TĐKT – Bị căn bệnh viêm khớp dạng thấp cướp đi quyền được tự do đi lại bằng đôi chân của chính mình nhưng chị Trần Thúy Nga (sinh năm 1985, ở xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) đã không đầu hàng số phận mà quyết chí vượt khó để lan tỏa tri thức thông qua mô hình thư viện miễn phí.
“Điểm hẹn” tri thức
Sau giờ học và vào những ngày nghỉ trong tuần, các em học sinh xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) thường tranh thủ ghé nhà chị Trần Thúy Nga ở xóm 6 để đọc, mượn và trao đổi sách. Tủ sách của chị có khá nhiều loại, từ sách văn học, khoa học, lịch sử đến sách thiếu nhi, ngoại ngữ, sức khỏe…
Đến đây, các em học sinh sẽ được củng cố và mở mang tri thức, phục vụ cho việc học tập, nâng cao hiểu biết và kỹ năng ứng xử. Em Phan Nguyễn Lam - học sinh lớp 12A1, Trường THPT Lê Lợi (Tân Kỳ) cho biết: “Em gắn bó với tủ sách của chị Nga đã 4 năm nay và được đọc những cuốn sách bổ ích, phù hợp với lứa tuổi. Nhờ có được những kiến thức từ các cuốn sách nên em tự tin hơn trong giao tiếp, kết quả học tập cũng được nâng lên. Đặc biệt, em và các bạn còn học được ở chị Nga nghị lực vượt lên số phận".
Thư viện của Nga luôn được các bạn học sinh, thanh niên và những người cùng cảnh ngộ đến để đọc và tìm sách tham khảo.
Không chỉ các em học sinh, tủ sách của chị Nga còn thu hút bà con nhân dân trong xóm, trong xã, nhiều người đã tìm đến mượn sách để nâng cao, mở mang sự hiểu biết. “Tôi thường xuyên đến đây để đọc sách, sưu tầm những bài thuốc dân gian để chăm sóc sức khỏe. Đến đây, tôi thấy mình được tiếp nhận nhiều điều bổ ích, kiến thức về văn hóa - xã hội cũng dày thêm” - Bà Ngô Thị Hợi, xóm 10, xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) chia sẻ.
Nữ chủ nhân của tủ sách với khuôn mặt hiền từ, nụ cười rất tươi, cặp mắt như biết nói, suốt ngày ngồi xe lăn, chỉ đến khuya mới lên giường để ngủ. Chị Trần Thúy Nga bộc bạch: “Từ nhỏ, sớm nhận biết được sự vất vả của mẹ và các anh chị, tôi đã luôn chăm chỉ học tốt và siêng năng làm việc. Tôi thầm hứa mình sẽ làm thật tốt, trở thành người có ích, để mẹ và các anh chị tự hào. Nhưng không ngờ, chuẩn bị bước vào lớp 8, bất hạnh ập đến, khép lại bao mơ ước về tương lai”.
Chị kể, suốt cuộc đời sẽ không bao giờ quên được mùa hè năm 1998, khi bước sang tuổi 13, toàn thân chị đau buốt khắp toàn thân, chân tay ngày càng khó cử động vì căn bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Sau nhiều tháng ngày điều trị, bác sĩ bảo bệnh của chị đã bị "lờn thuốc tây", không thể chữa trị dứt điểm, nghĩa là phải sống chung với sự đau đớn. Và rồi, ngày định mệnh đã đến, toàn thân chị tê liệt, không còn khả năng bước đi bằng đôi chân của mình và chiếc xe lăn trở thành người bạn.
Từ đó, cuộc đời chị bắt đầu chuỗi ngày sống trong đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, những giọt nước mắt buồn tủi luôn ướt đẫm khuôn mặt, khóc nhiều nên mắt sưng húp, có lúc chị chỉ muốn tan biến như chưa từng xuất hiện trên cõi đời này hoặc ngủ luôn mãi mãi…
Lan tỏa sự yêu thương từ đọc sách
Dù nghèo, mẹ và các anh chị vẫn hết lòng chạy chữa, đi hết bệnh viện này đến thầy lang khác nhưng cuối cùng đành bất lực nhìn chị Nga chịu cảnh tật nguyền. Thương em gái sớm phải gánh chịu số phận bất hạnh, chị gái mua cho Nga nhiều cuốn sách hay để đọc cho quên đi nỗi buồn, cho dòng chảy thời gian như ngắn lại.
Rồi được những người em họ cũng mua sách tặng, chị Nga bắt đầu vùi đầu vào những cuốn sách, đọc một cách mê mải. Mỗi lần nhập tâm vào trang sách, cô gái tạm quên đi cơn đau và nỗi tủi thân của đời mình. Rồi qua những trang sách, chị Nga biết đến những người cùng cảnh ngộ và giàu nghị lực, dũng cảm vượt lên số phận như anh Công Hùng, bạn Thúy, bạn Thu Thương.
Với chị Trần Thúy Nga, thực hiện sứ mệnh “Gieo duyên đọc sách - lan tỏa yêu thương” - là nguồn vui của cuộc đời.
Đặc biệt là chị Nguyễn Bích Lan, tác giả của tự truyện "Không gục ngã" - cuốn sách về nghị lực sống của những con người gặp phải khó khăn và những thử thách khắc nghiệt trong cuộc đời. “Say mê với sách, cố gắng vượt qua những cơn đau không bao giờ dứt, trong tôi trào dâng niềm khát khao làm được điều tốt đẹp như các anh chị ấy. Tuy các khớp ngón tay bị sưng đau và biến dạng, nhưng tôi vẫn cố nén chịu, gắng luyện viết, luyện vẽ. Lâu dần, bàn tay cũng bớt run và nét chữ đẹp trở lại, tôi bắt đầu viết những trang mới về cuộc đời mình” - chị Trần Thúy Nga xúc động chia sẻ.
Những cuốn sách giúp chị Nga vơi đi phần nào đau đớn, chị gái lại động viên em mở tủ sách, ban đầu cho thuê với mức 200 đồng/quyển. Chị Nga cần mẫn gom những đồng tiền ít ỏi, cộng thêm tiền bán hàng tạp hóa, tiết kiệm chi tiêu để mua thêm sách mới. Với kinh nghiệm đọc sách đã được tích lũy, chị chọn được thêm nhiều sách hay, ưu tiên mua những cuốn sách mang đậm ý nghĩa nhân văn, giúp người đọc hướng đến những điều tốt đẹp.
Hiện tủ sách của chị Nga đã có gần 4.000 đầu sách, chị không cho thuê sách nữa mà vận động mọi người đến đọc miễn phí, ai có nhu cầu có thể mượn về nhà. Mỗi ngày, chị tiếp hàng chục người khách là các em học sinh và người dân lao động đến nhà mượn sách.
Niềm vui của chị là giúp nhiều người tạo được thói quen đọc sách, góp phần lan tỏa văn hóa đọc ở vùng thôn quê. Hiện chị sống cùng mẹ và vợ chồng người anh trai, ngoài việc quản lý tủ sách miễn phí, chị còn có quầy hàng tạp hóa nho nhỏ để kiếm tiền chi tiêu hàng ngày.
Với thành tích của mình, chị Trần Thúy Nga vinh dự là một trong 50 gương Thanh niên được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức. Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào ngày 12 - 13/12/2021 tại Thủ đô Hà Nội.
Hưng Vũ