Người lãnh đạo nữ phát huy vai trò “Doanh nhân là người lính giữa thời bình”
02/08/2022 - 09:30

TĐKT - Mặc dù điều kiện sản xuất, kinh doanh có nhiều khó khăn, nhưng với vai trò lãnh đạo của nữ Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Lan Dung, Công ty TNHH Gia Long luôn được đánh giá là đơn vị có nhiều đóng góp trong thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, kết nối chuỗi giá trị hàng hóa nông nghiệp, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo tại huyện Xín Mần - một huyện vùng cao biên giới tỉnh Hà Giang.

 

Công ty TNHH Gia Long thu mua củ dong riềng cho người dân. Ảnh: Báo Hà Giang

Xác định vai trò “Doanh nhân là người lính thời bình” và sứ mệnh kiến thiết nước nhà như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với giới công thương; trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Công ty TNHH - Tổng công ty Gia Long, huyện Xín Mần luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phát triển kinh doanh, mở rộng sản xuất, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Được thành lập năm 2000, với chủ trương về phát triển kinh tế tư nhân của tỉnh và nhờ có định hướng kinh doanh tốt với sự chèo lái của nữ Tổng Giám đốc nghị lực, tâm huyết và tài năng, Công ty TNHH - Tổng Công ty Gia Long đã từng bước trưởng thành và phát triển nhanh chóng và trở thành doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực: Kinh doanh thương mại tổng hợp, khách sạn du lịch, du lịch sinh thái, kinh doanh xăng dầu, gas, khí đốt, chăn nuôi thủy sản nước lạnh, sản xuất, chế biến hàng hóa nông - lâm nghiệp.

Bà Dung cho biết, trong những năm qua, lĩnh vực thương mại tổng hợp, khách sạn tổng hợp Tổng công ty đã đón 113.315 lượt khách du lịch đến huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, cung ứng hàng nghìn tấn hàng hóa phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, lao động sản xuất của cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện. Ngoài ra, Tổng công ty đã cung cấp ra thị trường 4.500.000 lít xăng dầu, 50 tấn thủy sản nước lạnh.

 

Bà Nguyễn Thị Lan Dung - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Gia Long giao lưu trực tiếp tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Hà Giang lần thứ VI (Ảnh: Báo Hà Giang)

Trong đó, nổi bật nhất là lĩnh vực hoạt động sản xuất hàng hóa nông nghiệp, Tổng công ty đã bao tiêu củ dong riềng, sản phẩm đầu ra của nông dân, được 10.000 tấn/năm để chế biến thành 500 tấn sản phẩm miến dong Gia Long, một sản phẩm có chất lượng cao và được nhiều người ưa chuộng. Nhờ đó, công ty đã giúp cho gần 2.500 hộ nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Hmong, Dao....) có thêm thu nhập, nâng cao đời sống, đồng thời liên kết được mô hình 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông, phát triển kinh tế khu vực nông dân, nông thôn rút ngắn khoảng cách giữa miền xuôi với miền ngược, giữa nông thôn với thành thị góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Cùng với sản phẩm miến dong, doanh nghiệp còn có thêm 2 sản phẩm đó là rượu vang mận và rượu Quảng Nguyên luôn được thị trường ưa chuộng.

Thời gian tới, Tổng công ty sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy giữ lạnh và chế biến cam sành Hà Giang để giúp bao tiêu ổn định sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân. Đồng thời, công ty tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã biên giới, xã nội địa trong tỉnh, như đầu tư xây dựng các chợ, khách sạn nhà hàng, các cơ sở chế biến nông sản, nhằm kết nối mạng lưới thương mại và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp đáp ứng cung cầu trong sản xuất cùng đồng bào dân tộc thiểu số, đưa cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được ấm no hơn.

Đồng thời doanh nghiệp đã kết nối được chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa nông nghiệp từ việc khuyến khích người nông dân nỗ lực tham gia trồng nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo chất lượng và xuất sứ nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa được rõ ràng. Quá trình thực hiện chuyển đổi phương thức trồng trọt của người dân từ nhỏ lẻ phục vụ cho nhu cầu tự cung tự cấp chuyển sang trồng trọt nguyên liệu theo vùng rộng lớn tạo thành hàng hóa đã tăng năng suất lao động của người dân đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân phát triển kinh tế gia đình. Doanh nghiệp luôn bám sát vào các chính sách khuyến khích của nhà nước để tư vấn cho người dân thực hiện, cũng như doanh nghiệp luôn phối hợp với các phòng ban chuyên môn của huyện của tỉnh để hướng dẫn cho người dân biết áp dụng khoa học trong việc chọn giống, chọn phân bón và cách chăm sóc cây trồng, trồng các loại cây đúng vùng quy hoạch để đảm bảo sản phẩm đầu ra của người dân được doanh nghiệp bao tiêu.

