TĐKT - Những năm gần đây tốc độ đô thị hóa trên địa bàn huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) diễn ra nhanh chóng khiến những người con đi làm ăn, sinh sống, học tập, công tác xa quê mỗi lần trở về đều không khỏi ngỡ ngàng xen lẫn vui sướng, tự hào. Từ trung tâm huyện đến mỗi xóm làng nay đã khoác lên mình chiếc áo mới, nhà cửa khang trang, to đẹp, xe cộ tấp nập ngược xuôi, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, diện mạo của huyện ngày càng đổi mới.
Thủy Nguyên là một huyện lớn nằm bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, được đánh giá là vùng đất hội tụ đầy đủ các yếu tố quan trọng để sớm trở thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng trong tương lai gần. Ngoài lợi thế phát triển công nghiệp; Thủy Nguyên có điều kiện phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ. Phát huy lợi thế của vùng ven đô giáp hải cảng với nhiều thắng cảnh đẹp như: Hồ Sông Giá, hang Lương, hang Vua, khu vực núi Tràng Kênh... và nhiều công trình kiến trúc độc đáo, những lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.
Được sự quan tâm đầu tư của thành phố, bức tranh kinh tế Thủy Nguyên trong giai đoạn gần đây có nhiều điểm sáng. Đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Hiện Thủy Nguyên đang xây dựng, phát triển với mục tiêu đến năm 2025 trở thành đô thị văn minh, hiện đại; trung tâm hành chính - chính trị, công nghiệp, dịch vụ, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao của thành phố; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; quốc phòng - an ninh đảm bảo; hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đời sống của nhân dân nâng cao.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp suốt hai năm qua, đặc biệt là năm 2021, huyện Thủy Nguyên đã quyết tâm hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời huy động nguồn lực tập trung cho công tác phòng, chống dịch đạt chất lượng cao nhất. Trong năm 2021, huyện hoàn thành 17/18 chỉ tiêu thành phố giao (1 chỉ tiêu không đạt là chỉ tiêu doanh thu dịch vụ ăn uống và lưu trú đạt 95,0% kế hoạch) và đạt 9/10 chỉ tiêu theo Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 18/12/2020 của Huyện ủy, Nghị quyết số 171/NQ-HĐND ngày 24/12/2020 của Hội đồng nhân dân huyện.
Một số kết quả nổi bật là: Tổng giá trị sản xuất các ngành thực hiện 34.896,2 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch, tăng 17,2% so với năm 2020. Nhóm ngành nông - lâm - thủy sản tăng 2,5%; nhóm công nghiệp - xây dựng tăng 21,5%; nhóm dịch vụ tăng 14,6%. Tỷ trọng giá trị sản xuất các ngành: Công nghiệp - xây dựng 56,8%; dịch vụ 34,5%; nông - lâm - thủy sản 8,7%. Tổng đầu tư xã hội thực hiện 11.659 tỷ đồng, đạt 122,7% kế hoạch, tăng 150,5% so với năm 2020. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước thực hiện 1.685,064 tỷ đồng, đạt 107,2% dự toán thành phố, 93,5% dự toán huyện. Giải quyết việc làm thực hiện 9.000 lượt lao động, đạt 100% kế hoạch; đào tạo nghề được 6.000 lượt người, đạt 100% kế hoạch. Trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo; hộ cận nghèo giảm còn 1,4%.
Nhiều dự án, công trình được khởi công, khánh thành trên địa bàn như: Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 10, hoàn thành 111 công trình trong kế hoạch đầu tư công huyện và các công trình tại 7 xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; góp phần từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật theo các tiêu chí về phát triển đô thị. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của thành phố và huyện được tập trung chỉ đạo; trong đó, hoàn thành vượt tiến độ giải phóng mặt bằng các điểm ưu tiên, các vị trí quan trọng của Dự án Đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm; dự án đường thị trấn Minh Đức.
Về xây dựng nông thôn mới, huyện đạt 9/9 tiêu chí và có 2 xã cơ bản hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được 172,33 ha, chủ yếu cây lâu năm, cây hàng năm và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Hội đồng thẩm định sản phẩm OCOP cấp thành phố đánh giá cấp 3 sao cho các sản phẩm: Na bở của Hợp tác xã SXKD và DV nông nghiệp Liên Khê; 6 sản phẩm giò chả của cơ sở sản xuất giò chả Lương Đào xã Lưu Kiếm; 2 sản phẩm bánh của Công ty TNHH bánh mứt Hoàn Tiến và mật ong của Hợp tác xã sản xuất mật ong, ong giống An Sơn.
Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được huyện thực hiện chặt chẽ; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch. Với sự vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, sự phối kết hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện luôn được đảm bảo, người dân yên tâm lao động sản xuất.
Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, nhất là hỗ trợ xây, sửa nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đoàn công tác của trung ương và thành phố về làm việc tại huyện; đã cơ bản chấm dứt tình trạng đơn thư, khiếu kiện đông người vượt cấp.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) tầm nhìn đến năm 2045. Đối với huyện, những kết quả đạt được trong năm 2021 và nhiệm kỳ qua là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở xác định rõ những thuận lợi và khó khăn đan xen, với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với chủ đề: “Tập trung giải phóng mặt bằng, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”. Theo đó, huyện sẽ tập trung mọi nguồn lực để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện các quy trình, thủ tục về Đề án thành lập thành phố Thủy Nguyên trực thuộc thành phố Hải Phòng.
Nguyễn Quân