TĐKT – Dù đến nay dịch bệnh Covid-19 đã được kiềm chế, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, nhưng bác sĩ CKI Đỗ Văn Chiến, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng vẫn nhớ như in những ngày tháng gian khổ cùng đồng nghiệp, chính quyền và nhân dân căng mình phòng, chống dịch.
Bác sĩ Chiến cho biết: Dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020 đã tạo ra những xáo trộn lớn trong cuộc sống xã hội, nhất là đợt dịch thứ 4 năm 2021 với biến chủng Delta lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài trên nhiều địa phương trong cả nước nói chung tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Các ca lây nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn, vượt xa so với dự báo ban đầu.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” nhằm thực hiện mục tiêu hạn chế thấp nhất ca nhiễm, ca chuyển nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu “kép”, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất.
Sẵn sàng nhận lệnh đột xuất
Ngày 2/7/2021, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phát hiện chùm ca Covid-19 đầu tiên gồm 5 bệnh nhân. Đến ngày 3/7/2021, có 1 bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp, tổn thương phổi diễn tiến nặng hơn. Sở Y tế đã ra quyết định điều động bác sĩ Chiến cùng với 1 điều dưỡng đến Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh để hỗ trợ công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Bác sĩ CKI. Đỗ Văn Chiến, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng
Nhớ lại thời điểm gấp gáp ấy, anh cho biết: Là một thành viên trong đội phản ứng nhanh phòng, chống Covid-19 của bệnh viện, vì vậy, dù khá khẩn cấp nhưng khi nhận quyết định, tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ mà không một chút do dự nào, chỉ có duy nhất một băn khoăn đó là không biết phải nói thế nào để cho hai con tôi hiểu thế nào là Covid-19, thế nào là “tăng cường” vì bé trai mới 6 tuổi và cô công chúa nhỏ mới 7 tháng tuổi.
Đúng sáng sớm 4/7, không kịp chào vợ và hai con vì mọi người đang còn ngủ, anh Chiến lên đường với hành trang mang theo chỉ là một chiếc ba lô nhỏ nhưng với một tinh thần quyết tâm, một trách nhiệm của người bác sĩ hướng về bệnh nhân.
Với anh và nhóm điều trị, 22 ngày đêm trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 tại huyện Đạ Tẻh, là đến hành trình dài và không bao giờ quên. “22 ngày đêm là nguyên chừng đó thời gian chúng tôi luôn trong bộ đồ bảo hộ kín và cái nắng mùa hè của Đạ Tẻh, cùng cùng các bệnh nhân Covid - 19 trải qua những khó khăn của dịch bệnh. Mỗi bệnh nhân diễn biến khác nhau được chia thành từng nhóm bệnh nhân để tiện việc theo dõi, điều trị. Đặc biệt, trường hợp bệnh nhân viêm phổi có biểu hiện suy hô hấp, chúng tôi phải theo dõi từng diễn biến bệnh kết hợp với trang thiết bị, thuốc sẵn có để kịp thời xử trí những bất thường của bệnh nhân, có những xét nghiệm chúng tôi phải gửi lên Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng ngay trong đêm để phục vụ cho công tác theo dõi và điều trị bệnh. Cũng nhờ vậy mà các bệnh nhân dần ổn định, từ ngày thứ 7, các triệu chứng bệnh dần thuyên giảm.” – Bác sĩ Chiến chia sẻ.
Anh nhớ mãi một bệnh nhân V.T.Th, nữ 46 tuổi, ở thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng nhập viện lúc 18 giờ 15 phút ngày 02/07/2021; được chẩn đoán: Suy hô hấp, viêm phổi diễn tiến ARDS/nhiễm Sars Cov2; bệnh nhân được điều trị với thở oxy, thuốc kháng sinh, kháng virus, Corticoid, kháng đông. Sau 1 tháng điều trị tích cực, nhóm điều trị và người bệnh lúc nào cũng trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu”, cuối cùng bệnh nhân được xuất viện ngày 03/08/2021 trong niềm vui của gia đình bệnh nhân và là nguồn động viên, khích lệ tinh thần đối với tập thể nhân viên y tế.
Sau đó, lần lượt 8 bệnh nhân Covid-19 khác lần lượt vượt qua cơn nguy kịch và được xuất viện.