Trong khâu sản xuất, chế biến, doanh nghiệp tuyển dụng cơ bản là người lao động tại địa phương. Đồng bào dân tộc thiểu số được doanh nghiệp đào tạo tập huấn và làm việc tại nhà máy chế biến. Ở khâu chiết suất hàng hóa, doanh nghiệp luôn trú trọng đến chất lượng, không dùng các loại phụ gia có hại cho sức khỏe trong pha chế.

Các lĩnh vực hoạt động đa ngành nghề của Tổng công ty TNHH Gia Long, lĩnh vực nào cũng được phát triển một cách bền vững. Doanh thu hằng năm của Tổng công ty giai đoạn 2016 - 2021 đạt trên 300 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 35 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tổng công ty đã tham gia tích cực trong công tác từ thiện xã hội với số tiền ủng hộ 2.500 triệu đồng/năm cho các quỹ và chương trình làm nhà ở cho hộ nghèo, người có công và cựu chiến binh trong tỉnh. Tổng số lao động của doanh nghiệp là 140 lao động/năm, mức lương của người lao động trong doanh nghiệp ổn định từ 8 đến 9 triệu đồng/người/tháng tùy theo tay nghề bậc thợ.

Tổng công ty có tổ chức cơ sở Đảng, Công đoàn cơ sở và Đoàn Thanh niên. Công tác chăm lo đời sống của người lao động, các chế độ tiền lương, tiền thưởng, thăm hỏi người lao động khi ốm đau, hay gia đình có công có việc đều được chủ tịch công đoàn và Ban lãnh đạo Tổng công ty quan tâm thực hiện.

Với vai trò Tổng Giám đốc công ty, Ủy viên BCH Hội Nông dân huyện Xín Mần và Đại biểu HĐND tỉnh Hà Giang trong suốt 2 nhiệm kỳ 2016 - 2021; 2021 - 2026, bà Nguyễn Thị Lan Dung luôn sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền xem xét, giải quyết, hướng dẫn và hỗ trợ người dân một cách khoa học, hiệu quả; khẳng định vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của công ty, đáp ứng sự mong mỏi, tin tưởng của cử tri và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang…

Điều tâm huyết nhất mà Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Lan Dung chia sẻ đã làm được, đó là luôn sống gắn bó với địa bàn, nhân dân nơi doanh nghiệp đóng chân, giữa anh em công nhân với doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp cùng chia sẻ khó khăn để tồn tại và phát triển. Thời gian tới, Tổng công ty sẽ mở rộng hơn nữa sang lĩnh vực sản xuất hàng hóa nông nghiệp, gắn kết nhiều hơn nữa với bà con nông dân, giúp cho bà con có thêm thu nhập, góp phần thực hiện thắng lợi vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Với những đóng góp tích cực cho sự phát triển của huyện vùng cao Xín Mần, tỉnh Hà Giang, cá nhân Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Lan Dung và tập thể doanh nghiệp đã được tặng thưởng nhiều Bằng khen của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang, của các bộ, ngành trung ương và được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Bằng khen. Ngoài ra, cá nhân Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Lan Dung đã vinh dự được nhận danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, Cúp Thánh Gióng, danh hiệu Doanh nhân văn hóa của Trung tâm Doanh nhân văn hóa Việt Nam, Cúp Bông Hồng Vàng và giải thưởng Trái tim nhân ái… Hằng năm, bà Nguyễn Thị Lan Dung luôn được lựa chọn là điển hình tiên tiến dự và tham luận tại các Hội nghị Tổng kết của tỉnh và Cụm Thi đua 7 tỉnh biên giới phía Bắc. Năm 2018, bà được lựa chọn là điển hình tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018); năm 2020 vinh dự là đại biểu điển hình đại diện cho những bông hoa yêu nước của tỉnh Hà Giang tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Kết quả đó chính là sự ghi nhận xứng đáng, đồng thời là sự động viên, khích lệ để nữ doanh nhân giàu tâm huyết với cộng đồng tiếp tục phấn đấu, thành công hơn nữa trong hoạt động kinh doanh, đóng góp cho cộng đồng. Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Lan Dung xứng đáng là bông hồng đẹp, tô điểm cho mảnh đất vùng biên Xín Mần, tỉnh Hà Giang ngày càng trù phú, giàu mạnh hơn.

Hồng Thiết