Chi hội trưởng phụ nữ gương mẫu, đi đầu trong hoạt động Hội
03/03/2024 - 19:38

BTĐKT - Nhiều năm qua, Chi hội phụ nữ xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên luôn được đánh giá là một trong những chi hội mạnh trong phong trào hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã. Có được kết quả đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của chị Nguyễn Thị Vân, Chi hội trưởng phụ nữ xóm Phả Lý xã Văn Hán, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thái Minh. Chị Vân luôn nhiệt tình, năng động trong các phong trào, gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động của chi hội.

https://cms.thainguyen.vn/documents/130212/12348258/Trien+khai.jpg/35f1ff6a-0861-4366-b273-eafdac95a530?t=1691467563063

Chị Nguyễn Thị Vân (áo xanh) đã xây dựng thành công thương hiệu chè Thái Minh (ảnh: Phương Thảo)

Thực hiện chức trách của mình, bằng sự nhiệt huyết, tận tâm với công việc, chị Vân đã tích cực phối hợp với các đoàn thể trong xóm tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến hội viên phụ nữ và bà con nhân dân trong xóm; quan tâm tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ thực hiện tốt nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp, phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội; vận động hội viên, phụ nữ tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Đặc biệt, chị luôn chú trọng tuyên truyền về những cách làm hay, sáng tạo của chị em phụ nữ trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường; tuyên truyền về những tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong làm kinh tế giỏi, những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả để chị em cùng tham gia học tập và thực hiện.

Để có thêm kinh phí giúp đỡ chị em phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, đồng thời thiết thực làm theo tấm gương của Bác, chị đã xây dựng mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” trong chi hội. Tính đến nay, chi hội đã tiết kiệm được số tiền hơn 38 triệu đồng, cho 11 hội viên nghèo của chi hội xóm Phả Lý vay không lấy lãi để mua cây, con giống phát triển kinh tế. Nhờ những hoạt động thiết thực, chị em phụ nữ xóm đã tích cực tham gia hưởng ứng, thực hiện. Phong trào phụ nữ ở xóm, xã ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, thu hút nhiều chị em tham gia vào tổ chức Hội.

Không chỉ nhiệt tình, tâm huyết với các phong trào hoạt động của tổ chức Hội, chị còn là người vợ đảm đang, người mẹ mẫu mực và người phụ nữ làm kinh tế giỏi. Trước đây, khi mới xây dựng gia đình ra ở riêng, vợ chồng chị gần như hai bàn tay trắng, chỉ có 1 ngôi nhà cũ chưa đầy 30 m2 trên mảnh đất gần 70 m2 của bố mẹ cho, tài sản gia đình không có gì giá trị. Năm 2006, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã, đời sống vô cùng khó khăn. Được cán bộ Hội LHPN xã tuyên truyền, vận động, chị đã đăng ký tham gia sinh hoạt Hội, nhờ đó chị được giao lưu học hỏi, được tập huấn các kiến thức về pháp luật, chăm sóc sức khỏe, khoa học kỹ thuật… Bên cạnh đó, chị còn được Hội hỗ trợ giúp vay vốn phát triển kinh tế từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội và được hỗ trợ kinh phí làm nhà từ nguồn vốn 135 của Chính phủ. Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự quan tâm giúp đỡ của tổ chức Hội LHPN, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vượt khó của bản thân, đến năm 2010 gia đình chị đã được công nhận thoát nghèo.

Trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, chị nhận thấy bà con, nhân dân tại địa phương làm nghề chè chủ yếu theo hướng nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp không có sự liên kết. Chính vì vậy, sản phẩm chè khi bán ra thị trường không được giá cao và thường bị thương lái ép giá. Chị đã trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để giúp chính bản thân mình và bà con trong xóm sản xuất ra những sản phẩm chè vừa đảm bảo an toàn, vừa mang lại kinh tế cao với giá thành hợp lý. Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, chị vận động thêm 8 chị em cùng tham gia vào nhóm sở thích trồng chè với mình, đồng thời mạnh dạn đề xuất với Hội LHPN xã để giúp các chị em trong nhóm sở thích và các hộ trồng chè trong xóm được tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chế biến và chăm sóc chè, qua đó không chỉ giúp tăng năng suất, sản lượng chè tại địa phương mà còn sản xuất ra những sản phẩm chè ngon, an toàn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với những năm trước đây.