“Mỗi lần người bệnh được xuất viện, tôi hạnh phúc vô cùng. Hạnh phúc vì các bệnh nhân Covid-19 đã không có những biến chứng nặng và dần hồi phục sức khỏe để đủ tiêu chuẩn xuất viện. Hạnh phúc vì cả nhóm điều trị chúng tôi sắp được trở về với gia đình thân yêu” – bác sĩ Chiến nhớ lại.
Nỗ lực vì cuộc sống bình yên
Sau đợt công tác hỗ trợ điều trị tại Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại huyện Đạ Tẻh và thực hiện cách ly theo quy định, anh và đồng nghiệp lại trở lại với công việc tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc.
Ngày 20/07/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 1893/QĐ-UBND thành lập Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh; ngày 22/07/2021 Sở Y tế có Quyết định số 738/QĐ-SYT ban hành Quy chế tổ chức hoạt động của Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Nhi tỉnh.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Bệnh viện Nhi, bác sĩ Chiến tiếp tục được phân công tham gia điều trị tại Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Bệnh viện Nhi và đã được giao phụ trách công tác Phó trưởng bộ phận Hồi sức cấp cứu của Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Nhi.
Trong quá trình điều trị bệnh tại Khu điều trị Covid-19 Bệnh viện Nhi, anh cùng các bác sĩ đã thiết lập nhóm hội chẩn với giáo sư Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam; bác sĩ bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Y tế Lâm Đồng để kịp thời nhận được các hướng dẫn, phương pháp điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do chủng Corona mới (SARS-COV-2). Đồng thời cũng áp dụng các phương pháp điều trị hiện đại cho bệnh nhân như lọc máu liên tục bằng quả lọc hấp phụ Orixit, lọc máu thay huyết tương....
Trong suốt quá trình điều trị tại Khu điều trị Covid-19, rất nhiều bệnh nhân có diễn tiến nặng phải lọc máu liên tục, thở máy dài ngày nhưng đã được điều trị khỏi và xuất viện. Với phương pháp điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế , tập thể đội ngũ y, bác sĩ đã khẳng định phương pháp điều trị tích cực cho bệnh nhân Covid-19 đã chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân nặng.
Điển hình là ca M.B, nữ 33 tuổi, nhập điều trị tại khu điều trị Covid-19 ngày 25/01/2022, tiền sử chưa tiêm vắc-xin, nhập điều trị tại khu điều trị Covid-19 ngày 25/01/2022 với chẩn đoán viêm phổi nặng, nhiễm SARS-CoV-2, có thai lần 2 khoảng 28 tuần, bệnh nhân diễn tiến suy hô hấp được chỉ định thở HFNC. Đến ngày 02/02/2022 (ngày thứ 9 của bệnh), bệnh nhân diễn tiến nặng hơn với lơ mơ, thở HFNC không hiệu quả được hội chẩn và chỉ định đình chỉ thai nghén, an thần, thở máy, lọc máu liên tục. Bệnh nhân được duy trì an thần, giãn cơ, thở máy qua nội khí quản. Đến ngày 17/02/2022 (ngày thứ 24 của bệnh), bệnh nhân được ngưng thở máy, rút nội khí quản, thở oxy qua canulla, tập vật lý trị liệu về hô hấp tình trạng bệnh nhân dần ổn định và được xuất viện sau 30 ngày điều trị.
Khi được hỏi vì sao anh có thể bình tĩnh và mạnh mẽ như vậy trước cơn càn quét của Covid-19, anh bảo rằng, đó là mệnh lệnh của trái tim, là lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc. Trong hoàn cảnh đó, ai cũng đều phải mạnh mẽ và cố gắng hết mình.
“Tôi luôn mong ước bình dị như hàng triệu người dân Việt Nam về một xã hội bình thường mới, để được cùng con dự khai giảng năm học mới với hàng triệu học sinh trong cả nước, để không còn ai phải cách ly, chia lìa vì Covid-19.” – bác sĩ Chiến chia sẻ.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh và tổ chức thực hiện của Sở Y tế bằng các biện pháp phòng, điều trị bệnh Covid-19, đặc biệt là công tác tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 của tỉnh Lâm Đồng đạt tỷ lệ cao; sự chung tay của cả cộng đồng, đến nay dịch bệnh đã được kiểm soát. Cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Chiến, trong thời gian tới, nước ta cần tiếp tục tăng cường hơn nữa tuyên truyền, vận động công chức, viên chức, nhân dân hạn chế tập trung đông người, vận động nhân dân nâng cao ý thức thực hiện 5K, tiêm vắc-xin, sử dụng thuốc điều trị hợp lý. Tất cả vì một cuộc sống bình yên.
Hưng Vũ