“Ngôi nhà 1000 Đ – Ngày thứ 6 tái chế” – mô hình nhỏ, ý nghĩa lớn
20/02/2019 - 15:42

TĐKT - Tuần nào cũng vậy, đều đặn vào mỗi ngày thứ sáu, chị em phụ nữ Phòng Hậu cần, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 lại tập trung thu gom giấy, vỏ lon, chai nhựa và các vật liệu tái chế khác về Ngôi nhà 1000 Đ. Từ đây, rác được xử lý, phân loại rồi đem bán để thu tiền gây quỹ giúp đỡ, hỗ trợ chị em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo, gia đình chính sách... Mô hình “Ngôi nhà 1000 Đ – Ngày thứ 6 tái chế” là một trong những việc làm thiết thực mà chị em phụ nữ Phòng Hậu cần đã triển khai nhằm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Rác thải được xử lý, phân loại tại Ngôi nhà 1000 Đ (ảnh: Nguyễn Trung Trực)

Hội Phụ nữ cơ sở Phòng Hậu cần là một tổ chức quần chúng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3. Mặc dù có ít hội viên, tuổi đời, trình độ khác nhau, hoạt động phân tán ở nhiều đơn vị với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn khác nhau, nhưng kể từ khi thành lập đến nay, tập thể Hội luôn đoàn kết, nhất trí cao, triển khai hiệu quả và chất lượng các phong trào thi đua và công tác hội.

Cán bộ, hội viên luôn an tâm công tác, có tinh thần trách nhiệm cao, đã triển khai nhiều phong trào và công tác hội như phong trào "Phụ nữ Cảnh sát biển đoàn kết - sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội cụ Hồ" gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, kết hợp rèn luyện 4 phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam hiện đại “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và rèn luyện tiêu chí 4 tốt của phụ nữ Quân đội “Sức khỏe tốt, phẩm chất tốt, trình độ chuyên môn tốt, xây dựng gia đình tốt”.

Hội đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW gắn với rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức của người phụ nữ theo từng năm, từng giai đoạn và đã tổ chức quán triệt triển khai sâu rộng tới toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ, trong đó đẩy mạnh việc “Làm theo Bác”.

Được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp mà trực tiếp là Đảng ủy, chỉ huy đơn vị, Hội đã xây dựng và duy trì thực hiện nhiều mô hình và đã được các cấp đồng ý chủ trương và ủng hộ về mọi mặt để triển khai tổ chức thực hiện. Tiêu biểu trong số đó, mô hình “Ngôi nhà 1000Đ – Ngày thứ 6 tái chế” đã được các cấp ghi nhận và đánh giá cao.

Triển khai từ 8/3/2017, mô hình được lấy tên là “Ngôi nhà 1000 Đ”, xuất phát từ phong trào quyên góp gây quỹ “Ngôi nhà 1000 Đ” của Phụ nữ Cảnh sát biển và “Ngày thứ 6 tái chế” gắn với chế độ sinh hoạt tổng vệ sinh vào chiều thứ 6 cuối tuần của đơn vị, để tuyên truyền, giáo dục cho toàn bộ cán bộ, hội viên và cán bộ, chiến sĩ trong toàn vùng, giúp mô hình có tính lan tỏa rộng rãi hơn trong quá trình thực hiện.

Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở Phòng Hậu cần, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 Lê Thị Hồng Thắm cho biết: Để triển khai và đưa mô hình vào hoạt động, tập thể Hội đã thống nhất và đề xuất chỉ huy đơn vị, báo cáo thủ trưởng Vùng và đã được thủ trưởng Vùng nhất trí cao. Hội đã tham mưu thủ trưởng Vùng ban hành các văn bản để phổ biến, quán triệt các nội dung của mô hình đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị nói chung và cán bộ, hội viên nói riêng.

Hội đã thiết kế, lắp đặt 3 ngôi nhà đặt trong doanh trại tại 3 vị trí thuận tiện cho việc thu gom chất thải tái chế. Ngôi nhà được thiết kế nhỏ gọn, đẹp, đảm bảo tính mỹ quan và phù hợp với môi trường xung quanh.

