Người công nhân có tinh thần sáng tạo
27/10/2023 - 15:14

BTĐKT - Với niềm đam mê sáng tạo, anh Hoàng Quốc Tùng, quản lý sản xuất kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Sung Ju Vina (Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước), được đồng nghiệp biết đến như “cây sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” của đơn vị.

Tốt nghiệp với tấm bằng trung cấp điện công nghiệp, anh Hoàng Quốc Tùng đã làm việc ở nhiều doanh nghiệp, qua đó giúp anh trau dồi kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sáng tạo. Năm 2015, anh làm việc cho Công ty TNHH Sung Ju Vina (chuyên sản xuất loa ti vi). Trong những năm qua, anh luôn đi đầu trong phong trào cải tiến kỹ thuật của đơn vị, là hạt nhân trong các phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong công nhân lao động xưởng sản xuất nói riêng và công ty nói chung.

Anh đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng thành công mang lại hiệu quả làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng. Điển hình như sáng kiến: “Thay đổi cải tiến công đoạn dập hàng Terminal”, để hoàn thành đúng quy trình sản xuất loa ti vi”. Quy trình sản xuất của công ty được chia từng giai đoạn và công đoạn để hoàn chỉnh sản phẩm. Trong đó, công đoạn dập terminal được sử dụng nhiều để tạo ra linh kiện trước khi đưa vào khâu thành phẩm. Trước đây, công nhân sử dụng máy dập khi chưa được cải tiến, sản phẩm lỗi phát sinh chủ yếu do công nhân mỏi tay, thao tác chậm dẫn đến hàng chưa dập lẫn vào hàng đã dập làm mất thời gian kiểm tra.

Đáng chú ý, dập máy terminal trong 1 ngày được 5.900 sản phẩm, nhưng khi áp dụng giải pháp cải tiến mới, năng suất ngày một tăng lên và số lượng tối đa cho 1 ngày dập của công nhân hiện đạt 8.000 sản phẩm. Không chỉ thế, sản phẩm tạo ra không bị lỗi, thao tác công nhân nhanh hơn, giảm nhiều sức (không còn bị mỏi tay), đặc biệt hàng cũng không còn bị lẫn lộn vào các sản phẩm chưa làm, sản lượng cao hơn so với kế hoạch đề ra, giảm nhân công sản xuất và tiết kiệm chi phí sản xuất khoảng 45 triệu/năm.

Bên cạnh đó, những năm qua, anh Tùng còn có nhiều sáng kiến, cải tiến, giải pháp hữu ích khác như: Sáng kiến “Thay đổi cải tiến line/chuyền”. Trước khi cải tiến, công nhân phải lấy hàng trên line/chuyền sau khi nghe âm thanh để dán PE và khu vực này rất hẹp, không có khoảng không gian trống, không gọn gàng, ngăn nắp, không thể sắp xếp, dọn dẹp 6S/3D đúng chuẩn. Sau khi cải tiến nối dài băng chuyền, công nhân ngồi thao tác dễ hơn, hàng sau khi nghe âm thanh sẽ trực tiếp lấy dán PE nên tiện lợi cho việc dọn vệ sinh 3D/6S tốt hơn, sản lượng ra nhiều hơn, giảm chi phí phát sinh trong sản xuất, tăng năng suất khoảng 40 triệu/năm.

Anh còn có sáng kiến: “Thay đổi cải tiến công đoạn gắn Tweeter và gắn ốc Woofeer”, do xuất phát từ việc một công nhân phải làm rất nhiều công việc, thao tác một công đoạn nên tốn rất nhiều thời gian và sản lượng không đạt yêu cầu. Sau khi cải tiến tách rời công đoạn gắn Tweeter và gắn ốc Woofeer riêng biệt thì thao tác mỗi công nhân nhanh hơn, làm ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, không bị nhầm lẫn các loại ốc, sản lượng cao hơn so với kế hoạch đề ra và tiết kiệm chi phí nhân công khoảng 25 triệu/năm.

Sáng kiến “Thay đổi cải tiến công đoạn hàn hợp kim”  xuất phát từ việc khi công nhân thao tác hàn hợp kim có rất nhiều xỉn chì dính và bám vào bên trong conepaper dẫn tới việc bị rách, bẩn không thể sử dụng được, tốn kém nhân công và mất rất nhiều chi phí sản xuất. Sau khi cải tiến theo sáng kiến của anh, JIG có nắp che đậy thì thao tác công nhân hàn hợp kim rất dễ và nhanh, các xỉn chì không thể lọt vào bên trong conepaper nên không còn tình trạng conepaper dơ bẩn và phải bỏ phế, tiết kiệm rất nhiều chi phí cho sản xuất, ước tính tiết kiệm được khoảng 80 triệu/năm.

Sáng kiến “Thay đổi cải tiến công đoạn sấy hàng” xuất phát từ việc máy sấy SOLDER các line sản xuất model 704/801 sấy từ 8h00 đến 17h00 rất lãng phí chi phí (tiền điện, phát sinh ra hơi nóng trong xưởng). Sau khi cải tiến thì các máy sấy SOLDER sẽ mở lúc 8h30 sáng và dừng lúc 16h00, sẽ tiết kiệm rất nhiều về chi phí phát sinh, tiết kiệm tiền điện, thời gian tuổi thọ của máy lâu hơn và giảm nhiệt độ nóng trong xưởng, giảm rất nhiều chi phí phát sinh khoảng 60 triệu/năm.

Anh Hoàng Quốc Tùng (bên trái ảnh) tại lễ trao tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV năm 2023 diễn ra ngày 24/7/2023 tại Thủ đô tại Hà Nội

Không chỉ được biết đến như “cây sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” của đơn vị, với vai trò quản lý sản xuất Công ty TNHH SungJu Vina, anh Hoàng Quốc Tùng luôn có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, giúp đỡ các đồng nghiệp mới vào học việc chưa có kinh nghiệm để cả bộ phận luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tính từ năm 2015 đến nay, anh đã kèm cặp và hướng dẫn được 80 đồng nghiệp là quản lý, tổ trưởng và khoảng 600 công nhân trực tiếp sản xuất cùng bộ phận.

Để ghi nhận, động viên, khích lệ tinh thần làm việc đầy sáng tạo và trách nhiệm, 3 năm liên tục 2018, 2019, 2020, anh Hoàng Quốc Tùng được tặng Bằng khen của Ban chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Phước; năm 2019, 2020 được tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và năm 2019 được tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo”.

Đặc biệt, mới đây, anh Hoàng Quốc Tùng vinh dự được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV năm 2023 (Giải thưởng được tổ chức 5 năm một lần nhằm tôn vinh dành riêng cho người lao động trực tiếp sản xuất, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, có thành tích nổi bật trong phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo của tổ chức công đoàn"). Những thành tích của anh không chỉ cho riêng cá nhân anh mà còn mang về niềm tự hào cho Công ty TNHH Sung Ju Vina.

Nguyễn Thái Đương