tâm và lạc quan ấy, mỗi người trong chúng tôi thầm biết ơn ông cũng như những bác sĩ đã dành cả đời mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hy vọng rằng, ông sẽ có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục có những cống hiến to lớn cho nền y học nước nhà ngày một phát triển hơn nữa.

Thục Anh