TĐKT - Về ấp Bù Dinh (xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước), mỗi khi nhắc đến chị Thị Mương, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Bù Dinh, hội viên đều tấm tắc khen ngợi bởi chị không những làm kinh tế giỏi mà còn là cán bộ nhiệt tình, luôn tận tâm giúp đỡ chị em trong hội.
Chị Mương bên giải thưởng“Phụ nữ Việt Nam tự tin - tiến bước” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng năm 2017
Chị Mương tâm sự: “Ngày đầu mới tiếp cận công việc, bản thân tôi thấy có rất nhiều bỡ ngỡ. Đêm về cứ trăn trở, suy nghĩ mãi làm thế nào đây để hoàn thành tốt công việc được giao mà vẫn bảo đảm được công việc gia đình. Hơn nữa, ấp Bù Dinh có trên 70% là đồng bào S’Tiêng và đa số đồng bào theo đạo Tin lành. Bởi vậy việc tiếp cận, tuyên truyền, vận động chị em tham gia hội có nhiều khó khăn”.
Tuy vậy, không quản ngại khó khăn, chị tích cực đến từng nhà vận động chị em tham gia. Chị còn tự nghiên cứu đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền, thành lập thêm các mô hình, câu lạc bộ để thu hút chị em vào hội.
Bởi vậy, số lượng chị em tham gia tổ chức hội ngày càng đông. Nếu ban đầu chỉ có 50 hội viên, đến nay hội đã có 250 hội viên. 100% hộ gia đình đều có ít nhất 1 thành viên tham gia.
Xác định muốn chị em gắn bó với hội cần giúp đỡ chị em phát triển kinh tế. “Để chị em phụ nữ tin thì trước hết bản thân mình, gia đình mình cần phải đi đầu, gương mẫu làm trước. Có thế chị em mới nhìn mình mà học theo.” - chị Mương chia sẻ. Bởi vậy, chị cùng gia đình tích cực sản xuất, phát triển kinh tế.
Thời gian đầu, gia đình chị đã tự khai hoang đất để trồng trọt, chăn nuôi, với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Với số tiền tiết kiệm được hàng năm, chị đầu tư mua rẫy. Hiện gia đình bà đã có 10 ha đất trồng tiêu, điều, cao su, lúa… tạo được thu nhập ổn định.
Khi kinh tế ổn định, chị bắt đầu giúp đỡ các chị em khó khăn bằng cách giúp gạo, cây giống, con giống. Bên cạnh đó, chị còn đầu tư mua máy cày để ngoài việc phục vụ cho gia đình còn có thể giúp cho các hội viên cày rẫy, hoặc ruộng mà không lấy tiền công.
Đặc biệt, chị đã thành lập được “Mô hình hũ gạo tình thương” đặt tại nhà máy xay gạo của gia đình. Với mô hình này, chị vận động chị em mỗi lần đến xay gạo sẽ bớt lại 1 nắm góp vào hũ gạo để giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn, già yếu, neo đơn. Mô hình này đã được chị em trong toàn chi hội nhiệt tình ủng hộ, thực hiện.
Song song với việc hỗ trợ phát triển kinh tế cho hội viên, chị còn quan tâm đến công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn ấp. “Ấp Bù Dinh xa và rộng, tôi lại không biết đi xe. Do đó đều phải đi bộ đến từng nhà để vận động chị em thực hiện kế hoạch hóa gia đình.” - chị Mương chia sẻ.
Từ nỗ lực của chị, nhiều phụ nữ ấp Bù Dinh đã thực hiện triệt sản và tích cực thực hiện các biện pháp tránh thai khác như đặt vòng, sử dụng thuốc tránh thai.
Bên cạnh đó, chị còn đặc biệt quan tâm đến giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc. Hiện chị là Đội trưởng đội Múa cồng chiêng của ấp Bù Dinh. Đội thường xuyên tham gia biểu diễn tại các buổi sinh hoạt cộng đồng, lễ hội. Đồng thời chị còn truyền dạy cho các cháu những điệu múa của đồng bào mình để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Qua 21 năm là chi hội trưởng, gắn bó với hội viên phụ nữ, chị đã nắm bắt được tâm ý từng hội viên và trong sinh hoạt chi hội chị luôn tạo điều kiện để hội viên chia sẻ buồn vui với nhau, để cùng nhau xây dựng tốt cuộc sống gia đình.
Với vai trò là người vợ, người mẹ trong gia đình, chị luôn sắp xếp công việc hợp lý, không để công tác xã hội ảnh hưởng đến công việc gia đình. Chị luôn dành thời gian để chăm sóc chồng, con, dạy dỗ các con.
Là người chi hội trưởng tận tâm hết lòng vì công việc chung như vậy, nhiều năm liền chị đều nhận được giấy khen, bằng khen các cấp. Riêng năm 2017 chị được Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam tự tin – tiến bước”. Chị còn là 1 trong 70 điển hình tiên tiến được vinh danh tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc năm 2018.
Tuệ Minh