Ngôi nhà được trang trí kết hợp sử dụng catalog với các khẩu hiệu tuyên truyền: “Hội phụ nữ cơ sở Phòng Hậu Cần triển khai thực hiện mô hình “Ngôi nhà 1000Đ - Ngày thứ 6 tái chế” nhằm xây dựng quỹ để giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn, các cháu vượt khó học giỏi, đồng thời góp phần giữ gìn doanh trại xanh - sạch - đẹp”, “Phân loại rác thải tại nguồn để bảo vệ môi trường và giữ gìn doanh trại xanh, sạch, đẹp”, “Tái sử dụng chất thải, góp phần tiết kiệm tài nguyên và phát triển bền vững”…

Ngôi nhà được lắp đặt chắc chắn, kín đáo, mưa gió không làm ảnh hưởng đến chất thải tái chế để bên trong. Giá trị mỗi ngôi nhà khoảng 2.000.000 đ.

Hoạt động của mô hình được duy trì thường xuyên, cán bộ, hội viên hàng ngày tại bộ phận của mình chủ động phân loại các chất thải tái chế, cuối tuần thu gom và đưa về “Ngôi nhà 1000 Đ”.

Ở các đơn vị không có hội viên phụ nữ, cán bộ Hội đến trao đổi trực tiếp với chỉ huy đơn vị và cán bộ, chiến sĩ, đề nghị phối hợp phân loại và thu gom, thứ 6 hàng tuần Hội bố trí hội viên đến lấy. Trong trường hợp phát sinh nhiều chất thải, các đơn vị liên hệ trực tiếp với cán bộ hội (bằng điện thoại) thông báo và Hội sẽ sắp xếp, cử hội viên đến cùng thu gom.

Chị em phụ nữ thu gom rác từ các thùng rác ở các đơn vị (ảnh: Nguyễn Trung Trực)

Một phần lớn chất thải tái chế khác được cán bộ, chiến sĩ trong toàn vùng tự thu gom và đưa về các Ngôi nhà 1000 Đ của Hội. Khoảng vài tuần, Hội sẽ sắp xếp lại chất thải tái chế tại Ngôi nhà 1000 Đ và bán lại cho vựa phế liệu.

Từ ngày đầu mô hình được triển khai tới nay, trung bình mỗi tháng, Hội phụ nữ cơ sở Phòng Hậu cần thu gom khoảng 100 kg giấy, 50 kg nhựa, 30 kg sắt và hàng trăm vỏ lon các loại, giá trị thu được từ 800.000 – 1.200.000 đ/tháng. Đến nay, tổng thu được gần 16.000.000 đ.

Nhờ triển khai mô hình, chất thải phát sinh trong doanh trại phần lớn đã được phân loại tại nguồn, hầu hết chất thải tái chế được thu gom, môi trường doanh trại đơn vị được giữ gìn sạch, đẹp. Thông qua đó, ý thức bảo vệ môi trường của cán bộ, chiến sĩ, hội viên ngày càng được nâng cao.

Từ nguồn thu của mô hình “Ngôi nhà 1000Đ - Ngày thứ 6 tái chế”, Hội đã trích đóng góp vào Quỹ “Ngôi nhà 1000Đ” của Phụ nữ Cảnh sát biển và tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa: Thăm hỏi thân nhân gia đình liệt sĩ nhân dịp ngày 27/7 hàng năm (2 suất quà tổng trị giá 1.100.000 đ), tặng 50 phần quà cho các cháu là con của quân nhân và hội viên trong đơn vị (tổng trị giá 7.200.000 đ); phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tặng 30 phần quà trung thu cho các cháu nghèo trên địa bàn tỉnh, trị giá 2.000.000 đ, thăm hỏi và tặng quà cho gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá 2.000.000 đ.

Hiệu quả của mô hình đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ thu hút chị em phụ nữ mà còn cả cán bộ, chiến sĩ trong toàn vùng tham gia, đồng thời giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên cho cán bộ, chiến sĩ.

Phương Thanh