Viện Nghiên cứu Cơ khí kỷ niệm 60 năm thành lập
06/07/2022 - 15:32

TĐKT - Sáng 6/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Viện Nghiên cứu Cơ khí đón nhận Cờ thi đua của Bộ Công Thương

Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) tiền thân là Viện Thiết kế Chế tạo Cơ khí được thành lập ngày 6/7/1962. Chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, NARIME đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, không ngừng nỗ lực đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trong suốt hành trình ấy, Viện luôn khẳng định vai trò tiên phong thực hiện đường lối cơ khí hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng – Nhà nước và đã tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, trở thành đơn vị đầu ngành về công tác nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa, có nhiều đóng góp trong việc đặt nền móng và tạo các bước đột phá cho sự phát triển ngành Cơ khí nước nhà.

Từ một đơn vị thiết kế, giai đoạn đầu chỉ là cung cấp thiết kế để chế tạo một số công cụ sản xuất, lấy mẫu một số máy công cụ, động cơ điện, máy bơm nước phục vụ nông nghiệp…, sau đó cao hơn là lấy mẫu để chế tạo một số thiết bị, dây chuyền thiết bị cơ khí cho ngành dệt, cho các nhà máy mía đường, nhà máy xi măng lò đứng, đến nay, Viện đã phát triển vượt bậc, được đánh giá là tổ chức nghiên cứu khoa học hàng đầu, đủ năng lực đảm nhận tư vấn, thiết kế, năng lực tổng thầu những công trình lớn cho các chương trình kinh tế trọng điểm của đất nước. NARIME đã góp phần cùng ngành Cơ khí Việt Nam đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong chương trình nội địa hóa thiết bị cho các ngành công nghiệp. Viện đã đi đầu về công nghệ và hoàn toàn làm chủ thiết kế thiết bị cơ khí thủy công, cung cấp cho hàng chục công trình thủy điện, trong đó có 02 dự án lớn nhất Việt Nam là thủy điện Lai Châu công suất 1200 MW và thủy điện Sơn La công suất 2400 MW. Sự thành công của các dự án đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành Cơ khí trong nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các dự án.

Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí ôn lại truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển của Viện

Viện cũng đã từng bước làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị lọc bụi tĩnh điện, thiết bị thải tro xỉ, thiết bị bốc dỡ và vận chuyển than, thiết bị khử lưu huỳnh… cho các nhà máy: nhiệt điện, xi măng, luyện thép có lưu lượng phát thải bất kỳ.

Trong ngành công nghiệp bô xít, Viện đã làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cho 02 dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ với hệ thống vận chuyển băng tải đồng bộ cùng chiều dài 4,9km, công suất 720 tấn/h và tham gia thực hiện thành công tổng thầu EPCM cho 02 dự án, khẳng định khả năng có thể đảm nhận vai trò tổng thầu trong đầu tư mở rộng, đầu tư mới các dự án tương tự.

Hiện nay, Viện cũng là đơn vị có uy tín tại Việt Nam trong lĩnh vực tích hợp hệ thống, tính toán, thiết kế, viết chương trình điều khiển, cung cấp, đào tạo, đưa vào vận hành nhiều hệ thống tự động hóa cho các công đoạn hay toàn bộ nhà máy giấy, xi măng, thủy điện và nhiệt điện.

Thực hiện phương châm gắn chặt các hoạt động nghiên cứu với các chương trình kinh tế xã hội, trung bình mỗi năm Viện thực hiện khoảng 7 đến 12 đề tài/nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp, cùng hàng trăm công bố khoa học trong và ngoài nước. Các đề tài do Viện thực hiện đã đáp ứng mục tiêu nội địa hóa, tiết kiệm ngoại tệ, tránh phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài, chủ động trong kế hoạch sản xuất. Rất nhiều đề tài sau khi thực hiện triển khai áp dụng vào các công trình, nhà máy, cơ sở sản xuất có hiệu quả lớn và được đánh giá cao…

Qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học, với các kết quả nghiên cứu được đưa vào thực tiễn sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hoạt động của Viện đã có tác động trực tiếp đến chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam, đáp ứng kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ các chương trình kinh tế trọng điểm của đất nước. Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, Viện đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ chủ quản tặng nhiều danh hiệu cao quý, như Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba; các Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì và Ba, và nhiều Bằng khen, Giấy khen…

Tại Lễ kỷ niệm, Viện vinh dự đón nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công Thương.  Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội tặng giấy khen cho Đảng bộ Viện đạt tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Công đoàn Công Thương Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc cho Công đoàn Viện.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, với 60 năm xây dựng và phát triển, cho tới thời điểm hiện tại, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã khẳng định vị trí và đóng góp không nhỏ của mình trong hoạt động khoa học và công nghệ nói riêng và phát triển lĩnh vực cơ khí nói chung.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, những khó khăn, thách thức là không nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập toàn cầu cùng với sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng những công nghệ mới từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ mới trong công tác nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa.

Trong bối cảnh hiện nay, mỗi cá nhân, từng đơn vị trong Viện cần phải nhận thức sâu sắc và nỗ lực phát huy những kết quả đạt được, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo để tranh thủ cơ hội và khắc phục khó khăn, chủ động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo đó phải xác định, mọi hoạt động khoa học và công nghệ phải gắn với sản xuất; đề tài nghiên cứu, nhiệm vụ tư vấn và các dịch vụ chuyên môn phải bắt nguồn trước hết từ yêu cầu của thực tiễn và nhanh nhất trở lại phục vụ sản xuất; mối quan hệ hợp tác giữa Viện với các doanh nghiệp, gắn bó bằng những lợi ích chính đáng của các bên và theo những nguyên tắc của cơ chế thị trường…

Phương Thanh