TĐKT - Không chỉ mạnh dạn tìm ra lối đi riêng cho mình, anh Lưu Đức Lập, Giám đốc Công ty TNHH Agri Đức Tiến, Ủy viên BCH Đoàn thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng còn là nhân tố tích cực đồng hành cùng hoạt động khởi nghiệp của nhiều thanh niên.
Khởi nghiệp
Anh Lập sinh ra trong một gia đình dân tộc Tày và lớn lên từ vùng đất Đức Trọng - Lâm Đồng. Quê hương anh là nơi có truyền thống và kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp; cùng với ưu thế lớn về thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu và vị trí địa lý đầu mối giao thông, trung tâm thương mại của tỉnh có khả năng liên kết các huyện trong tỉnh cũng như khu vực trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo công nghệ cao rau, củ, quả, hoa cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Năm 2013, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, với mong muốn có được công việc ổn định và cuộc sống được nâng lên, anh Lập nhận thấy được những lo âu, vất vả của người nông dân trồng nông sản khi được mùa thì mất giá, mất mùa thì được giá. Sự trưởng thành từ môi trường quân ngũ giúp anh nhận thấy bản thân cần có trách nhiệm phải là trụ cột trong phát triển kinh tế gia đình, sau nữa góp phần xây dựng quê hương; mang sức trẻ để tìm ra hướng đi, tìm ra cách làm mới, cách làm sáng tạo để khắc phục được những thực trạng bất cập đang diễn ra khi đó.
Anh Lưu Đức Lập, Giám đốc Công ty TNHH Agri Đức Tiến, Ủy viên BCH Đoàn thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng
Suy nghĩ của anh lúc bấy giờ là làm cách nào để đưa nông sản của gia đình và của bà con huyện Đức Trọng đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả, nhanh chóng, đảm bảo được chất lượng và chi phí hợp lý đối với mọi đối tượng cũng như tìm được nguồn tiêu thụ thường xuyên cho bà con nông dân. Cũng từ đây, anh bắt đầu tìm kiếm những đối tác khắp các vùng miền Bắc, Trung, Nam để hiểu rõ nhu cầu tiêu thụ nông sản, đặc sản kết nối đầu ra cho sản phẩm. Sau nhiều chuyến khảo sát thị trường, anh quyết định khởi nghiệp bằng việc xây dựng tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Anh Lập nhớ lại: Thời gian đầu, anh liên tục đi đến các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh để tận tay giới thiệu những đặc sản của Lâm Đồng tới những nhà hàng, quán ăn, cửa hàng thực phẩm, đặc biệt là một số siêu thị lớn. Cùng với đó, anh tranh thủ thời gian chuẩn bị quỹ đất, giấy tờ liên kết, nghiên cứu quy trình, tiêu chuẩn sản xuất, sơ chế, đóng gói vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm VIETGAP để có một nơi hướng dẫn quy trình sản xuất và tập trung nguyên liệu thu, mua cho bà con nông dân, gia đình và tạo sự liên kết với người trồng cũng như tạo niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm.
Anh cho biết, thời điểm năm 2015 - 2016, anh chỉ quảng bá được 3 đến 4 sản phẩm cụ thể (khoai lang, su su, cà chua, cà rốt) để có được thị trường và một khoản thu nhập giải quyết các vấn đề về sơ chế, đóng gói, vận chuyển làm sao chất lượng tốt nhất đến đối tác và người tiêu dùng. Sau khi tạo được niềm tin cho khách hàng về chất lượng sản phẩm, anh bắt đầu mở rộng thị trường, cung cấp nhiều loại nông sản hơn; vận động các hộ gia đình tham gia vào tổ liên kết, đồng thời thay đổi phương thức sản xuất mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Năm 2016, sản phẩm của tổ liên kết được đưa vào siêu thị Bách Hóa Xanh và dần dần có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị lớn như Big C, CoopMart… tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Với mong muốn mở rộng thị trường, anh mạnh dạn chia sẻ cũng như tìm kiếm sự đồng cảm từ đối tác, bạn hàng cũng như bà con nông dân để cùng nhau tạo ra được giá trị cụ thể: Số lượng rau, củ, quả đến tay khách hàng, bạn hàng tăng theo cấp số nhân, mỗi ngày từ 1 đến 2 tấn, về sau 5 đến 7 tấn, đỉnh điểm 10 đến 15 tấn/ngày với trên dưới 10 sản phẩm rau củ quả các loại và được ghi nhận, tin tưởng từ đối tác và người tiêu dùng.
