BTĐKT - Là xã thuần nông, nhưng trên thực tế xã Liên Sơn (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) lại không có nhiều thuận lợi trong phát triển nông nghiệp. Xuất phát từ những khó khăn đó, những năm qua nhiều hộ dân trong xã đã năng động tìm tòi, đưa về những con nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình là ông Phạm Văn Hà, xóm 1, xã Liên Sơn với mô hình nuôi ong mật nội địa.
Mô hình nuôi ong lấy mật nội địa của gia đình ông Hà mang lại hiệu quả kinh tế cao
Nhờ lợi thế đất vườn rộng là khu vực có nguồn hoa dồi dào, năm 2013, ông Hà đã học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn chuyển sang nghề nuôi ong lấy mật.
“Thời gian đầu, việc nuôi ong gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, hiệu quả của mô hình chưa cao. Không nản chí, ngoài những kinh nghiệm tích lũy được, tôi tích cực học hỏi thêm kinh nghiệm qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tôi tham gia các lớp tập huấn nuôi ong để nâng cao kiến thức”, ông Hà chia sẻ.
Nhờ tinh thần không ngại khó, ngại khổ, linh hoạt vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi, đàn ong của gia đình ông Hà phát triển và sinh trưởng tốt.
Cũng theo ông Hà, để đàn ong khỏe mạnh cho năng suất, chất lượng mật cao, đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận của người nuôi. Bởi vậy, ông thường xuyên kiểm tra, vệ sinh thùng ong, để đảm bảo nơi ở của chúng luôn khô ráo, sạch sẽ, phòng tránh bệnh và các loại côn trùng gây hại cho ong. Tùy theo từng thời điểm, phải có biện pháp chống rét, chống nóng thích hợp cho đàn ong.
Bên cạnh đó, để ong cho mật nhiều, chất lượng tốt, ngoài nuôi tại vườn nhà, ông Hà còn di chuyển đàn ong đến nhiều địa điểm khác trong xã, nơi phong phú về nguồn hoa để ong có nguyên liệu làm mật.
“Mùa thu hoạch ong diễn ra từ tháng 2 đến tháng 6 dương lịch, đây cũng là khoảng thời gian nhiều hoa nên lượng mật ong dồi dào nhất trong năm. Tuy nhiên, sản lượng mật khai thác được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào hai yếu tố: Thời tiết thuận lợi, trời nắng đẹp, mật hoa đặc, ong sẽ lấy mật nhanh và đàn ong phải khỏe mạnh, trong thùng đảm bảo có 8 - 10 cầu ong thì khai thác mật mới nhanh”, ông Hà chia sẻ thêm.
Đến nay, mô hình của gia đình ông Hà đang duy trì 60 đàn ong, mỗi năm thu về 450 - 500 lít mật, với giá bán ra thị trường từ 250.000 – 300.000 đồng/lít.
Xác định mật ong là một trong những sản phẩm trong phát triển kinh tế, người nuôi sẽ hỗ trợ nhau về con giống, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là cùng nhau cam kết thực hiện các quy định về quy trình nuôi và thu hoạch, mở rộng quy mô, đưa ra các định hướng trong sản xuất, nhằm tăng tổng đàn, nâng cao chất lượng, tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, ông Hà đã tuyên truyền, vận động bạn bè, người thân, bà con nhân dân cùng phát triển mô hình nuôi ong. Theo ông Hà, đây là mô hình có vốn đầu tư ít, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp cho bà con đầu tư để ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh việc nuôi ong, hiện ông đang nuôi 80 cặp chim bồ câu sinh sản, các loại chim cảnh, chó cảnh và cung ứng giống ốc nhồi cho bà con trong và ngoài huyện. Sau khi trừ chi phí, cơ sở nuôi ong và các dịch vụ của gia đình ông thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.
Hướng đến mục tiêu tạo dựng thương hiệu, ngoài việc chú trọng nâng cao giá trị mật ong nguyên chất, ông Hà cũng quan tâm thay đổi hình thức, quy cách đóng gói sản phẩm nhằm tạo sự chuyên nghiệp, đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị. Đặc biệt hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP tại tổ hội nông dân nuôi ong nội địa của địa phương.
Gần 10 năm gắn bó với nghề nuôi ong, ông Hà đã tự trang bị cho mình vốn kiến thức về loài vật hữu ích này và khai thác chúng có hiệu quả. Nghề nuôi ong đã giúp kinh tế gia đình ông Hà khá lên và trở thành mô hình phát triển sản xuất tiêu biểu của địa phương. Ông Hà được công nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện.
Tùng Chi