Được sự hỗ trợ giúp đỡ của các cấp Hội, chị tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè của địa phương trên mạng xã hội; mang sản phẩm chè tham gia các phiên chợ nông sản an toàn, các hội chợ trưng bày sản phẩm trong và ngoài tỉnh do các cấp Hội, các cơ quan, ban ngành tổ chức. Cùng với sự nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm, chị cùng các chị em trong nhóm sở thích đã sản xuất và tiêu thụ ngày càng hiệu quả, lợi nhuận ngày càng cao. Ngoài tiêu thụ sản phẩm của các thành viên trong nhóm, chị Vân cũng hỗ trợ giới thiệu thêm đầu ra cho sản phẩm chè của các chị em phụ nữ khác trên địa bàn.

Năm 2020, với sự hỗ trợ giúp đỡ của các cấp Hội LHPN chị đã đăng ký thành lập Hợp tác xã Thái Minh, gồm có 8 thành viên, do chị làm Giám đốc với số vốn điều lệ là 5 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là chè và trà hoa các loại. Cùng với hoạt động sản xuất và chế biến, hợp tác xã còn thu mua nguyên liệu cho vùng sản xuất chè trên địa bàn với hơn 20 ha của gần 80 hộ dân, tạo việc làm thời vụ cho hàng trăm người dân tại địa phương. Thu nhập bình quân cho mỗi lao động từ 8 - 10 triệu đồng/tháng.

Với nhiều nỗ lực của chị cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Hội LHPN cấp xã, từ năm 2020 đến nay, nhiều sản phẩm của Hợp tác xã Thái Minh đã vinh dự được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao (trà đinh ướp hoa mộc, trà Hán Văn) và OCOP 3 sao (trà ướp hoa nhài, Thái Minh trà, trà Matcha Omatine, trà ướp hoa sói, trà sen). Năm 2021, ý tưởng khởi nghiệp “Đổi mới kỹ thuật trồng và chế biến trà xanh ướp hoa mộc theo định hướng hữu cơ” của hợp tác xã đã được nhận giải triển vọng tại vòng chung kết Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Bên cạnh đó, hợp tác xã còn nghiên cứu và sản xuất rất nhiều sản phẩm chè, trà đặc sản như: Chè lộc xuân, chè búp, chè búp non; trà xanh túi lọc, trà tôm nõn, trà hoa cúc trắng, trà đậu biếc… Không những cung cấp sản phẩm chè, trà, hợp tác xã còn có ý tưởng xây dựng những bộ sản phẩm chè, trà có mẫu mã hộp đựng, túi xách, bình pha đẹp, chất lượng; sản phẩm có lô-gô, tem mác để quảng bá đưa ra thị trường, giúp nầng tầm giá trị sản phẩm và thương hiệu. Sản phẩm chè của hợp tác xã Thái Minh cũng được cấp ủy, chính quyền và tổ chức Hội giới thiệu tham gia rất nhiều hội chợ triển lãm tại các tỉnh. Thu nhập hiện nay của hợp tác xã đạt khoảng 25 tỷ đồng/năm.

Với những đóng góp tích cực trong phong trào hoạt động Hội, đặc biệt là trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi, chị Nguyễn Thị Vân luôn được hội viên phụ nữ và nhân dân trong vùng quý mến, tin yêu, được Hội LHPN các cấp ghi nhận. Chị là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” của Hội LHPN xã Văn Hán, là người truyền cảm hứng để nhiều chị em học tập, noi theo.

Mai Linh