Từ năm 2018 – 2019, anh và tổ hợp tác đã có một số sản phẩm chất lượng cung cấp ra thị trường, tạo tiền đề đến cuối năm 2019 thành lập doanh nghiệp mang tên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Agri Đức Tiến.
Hiện tại, doanh nghiệp của anh đã có hơn 60 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ, tạo việc làm cho thanh niên trong địa phương, thu nhập bình quân đầu người từ 6 triệu đến 12 triệu đồng. Công ty tổ chức hoạt động các khâu: Trồng trọt, sản xuất, thu mua, đóng gói, vận chuyển.
Lưu lập Đức đầu tiên từ trái qua nhận danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác do Tỉnh đoàn Lâm Đồng trao tặng
Với những nỗ lực đó, trong giai đoạn 2019 - 2020, anh vinh dự được Đảng và Nhà nước và đoàn thể trung ương, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận và tôn vinh bằng nhiều hình thức. Anh là 1 trong 10 thanh niên tiêu biểu toàn quốc được dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; là cá nhân được tặng Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng năm 2020; đại biểu của Đại hội Tài năng trẻ năm 2020; Thanh niên nông thôn tiêu biểu trong lĩnh vực lao động sản xuất, top 86 Doanh nhân trẻ Khởi nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam năm 2021.
Đồng hành
Từ những trải nghiệm mà bản thân đã trải qua trên chặng đường khởi nghiệp của mình, anh luôn tâm nguyện cần làm một điều gì đó để giúp đỡ các bạn trẻ tỉnh nhà khởi nghiệp. Do đó, trong những năm qua, anh cùng tổ chức đoàn địa phương và Tỉnh đoàn đã cùng nhau hỗ trợ thanh niên địa phương qua các hoạt động hướng dẫn các bạn trẻ chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp; kết nối bạn trẻ khởi nghiệp trong tỉnh để hỗ trợ liên kết, giúp đỡ nhau; tài trợ giải thưởng cho các ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ thông qua cuộc thi của tỉnh; hỗ trợ chương trình thanh niên khởi nghiệp của Tỉnh Đoàn…
Tuy nhiên, anh vẫn mong muốn rằng phong trào khởi nghiệp của tỉnh Lâm Đồng phải mạnh hơn nữa, lan tỏa hơn nữa. Anh cho rằng, UBND tỉnh, các cơ quan, tổ chức, các hội, đoàn thể trong thời gian tới cần tổ chức thêm nhiều hơn nữa các hoạt động đồng hành, hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương. Tổ chức các hoạt động tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp; tổ chức kết nối mentor; kết nối ý tưởng, dự án khởi nghiệp khả thi với các nhà đầu tư tiềm năng… Bên cạnh đó, thường xuyên nắm bắt nguyện vọng của các doanh nghiệp trẻ, đặc biệt là thanh niên khởi nghiệp để có chính sách, giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Cần có chính sách hỗ trợ, tài trợ vốn linh hoạt, dễ tiếp cận cho các dự án khởi nghiệp.
Đặc biệt, đối với các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp, lập nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, anh Lập mong muốn các bạn có những ý tưởng mới, đột phá về các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương, tập trung chuyên môn học hỏi kiến thức, tìm hiểu kỹ lĩnh vực mình đang muốn hướng tới.
“Thông qua Đoàn Thanh niên cơ sở cũng như tổ chức Đoàn Thanh niên, các tổ chức, quỹ trong tỉnh, các bạn trẻ sẽ được định hướng, hỗ trợ và phát huy những gì tuổi trẻ đã và đang có, góp phần xây dựng quê hương đất nước phát triển và giàu mạnh. Chúng ta hãy cùng nhau gia tăng chủng loại và giá trị sản phẩm nhằm đưa nhiều nông sản Lâm Đồng chất lượng cao ra thế giới.” – Anh Lập mong muốn.
Hưng Vũ